Thursday, July 25, 2013

Chạy án: căn bệnh trầm kha ở Việt Nam

Chạy án: căn bệnh trầm kha ở Việt Nam
Chạy án một chuyện rất phổ biến ở Việt nam mà hầu như ai cũng biết, nó được coi là một lỗ hổng trong ngành tư pháp ở Việt nam. Từ đó công lý luôn sẵn sang bị những cán bộ trong ngành bảo vệ pháp luật nhận tiền để bẻ cong. Sự thật của vấn nạn này đang diễn ra ở Việt nam thế nào?
Thiếu một nhà nước pháp quyền
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22.3.2013, đã có nhiều Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về tình trạng tiêu cực của cán bộ ngành tòa án. Và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cũng đã thừa nhận “thực tế có một số không ít cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự.”
Việc nay hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát hỏi Chánh án Trương Hòa Bình: “Có hay không tiêu cực trong chạy án tham nhũng khi số vụ án đưa ra xét xử thì ít nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45%?".

Ở Việt nam việc dùng tiền để hối lộ cho các cán bộ trong ngành tư pháp và bảo vệ pháp luật, hay còn gọi là chạy án là một hiện tượng rất phổ biến mà ai cũng biết. Nói về chạy án và nguyên nhân vì sao việc chạy án đang ngày một gia tăng, LS. Hà Huy Sơn cho chúng tôi biết:

“Vấn đề chạy án là người có quyền lợi liên quan (đến vụ án) nguyên đơn hay bị đơn, bỏ tiền ra chạy cán bộ thẩm phán để lấy lợi về phần mình, trái với quy định của pháp luật. Có hai nguyên nhân, là cái khung hình phạt quy định khoảng cách quá lớn là một phần; cái thứ hai là cái quy định nội dung của tội danh không rõ ràng. Cho nên thẩm phán hay các cơ quan tiến hành tố tụng người ta có thể suy đoán, suy diễn theo cái hướng của người ta. Và nguyên nhân chính theo quan điểm của tôi là do Việt Nam đang thiếu một nhà nước pháp quyền, nên hiện tượng này đang ngày càng gia tăng.”

026_c0023257ts-305.jpg
Ảnh minh họa về nạn hối lộ
Chạy án ở Việt nam hiện nay không còn giống như chạy án mấy chục năm về trước, khi đó chỉ là hiện tượng cá biệt và thuộc về một số người lợi dụng quen biết để nhờ vả rồi trục lợi. Hiện nay việc chạy án trở thành hệ thống có tổ chức với những thủ đoạn hết sức tinh vi và phức tạp. Đó chính là nguyên nhân vì sao ở Việt nam bây giờ bất cứ án gì, ở mức độ nào nếu có tiền là lo được hết, kể cả án tử hình cũng có thể có người chết thay cho.

Nhà báo chống tham nhũng Trần Quang Thành, người từng bị tạt át xít vì chống tham nhũng nói với chúng tôi rằng: “Chạy án thì có hai loại, chạy án hình sự và án dân sự. Vụ án dân sự không giốn như vụ án hình sự, vì vụ án hình sự nó có thời hạn nhất định còn có các vụ án dân sự kéo dài mấy năm không xong. Càng kéo dài bảo nhiêu thì luật sư càng bở bấy nhiêu mà thẩm phán càng ăn thua vì họ mặc cả với nhau. Nói thật, cả án chính trị cũng chạy được, án nào cũng chạy được. Tử hình xuống chung thân có khó gì đâu, chưa kể đến nó mua người để thay người (bị tử hình), chuyện này nó dích dắc lắm. Trong tù có những chuyện mà ta không thể hiểu nổi.”

Toàn bộ quá trình chạy án đã có sự thống nhất chung giữa các cơ quan tố tụng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và Bộ Tư pháp (trong trường hợp giảm án hoặc đặc xá )... Ở tùy các mức độ nguy hiểm và tính chất của vụ án mà mức độ tham gia của các đối tượng thuộc các cơ quan trên sẽ được huy động ở các cấp khác nhau. Và báo chí sẽ được huy động tham gia nếu cần thiết phải tạo áp lực của dư luận xã hội theo chiều hướng có lợi hoặc có hại cho một bên. Khi đó các nhà báo là phóng viên Nội chính sẽ vào cuộc để viết bài nhằm gây áp lực.

Đối với các vụ án lớn, nghiêm trọng, nếu có một thế lực lớn đứng đằng sau, thì là khi sức mạnh tổng hợp sẽ bị lạm dụng và huy động hết công suất. Có lẽ đó là lý do mà Năm Cam, trùm xã hội đen ở Sài gòn đã để lại một câu nói bất tử: “Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền.”

Tham nhũng tập thể

Nói về thủ đoạn chạy án, nhà báo chống tham nhũng Trần Quang Thành cho biết: “Có nhiều cách chạy, nhưng không bao giờ thẩm phán trực tiếp đứng ra để làm việc này. Không bao giờ Viện Kiểm sát đứng ra làm việc này hay không bao giờ công an làm việc này, nó phải nhờ đến vai trò của Luật sư và nhà báo. Các bạn cần nhớ, trong các vụ án không bao giờ có chuyện ông đến nhà thẩm phán để chạy trực tiếp mà ông ấy ăn (tiền) đâu. Không thể một thằng ăn được. Nên có câu rằng “Tao ăn, mày ăn, chúng nó ăn, chúng ta cùng ăn”. Tức là không có vụ chạy án nào mà có thằng ăn một mình. ”

Ngay khi vụ án bị khởi tố, trong trường hợp thân nhân người phạm tội có nhu cầu chạy án, với vai trò của Luật sư bào chữa cho thân chủ. Lúc này luật sư đóng kiêm vai trò tổng đạo diễn chạy án. Trình tự chạy án sẽ được các luật sư hoạch định cụ thể. Và trong quá trình tiếp xúc với bị can, nguyên đơn, bị đơn hay các cơ quan Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát… luật sư sẽ là người chủ động điều chỉnh để các cá nhân cũng như các cơ quan liên quan có sự thống nhất chung với quan điểm của luật sư. Cụ thể thông qua việc sửa bút lục lời khai, thay đổi tang vật, vật chứng của vụ án v.v… hoặc thay đổi nội dung cáo trạng theo hướng có lợi cho thân chủ. Để thẩm phán có điều kiện phán xét theo mong muốn của gia đình người phạm tội.

Điều này hoàn toàn phù hợp với ý kiến của LS. Hà Huy Sơn cho chúng tôi biết: “Tôi thì tôi cũng đồng ý với ý kiến đó, tại vì luật sư và những nhà báo là những người có điều kiện tiếp xúc với các bên. Tức là tiếp xúc với người bị bắt giữ và tiếp xúc với các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án. Họ là người có điều kiện môi giới để chạy án. Và theo cá nhân tôi được biết thì cái việc này không phải là ít, mà có thể nói là việc phổ biến là đằng khác.”

Cuối cùng của việc chạy án sẽ chạm đích, khi các cơ quan tham gia tố tụng sẽ cùng có ý kiến “đồng thuận cao” với ý kiến của luật sư tại phiên tòa. Thì cũng là lúc cán cân công lý đã bị đồng tiền bẻ cong.

Ở Việt Nam hiện nay, không chỉ có tình trạng “cứ bắt là có tội, cứ ra Tòa là có án", mà còn “có tiền để chạy án là sẽ thoát tội”. Khi ấy, tội nặng sẽ thành tội nhẹ, tội nhẹ trở thành vô tội là chuyện ai ai cũng biết. Bây giờ chuyện chạy án đã là chuyện phổ biến, người ta nói với nhau công khai.

Một khi người dân đã không còn tin vào pháp luật thì việc bỏ tiền chạy án chính là cứu cánh cho họ. Cũng bởi vì ở đó không có công lý, không có một nền tư pháp độc lập, thì chạy án vẫn còn tồn tại và phát triển.

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-07-25

No comments:

Post a Comment