Khi xôi Việt Nam đón bánh McDonald's
Trần Tiến Dũng: Sài Gòn, đô thị lớn nhất Việt Nam có hàng ngàn điểm bán các món ăn điểm tâm truyền thống, những món xôi, bánh mì, bánh giò.. là thức ăn nhanh đúng nghĩa.Có thể cho rằng tiệm nhỏ, xe, gánh bán hàng vỉa hè của người Việt sống ở các đô thị đã tạo nên sắc thái văn hoá ăn nhanh.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, người có điều kiện đi, về để tìm những cảm nhận ở sự khác biệt đời Mỹ-Việt Nam, nói rằng "Thật ra mua gói xôi, ổ bánh mì ở Sài Gòn nhanh hơn chờ mua một món ăn nhanh McDonald's. Đó là chưa kể những thăm hỏi nhanh về thời tiết, thế sự, chuyện phố, chuyện nhà, mang tính văn hoá đặc thù giữa người bán và khách mua."
Không gian đô thị này ngày một rộng hơn, nhưng mỗi người có thể kết nối thân tình bằng cách dừng lại mua nhanh và chuyện trò nhanh với chủ một hàng xôi, bánh nào đó. Mỗi món ăn nhanh ở Sài Gòn thanh đạm có gốc từ văn minh nông nghiệp là sự nối kết nhanh nhưng bền lâu các mối quan hệ thị dân.
Trải suốt rộng dài thời gian không gian đô thị, xe đẩy bán xôi , bánh mì nóng giòn vào mỗi sáng, chiếc xe đạp bán bánh giò bánh gai cất tiếng rao theo lộ trình thân quen vào ban đêm đã tạo dựng nên không gian văn hoá điểm tâm-trải lòng của người Sài Gòn.
Gánh hàng có thể sang cho người mới hoặc truyền con cháu nhưng hương vị, phong cách bán và nhất là tiếng rao vẫn luôn tiếp nối nuôi dưỡng bản sắc của thể chất và tâm hồn Sài Gòn.
Một cựu quân nhân VNCH nói: "Vào thời tôi, lính Mỹ và đồng minh đầy phố nhưng ăn uống kiểu Mỹ thua xa bây giờ. Mấy đứa cháu bé tí tuổi đầu cứ luôn mồm đòi gà rán, hamburger."
Thị phần
Các thương hiệu thức ăn nhanh đang tranh nhau thị phần Sài Gòn và Việt Nam, nhưng có lẽ giá trị tiết kiệm thời gian phục vụ nhịp sống công nghiệp của các thương hiệu thức ăn nhanh mới du nhập không thuyết phục lắm; chẳng phải là đường phố, tiệm ăn, quán cà phê... trong giờ làm việc vẫn cứ đông nghẹt người đó sao!
Vậy thì gà rán, pizza, hamburger...đem lại gì? Làm phong phú thêm thực đơn và quyền chọn món ăn, nhưng chính xác hơn là thoả mãn tâm lý của giới trưởng giả, dân thu nhập cao. Với người trẻ xuất thân từ gia đình mới phất, họ thích ngồi trong hiệu cà phê Starbucks hoặc tới đây rủ nhau vào "thế giới" McDonald's; họ thường không mua thức ăn nhanh vì gấp việc mà ăn nhanh, để ngồi lại dài dài bấm Iphone, mở Ipad, khoe sự chọn lựa hội nhập tiêu chuẩn tiêu dùng thời Mỹ toàn cầu hoá.
Chuyện cà phê Starbucks ở Việt Nam phát tờ rơi hạn định thời gian sử dụng wifi phải chăng cố ý đưa ra "thông điệp" về trào lưu sống tốc độ, không chấp nhận sống chậm ngồi lì.
Một nhà báo cho rằng từ thế hệ 9x, người trẻ sẽ hội nhập sâu hơn vào văn hoá thức ăn nhanh. Anh nói: "Mỗi khi có dịp tụ tập, những đứa cháu nội địa, du học về hoặc sinh ở nước ngoài đều đồng ý không tranh cãi khi chọn đến với thương hiệu thuộc hệ thống cà phê hoặc thức ăn nhanh nổi tiếng."
Một hiện tượng mới ở Sài gòn là những người trẻ đua nhau mở những tiệm, những điểm bán thức uống và thức ăn nhanh. Từ cà phê to-go cho đến bánh mì 60 giây...
Liên hệ hiện tượng này với chuỗi các cửa hàng Kentucky, Lotteria...cùng sự kiện đình đám Starbucks, McDonald's, có vẻ tới đây Sài Gòn sẽ khởi đầu cuộc cách mạng ăn nhanh uống lẹ.
Có gì đó thật tréo ngoe khi xã hội đầy vấn nạn, kinh tế suy thoái, khoảng cách đạt đến nhịp sống công nghiệp tốc độ nhanh ngày càng mù mờ thì lại rộn chuyện ăn nhanh, uống lẹ, đường phố khoe màu mè các thương hiệu thức ăn đồ uống danh tiếng của những quốc gia phát triển.
Trong số những người tấp vào một xe ba bánh bán xôi, có ông lên tiếng lo cho số phận gói xôi sẽ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt. Một ông khác vô tư nói: "Dân nghèo "đạo" xôi, mì gói như tui với ông ở đất Sài Gòn này đông như kiến cỏ, học đòi ăn nhanh uống lẹ mà tốn tiền trăm thì có mà đập mặt xuống ống cống."
Sẽ không có cuộc cạnh tranh nào giữa thức ăn nhanh Việt là gói xôi vỉa hè và ổ bánh mì kẹp thịt toàn cầu McDonald's, bởi lẽ đơn giản: ăn nhanh với người lao động xứ ta kiếm trung bình 10 đô la một ngày làm sao đua kịp dân lao động xứ người thu nhập trung bình 20 đô la một giờ.
Có nhận xét trớ trêu là: (xin lỗi tác giả vì phải cắt bỏ đoạn này).
Nhà thơ Trần Tiến Dũng
Gửi cho BBC từ Việt Nam* Bài viết thể hiện quan điểm tiêng của tác giả, một nhà thơ từ Việt Nam.
(BBC)
No comments:
Post a Comment