Mỹ thiệt trước lợi sau khi chơi với VN?
(trích)
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang vừa có chuyến thăm thính thức Hoa Kỳ ba ngày theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác toàn diện", cam kết hợp tác và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Nhân dịp này, BBC Tiếng Việt có cuộc trao đổi qua email với luật sư Hoàng Duy Hùng, nghị viên thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên 'đối tác toàn diện'
Ông cho biết quan điểm về khả năng dễ dàng hay không trong việc thực hiện các cam kết trao đổi thương mại việc giữa các lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như liệu Hoa Kỳ có đang ‘thua thiệt' khi có vẻ nhập nhiều song lại bán hàng sang Việt Nam ít hơn?
Ông Hoàng Duy Hùng: Lịch sử của thế giới cho thấy thời gian đầu giao dịch thương mại Hoa Kỳ thường bị “thua thiệt” như trường hợp Hoa Kỳ liên tục bị “thua thiệt” với Trung Quốc trong nhiều thập niên, xuất cảng thì ít mà nhập hàng từ Trung Quốc thì nhiều. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là một anh tư bản có nhiều vốn và họ tính toán trường kỳ hơn ngắn hạn. Ngắn hạn thì họ thua thiệt đó, nhưng lâu dài thì chưa chắc.
Hoa Kỳ đã dùng sự trỗi dậy của Trung Quốc để đánh đổ cả triều đại Cộng Sản do Nga Sô lãnh đạo để rồi sau đó Hoa Kỳ hưởng không biết bao nhiêu là quyền lợi từ vụ sụp đổ của Liên Xô. Đánh đổ xong Nga Sô, bây giờ Trung Quốc trở thành đối tác và đối thủ nặng ký thì Hoa Kỳ xoay sở sang tìm một thế lực khác để cân bằng Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, cán cân mậu dịch có chênh lệch nhưng so với Trung Quốc thì không có là bao nhiêu hết. Hoa Kỳ đồng ý nâng cấp “chiến lược toàn phương diện” với Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á để cân bằng thế lực của Trung Quốc. Sự cân bằng thế lực của Trung Quốc quan trọng hơn nhiều với cán cân mậu dịch vài trăm triệu USD một năm. Hoa Kỳ chẳng có thua thiệt gì về vấn đề này cả vì Hoa Kỳ dùng sự cân bằng này để đạt nhiều lợi nhuận ở những nơi khác.
Thời đại này là thời đại của sự liên đới nương tựa lẫn nhau nên “interdependence” quan trọng hơn “independence” rất nhiều. Trung Quốc là đối thủ của Hoa Kỳ trên nhiều phương diện, nhưng chính Trung Quốc lại là “sự nương tựa lẫn nhau” (interdependence) cho sự phát triển của Hoa Kỳ, và ngược lại, Hoa Kỳ chính là chất xúc tác cho phát triển của Trung Quốc.
Nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ dùng Việt Nam như một người tiền phong chống sự bành trướng của Trung Quốc xuống phía nam. Điều đó đúng một phần. Phần khác có lẽ cũng quan trọng không thua kém gì khác lại quan trọng hơn đó là Hoa Kỳ dùng Việt Nam như đầu cầu để khai thác tài nguyên và đầu tư của Khối Asean.
Cục diện của Việt Nam không thể nào chỉ được đánh giá dễ dàng hay không dễ dàng dựa trên tiểu chuẩn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà phải nói dựa trên tiêu chuẩn “con cờ Việt Nam” như thế nào trong ván cờ quốc tế.
Trong ván cờ quốc tế hiện nay, Việt Nam đang từ từ trỗi dậy ở phía nam, là đầu tàu quan trọng của Asean nên Hoa Kỳ đối xử rất “rộng tay” với Việt Nam cho dầu còn có nhiều vấn đề lấn cấn như vấn đề đàn áp nhân quyền hay không có đối lập ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao Tổng Thống Barack Obama đã tiếp đón rất long trọng với Chủ Tịch Trương Tấn Sang và đã rộng tay trong vấn đề mậu dịch với Việt Nam dẫu rằng rất nhiều người Việt biểu tình ở ngoài Tòa Bạch Ốc cũng như nhiều Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu của Hoa Kỳ đã viết thư yêu cầu Tổng Thống Barack Obama làm áp lực với Chủ Tịch Trương Tấn Sang nhiều hơn nữa trong vấn đề nhân quyền.
Quá trình của Hoa Kỳ đối xử với Trung Quốc như thế nào trong những thập niên trước cũng sẽ được áp dụng tại Việt Nam. Như thế, trong khoảng 2 thập niên tới, chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ rất “rộng rãi” với Việt Nam giúp cho Việt Nam trở thành một Trung Quyền Lực (Middle Power) để thăng bằng cán cân trong vùng. Trong những thập niên trước, Hoa Kỳ cũng đã từng lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc thì Hoa Kỳ cũng sẽ liên tục lên tiếng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong những thập niên tới, nhưng đó cũng chỉ là chiêu thức võ miệng chứ trong thực tế không có tác dụng mạnh mẽ.
Vì chính sách thực tiễn của Hoa Kỳ nên Hoa Kỳ dùng những cuộc biểu tình hay những thỉnh nguyện thư của người Việt như một lá bài để trả giá với Việt Nam. Thời điểm này Việt Nam cũng đã khá thành thạo chính sách đó của Hoa Kỳ nên khi cần thì họ tương nhượng và khi thấy quyền lực của Đảng Cộng Sản bị gậm nhấm thì họ nhất quyết không thỏa hiệp. Đó là nguyên do chúng ta thấy trong chuyến công du của Chủ Tịch Trương Tấn Sang vừa qua đã không có những sự trả tự do cho các bloggers trước khi ông đến Washington D.C và dự trù cũng sẽ không thả một ai sau chuyến công du.
'Nói gà, nói vịt'
BBC: Kinh nghiệm của ông từ TP Houston cho thấy khi thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam, doanh nhân Mỹ e ngại điều gì? Tham nhũng? Luật lệ bất nhất?
Kinh nghiệm của tôi ở Thành phố Houston, các doanh nhân e ngại luật pháp của Việt Nam còn rất bấp bênh. Họ e ngại Ngành Tư pháp không được độc lập hơn là e ngại vấn đề tham nhũng. Vấn đề tham nhũng là một vấn nạn nhưng cũng còn có thể giải quyết bằng luật pháp. Hệ thống luật pháp không có vững và ngành tư pháp không độc lập thì không còn cách gì để cứu vãn. Do đó, triệt hạ tham nhũng là một cấp bách, nhưng Việt Nam cần xây dựng hệ thống luật pháp vững vàng và ngành tư pháp phải được độc lập lại càng cấp bách hơn.
BBC: Là một luật sư, ông nghĩ sao về tuyên bố chung Mỹ – Việt nói về nhân quyền? Quan hệ giữa nhân quyền và nhà nước pháp quyền trong bối cảnh VN hiện nay ra sao?
Nhân quyền là một vấn đề khá trừu tượng vì mỗi người hiểu nhân quyền theo quan niệm của họ. Tôi được biết rất nhiều Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Hoa Kỳ đã viết thư yêu cầu Tổng Thống Barack Obama nói về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam với Chủ Tịch Trương Tấn Sang. Tổng Thống Obama hiểu nhân quyền theo tiêu chuẩn khác và Chủ Tịch Trương Tấn Sang hiểu nhân quyền theo tiêu chuẩn khác. Tôi cho rằng trong cuộc họp Thượng Đỉnh Mỹ Việt vừa qua, ở phạm trù nhân quyền, ông đã nói gà và bà đã nói vịt. Rốt cuộc, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không xoáy sâu vào vấn đề nhân quyền mà là quyền lợi kinh tế cũng như ảnh hưởng chính trị của mỗi quốc gia.
(...)
Một nhà nước nhân quyền như Hoa Kỳ khi làm việc với một nhà nước độc đảng như Việt Nam thì buộc lòng họ phải nhân nhượng một số nguyên tắc để cả hai cùng có lợi. Chính vì “quyền lợi” là nền tảng cho sự quan hệ nên chúng ta thấy đề tài nhân quyền có được nêu lên đi nữa thì chỉ là món đồ trang sức chớ không đi vào thực dụng và có đủ “răng” để “cắn” cho Việt Nam phải chấp thuận đa đảng.
(...)
(BBC)
No comments:
Post a Comment