Quy trình kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân
III- Các nội dung cơ bản của việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm:
Vừa qua, các ngành, các vùng kinh tế và các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 cho ngành mình, vùng mình và địa phương mình. Hiện nay, chúng ta cũng đang tiến hành nghiên cứu xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Chiến lược và quy hoạch này sẽ là cơ sở và là nội dung định hướng của kế hoạch trung hạn 5 năm 2011-2015.
Theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010, cần tổ chức triển khai những nội dung sau trong quá trình xây dựng kế hoạch 5 năm:
I- Một số vấn đề cần lưu ý trong xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm
a) Kế hoạch hoá phát triển 5 năm phải hướng vào việc chuẩn bị thật tốt các thông tin dự báo những khả năng phát triển kinh tế - xã hội, những xu thế phát triển trong và ngoài nước và những mối quan hệ tương tác lẫn nhau.
b) Kế hoạch hoá phát triển 5 năm phải xuất phát từ chiến lược và quy hoạch; vì vậy, trước khi xây dựng kế hoạch 5 năm, phải xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển tổng thể nền kinh tế quốc dân tầm 10 năm trở lên, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch phát triển các ngành, lãnh thổ; xây dựng các chương trình mục tiêu và các dự án phát triển...
c) Hệ thống kế hoạch bao gồm kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, nhưng dần dần chuyển sang kế hoạch hoá phát triển kinh tế xã hội 5 năm là chính, có chia theo từng năm, giữa kế hoạch 5 năm có xem xét điều chỉnh.
d) Kế hoạch 5 năm phải bao quát toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, trong đó nội dung cơ bản là xác định hệ thống các mục tiêu kinh tế vĩ mô, các nhân tố tăng trưởng kinh tế, các cơ cấu của nền kinh tế, các mối quan hệ hợp lý giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa nguồn lực trong nước và nước ngoài..., đồng thời tính toán, xác định một số cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có tổng hợp tất cả các nguồn vốn.
Trong kế hoạch, cần nêu rõ các giải pháp lớn về cơ chế chính sách, đảm bảo khai thác mọi nguồn lực, nhằm dẫn dắt nền kinh tế phát triển theo định hướng của kế hoạch.
e) Kế hoạch 5 năm phải hướng vào việc xây dựng hệ thống pháp luật, trước hết là các luật kinh tế, các chính sách đòn bẩy kinh tế, các định chế quản lý kinh tế xã hội thích hợp, nhằm tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô có tác dụng kích thích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia vào phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và ổn định.
f) Kế hoạch 5 năm nhất thiết phải có sự tham gia rộng rãi của mọi đối tượng, tầng lớp dân cư trong xã hội nhằm thu thập được càng nhiều càng tốt các thông tin để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch để đảm bảo kế hoạch phản ánh được yêu cầu phát triển của xã hội và tiềm lực của đất nước. Qua tham vấn cộng đồng dân cư và chính quyền các cấp, sẽ tăng cường được nhận thức của họ về vai trò và trách nhiệm của họ trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm.
Về tổ chức thực hiện:Các bộ, ngành trung ương với chức năng quản lý nhà nước của mình, có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển toàn ngành, tổng hợp, xử lý và tối ưu hoá các phương án kế hoạch từ các Tổng công ty, các công ty, các đơn vị sản xuất kinh doanh khác. Các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế, phải cụ thể hoá các quy hoạch và kế hoạch phát triển toàn ngành, lĩnh vực trong phạm vi hoạt động của mình.
Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân đứng đầu là chủ tịch tỉnh, thành phố, có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu quy hoạch và kế hoạch phát triển của địa phương. Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của địa phương mình. Các sở, ban ngành chuyên môn khác của tỉnh, thành phố với chức năng của mình trên địa phương, sẽ tham gia xây dựng kế hoạch chi tiết cho lĩnh vực chuyên môn của mình, có tham khảo ý kiến của các bộ, ngành dọc ở trung ương. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thành phố được tổng hợp từ các phương án kế hoạch của các sở, ban, ngành và các quận, huyện xây dựng lên. Kế hoạch tổng hợp chung sau đó được gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
II) Các nội dung cơ bản của xây dựng kế hoạch 5 năm:
1) Những nội dung chính trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm:
(1) Tổng kết quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm trước :
Nội dung này bao gồm đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu và các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm trước, nêu bật những việc đã làm được và những việc chưa làm được, tìm ra những nguyên nhân thành công và thất bại, tổng hợp thành các bài học... Ở tầm kinh tế vĩ mô, cần phải phân tích các mối quan hệ liên ngành, liên lĩnh vực để phân tích tích ra những nguyên nhân sâu xa, cơ bản, và là nguồn gốc chủ yếu của thành công và thất bại. Ở các ngành, các địa phương, cần đánh giá kỹ những thành tựu đã đạt được, nhất là những cơ sở vật chất kỹ thuật tăng thêm do thực hiện các chương trình đầu tư, trong đó chú trọng xem xét đánh giá kết quả và hiệu quả của các chương trình đầu tư công cộng. Đánh giá không chỉ khoanh trong các nội dung kinh tế mà phải bao gồm cả các nội dung xã hội, môi trường...
(2) Dự báo các khả năng phát triển, các nhân tố tăng trưởng và các nguồn lực phát triển có thể huy động vào sử dụng trong kỳ kế hoạch:
Nội dung này bao gồm đánh giá các nguồn lực phát triển có thể khai thác đưa vào sử dụng trong kỳ kế hoạch như nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có, vốn tài chính, vốn công nghệ,...; dự báo khả năng thị trường trong nước và thế giới, tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực, tiến trình đổi mới trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế sang kinh tế thị trường, vấn đề an ninh, quốc phòng, khả năng phát triển của 5 đối tác chính là khối Liên minh Châu âu, Bắc Mỹ, khối ASEAN, Trung quốc, và Nhật bản và Hàn quốc; phân tích các mối quan hệ giữa các yếu tố trong và ngoài nước, những thuận lợi và khó khăn... đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội thời kỳ kế hoạch.
Từ tất cả những phân tích trên, tiến hành dự báo các khả năng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của từng địa phương trong thời kỳ kế hoạch, theo nhiều phương án khác nhau.
(3) Chọn các phương án phát triển phù hợp nhất
Quá trình dự báo trong bước 2 sẽ đưa ra nhiều phương án khác nhau, có phương án xấu nhất và phương án lạc quan nhất. Trên cơ sở các phương án này, sẽ tiến hành phân tích từng phương án để chọn 1, 2 hoặc 3 phương án làm phương án kế hoạch. Thông thường, phải có một phương án thuận, tức là phương án dựa trên dự báo có khả năng vượt được các khó khăn, điều kiện trong nước và quốc tế thuận lợi, và một phương án không thuận, tức là phương án dựa trên dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khách quan và chủ quan...
Việc lập các phương án thuận và không thuận có ý nghĩa rất lớn để có thể chủ động trong điều hành kế hoạch, phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn. Nhờ những phương án có sẵn này, khi tình hình không thuận, sẽ dễ dàng, nhanh chóng điều chỉnh được kế hoạch phát triển theo phương án thấp hơn, không để nền kinh tế rơi vào bị động, mất cân đối trong quá trình điều chỉnh trước biến động không thuận của môi trường. Trong xây dựng kế hoạch 5 năm, phương pháp cuốn chiếu là một phương pháp rất tốt đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nội dung cơ bản của phương pháp này là điều chỉnh lại kế hoạch hàng năm trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm.
(4) Xây dựng hệ thống các quan điểm phát triển phù hợp nhất cho chặng đường 5 năm của kế hoạch:
Hệ thống các quan điểm phát triển được xây dựng căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, quy hoạch phát triển dài hạn và việc phân kỳ chúng thành các giai đoạn phát triển nối tiếp nhau. Nội dung chính của quá trình xây dựng hệ thống các quan điểm phát triển là thiết lập các quan điểm sau làm tư tưởng chỉ đạo xây dựng kế hoạch:
- Quan điểm kết hợp tăng trưởng với ổn định và bền vững, và chuẩn bị tiền đề cho các giai đoạn phát triển sau;
- Quan điểm về kết hợp hài hoà phát triển kinh tế và phát triển xã hội;
- Quan điểm về phát triển điểm và diện;
- Quan điểm về kết hợp nguồn lực trong nước với nguồn lực bên ngoài;
- Quan điểm phát triển thành phần kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài;
(5) Xác định các mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển trong kỳ kế hoạch
Đây là vấn đề rất phức tạp. Ở cấp tổng thể nền kinh tế quốc dân cũng như ở các ngành, các lĩnh vực và từng địa phương, phải xác định thật rõ và chính xác hệ thống các mục tiêu kinh tế xã hội phải đạt trong kỳ kế hoạch, trong đó có mục tiêu cơ bản, mang tính bao trùm và sẽ được coi như khẩu hiệu hành động. Mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 1991-1995 là ổn định kinh tế. Mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 1996-2000 là tăng tốc thông qua thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 2001-2005 là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững (nhưng chưa chú ý đến yếu tố môi trường).
Còn mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 2006-2010 là gì ? Một số ý kiến cho rằng mục tiêu cơ bản của kế hoạch tới là việc làm, vì đây đang là vấn đề kinh tế xã hội bức xúc nhất. Giải quyết được việc làm vừa tạo ra thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế, vừa chống được hàng loạt các tệ nạn xã hội sinh ra do thiếu việc. Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ rõ mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 2006-2010 là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.
Hệ thống các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển phải kết hợp giữa định tính và định lượng. Các chỉ tiêu để đánh giá, so sánh phải được tính theo giá cố định. Các chỉ tiêu cơ cấu kinh tế, thu chi ngân sách, tích luỹ, đầu tư... phải được tính theo giá hiện hành vì chỉ tính theo giá hiện hành mới phản ánh đúng thực trạng kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ dự báo chỉ số giá và thông báo cho các địa phương, các ngành để các địa phương, ngành tính toán các chỉ tiêu của mình theo giá hiện hành. Có 5 nhóm mục tiêu cơ bản sau đây:
- Tăng trưởng kinh tế, mà mục tiêu tổng quát là tốc độ tăng trưởng GDP, trong đó có cụ thể hoá cho tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
- Ổn định nền tài chính quốc gia, gồm hệ thống tài chính và hệ thống ngân hàng. Nội dung cơ bản là phát triển tiềm lực tài chính, tăng khả năng thu ngân sách và chi ngân sách cho đầu tư phát triển, xử lý hài hoà quan hệ tích luỹ - tiêu dùng, huy động mọi nguồn vốn vào đầu tư phát triển, lành mạnh hoá hoạt động của hệ thống ngân hàng...
- Kiểm soát tỷ lệ lạm phátở mức chấp nhận được, ổn định giá trị đối ngoại của đồng tiền (tỷ giá) phù hợp với tình hình thị trường và duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu; cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt là cán cân thanh toán vãng lai.
- Giảm tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết tốt công ăn việc làm, phát triển dân trí, cải thiện điều kiện sống của dân cư và phát triển mọi mặt đời sống xã hội.
Các ngành, các địa phương căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển của ngành, địa phương mình sẽ xây dựng hệ thống các mục tiêu nhằm cụ thể hoá hệ thống mục tiêu vĩ mô của đất nước, đưa ngành, địa phương mình phát triển hài hoà với xu hướng chung của toàn nền kinh tế.
(6) Xây dựng hệ thống các cân đối vĩ mô chủ yếu
Nội dung này bao gồm tính toán và xác định các cân đối lớn như tích luỹ - tiêu dùng; cân đối ngân sách nhà nước; cân đối tiền tệ; cân đối vốn cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong đó có tính đến huy động mọi nguồn lực vào phát triển; cân đối xuất nhập khẩu; cân đối cán cân thanh toán quốc tế; cân đối năng lực sản xuất và nhu cầu các sản phẩm chủ yếu trong nền kinh tế...
Ở các ngành, các địa phương, cần tính toán thật đầy đủ khả năng huy động các nguồn lực phát triển, từ đó cụ thể hoá các cân đối vĩ mô về hiện vật và giá trị, để trên cơ sở các cân đối này, sẽ thiết lập được hệ thống điều hành đủ nhanh, nhạy phục vụ công tác thực hiện kế hoạch ở ngành, cấp mình.
(7) Xây dựng các chương trình phát triển (chương trình mục tiêu quốc gia)
Xây dựng các chương trình phát triển là nội dung cốt lõi của xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Nội dung của nó bao gồm chuẩn bị các công trình, dự án nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch nhà nước. Quá trình xây dựng các chương trình phát triển bao gồm các bước sau:
- Xác định mục tiêu của từng chương trình và một số chỉ tiêu then chốt;
- Phân tích vai trò, phạm vi tác động của từng chương trình đến khả năng hoàn thành các mục tiêu chung của toàn nền kinh tế, của từng ngành, vùng và địa phương.
- Xác định các điều kiện vật chất, kỹ thuật, tài chính... cần thiết để thực hiện chương trình, bao gồm cả các giải pháp và các cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực;
- Xây dựng cơ chế điều hành chương trình.
(8) Xây dựng chương trình đầu tư phát triển toàn xã hội:
Mục đích của xây dựng các chương trình đầu tư phát triển toàn xã hội là bảo đảm thực hiện được các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong số các chương trình này, các chương trình đầu tư công cộng đóng vai trò quyết định. Nội dung công việc là xác định danh mục các dự án đầu tư trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng và từng địa phương, có thời gian khởi công và hoàn thành rõ ràng, có tính đến huy động các nguồn vốn đưa vào thực hiện. 5 nguồn vốn phải tính đến là:
- Nguồn vốn thuộc Ngân sách Nhà nước, gồm một phần vốn ODA;
- Nguồn vốn thuộc Tín dụng Nhà nước, bao gồm một phần vốn OAD chuyển sang hệ thống ngân hàng để cho vay lại;
- Nguồn vốn thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước đầu tư;
- Nguồn vốn thuộc các tầng lớp nhân dân đầu tư;
- Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
(9) Xây dựng hệ thống các giải pháp, cơ chế chính sách để điều hành nền kinh tế, bảo đảm thực hiện mục tiêu
Nội dung của bước này là đề ra được một hệ thống các giải pháp mang tính hiện thực và đồng bộ, càng chi tiết cụ thể càng tốt để thực hiện các mục tiêu kế hoạch. Đặc biệt phải làm rõ thứ tự ưu tiên và lịch trình thực hiện từng giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, thực hiện tốt từng nội dung và tiến độ đề ra trong kế hoạch. Các giải pháp được hợp thành 4 nhóm vấn đề lớn sau:
a) Nhóm các chủ trương kinh tế và các chính sách kinh tế nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
- Xây dựng, đổi mới hệ thống pháp luật, tạo động lực phát triển cho 5 năm tới.
- Xây dựng các chính sách để huy động mọi tiềm năng vào phát triển.
- Cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp.
b) Nhóm các chủ trương kinh tế và các chính sách kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập, cạnh tranh và phát triển.
- Chủ trương và chính sách phát triển kinh tế đối ngoại.
- Chính sách hội nhập.
- Chính sách mơ rộng thị trường...
- Chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA...
c) Nhóm các chủ trương, chính sách phát triển xã hội: Nguồn nhân lực, lao động, khoa học kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo, văn hóa y tế, giáo dục...
d) Nhóm các chính sách phát triển vùng và lãnh thổ; hỗ trợ các vùng nghèo...
....
2) Tổ chức thực hiện:
a) Hình thành các nhóm nghiên cứu:
Khi nghiên cứu xây dựng kế hoạch 5 năm, Bộ KH-ĐT là cơ quan giúp chính phủ tổ chức và thu hút mọi nguồn cán bộ vào hình thành các nhóm nghiên cứu xây dựng kế hoạch. Những nhóm nghiên cứu chủ yếu là:
- Nhóm nghiên cứu xá định các mục tiêu của kế hoạch và xây dựng các cân đối vĩ mô: Nhóm này tập hợp các nhà nghiên cứu và điều hành kế hoạch công tác tại các Vụ, Viện mang tính tổng hợp của các Bộ tổng hợp, như Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thương mại, Ban Vật giá Chính phủ..., và cán bộ của một số trường đại học, viện nghiên cứu của các ngành, các Bộ khác.
Nhiệm vụ của nhóm là:
+ Nghiên cứu, hình thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm;
+ Nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các nguồn lực có khả năng huy động vào phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ kế hoạch;
+ Xác định các cân đối vĩ mô để sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực đó;
+ Cân đối các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với các nguồn lực, hình thành các phương án và dự kiến phân kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm thành các kế hoạch hàng năm.
- Nhóm xây dựng các phân tích, dự báo khả năng phát triển: Nhóm này tập hợp các nhà nghiên cứu kinh tế, các chuyên gia đầu ngành về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các nhà xã hội học, giáo dục học, các nhà nghiên cứu về kinh tế môi trường,...công tác tại các viện nghiên cứu của các Bộ, ngành, trường đại học...
Nhiệm vụ của nhóm là tập trung phân tích và dự báo bối cảnh kinh tế xã hội, các mối quan hệ ràng buộc và tác động lẫn nhau giữa nhiều hiện tượng kinh tế xã hội trong suốt thời kỳ phát triển, trên tất cả các lĩnh vực, cả trong nước và quốc tế. Qua những phân tích và dự báo trên cơ sở thực trạng đất nước sau thời kỳ kế hoạch trước, sẽ luận giải và xác định các khả năng và tình huống phát triển đất nước, xác định những khó khăn và thuận lợi của nền kinh tế trong kỳ kế hoạch mới.
Có thể nói đây đang là lĩnh vực yếu kém nhất trong công tác kế hoạch hoá ở nước ta mặc dù đó là lĩnh vực cực kỳ quan trọng, đóng vai trò then chốt trong xây dựng kế hoạch. Trên thực tế, chúng ta thường coi nhẹ giai đoạn này. Chính xuất phát từ những dự sai lệch, đã dẫn đến bố trí cơ cấu kinh tế sai, tiếp đó bố trí cơ cấu đầu tư sai, và hệ thống các chính sách thực hiện không phù hợp với diễn biến tương lai của nền kinh tế. Khi bố trí cơ cấu kinh tế sai thì càng tăng trưởng nhanh, sẽ càng sớm đi tới khủng hoảng. Thiệt hại do khủng hoảng cơ cấu thường rất lớn, phải hàng thập kỷ mới xử lý được. Ví dụ như chọn cây cao su làm cây chiến lược chẳng hạn.
Một lý do quan trọng dẫn đến những yếu kém trong công tác phân tích, dự báo chính là sự yếu kém của hệ thống thông tin kinh tế xã hội.
- Nhóm chuyên về phát triển các ngành, lĩnh vực và địa phương: Đây là nhóm tập hợp rất đông các nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế trong nhiều ngành chuyên sâu tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, từ sản xuất kinh doanh tới văn hoá, y tế, giao dục... Nhiệm vụ của nhóm này là nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển các ngành kinh tế quốc dân, các ngành thuộc lĩnh vực xã hội, môi trường..., trong đó phải xác định được hệ thống các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển ngành, hình thành các chương trình đầu tư, thứ tự ưu tiên của các chương trình đầu tư, phân bổ các nguồn lực, kể cả vốn tài chính cho phát triển ngành. Đây là lĩnh vực đã được làm tương đối kỹ trong công tác kế hoạch hoá hiện nay của nước ta.
- Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển, cơ chế chính sách cần áp dụng: Nhóm này tập hợp các nhà nghiên cứu xây dựng và soạn thảo các Luật kinh tế, luật xã hội, các nhà hoạch định chính sách phát triển và các cơ chế quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô, một số nhà quản lý doanh nghiệp giỏi ở nhiều ngành, nhiều vùng... Số cơ quantham gia vào nhóm này rất lớn. Nhiệm vụ của nhóm là nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, luật kinh tế xã hội, tạo dựng môi trường vĩ mô ổn định và thuận lợi cho quá trình phát triển.
Trong toàn bộ quy trình xây dựng kế hoạch 5 năm, Bộ KH-ĐT là trung tâm liên kết các nhóm trên, phối hợp để cùng nhau hình thành bản kế hoạch phát triển toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Bộ KH-ĐT ...
b) Tiến độ xây dựng kế hoạch 5 năm:
Thời gian nghiên cứu xây dựng kế hoạch 5 năm thường được phân bổ như sau:
- Bước 1: Trước hai năm của thời kỳ kế hoạch, sẽ xây dựng và thông qua đề cương nghiên cứu kế hoạch 5 năm tới. Ví dụ khi xây dựng kế hoạch 2006-2010, giai đoạn này được thực hiện vào năm 2003.
- Bước 2: Trước 1 năm của thời kỳ kế hoạch, phải tiến hành xong các bước: đánh giá tình hình, dự báo và xác định các cân đối vĩ mô. Ví dụ khi xây dựng kế hoạch 2006-2010, giai đoạn này được thực hiện vào năm 2004.
+ Đánh giá tình hình 5 năm trước (Vụ Tổng hợp KTQD)
+ Dự báo tình hình trong nước và khu vực (Viện CLPT, Vụ Tổng hợp, Viên QLKT, Vụ KTĐN, Vụ ĐTNN)
+ Dự báo các khả năng phát triển (Vụ Tổng hợp, Viện CLPT, Viện QLKT, Vụ Tài chính - Tiền tệ),
+ Dự báo phát triển các ngành, lĩnh vực (các Vụ chuyên ngành)
+ Dự báo thay đổi cơ chế, chính sách (Viện QLKT, Vụ Tổng hợp, Viện CLPT)
+ Hình thành khung kế hoạch 5 năm và thông báo cho các cấp cơ sở.
Trong bước này, Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị toàn ngành kế hoạch để hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu làm kế hoạch, chậm nhất là vào 31/5/2004 đối với kê hoạch 2006-2010; trong đó:
+ Thông tin về khung kế hoạch
+ Thống nhất một số phương pháp luận về dự báo, tính toán các chỉ tiêu phát triển.
+ Gợi ý một số mục tiêu phát triển cho từng ngành, vùng lãnh thổ để các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng kế hoạch
Ở cấp các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào khung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, 20 năm của đất nước, các ngành, các cấp sẽ xây dựng kế hoạch cho ngành, cấp mình (bổ xung sau... Các địa phương xây dựng khung kế hoạch của mình trong vòng 3 tháng (1/6 đến 30/8/2004). Bộ KH- ĐT giúp đõ các địa phương xây dựng.
Nội dung cụ thể của kế hoạch 5 năm ở cấp tỉnh ?
Bộ KH-ĐT tổng hợp khung kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương.
- Bước 3 (năm còn lại trước kỳ kế hoạch): Các cấp trung ương, địa phương đều tập trung vào xác định cụ thể các mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển, định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực, các chương trình phát triển, danh mục các dự án, các công trình phát triển và định hướng các cơ chế chính sách. Ví dụ khi xây dựng kế hoạch 2006-2010, giai đoạn này được thực hiện vào năm 2005.
Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết.
Bộ KH-ĐT tổng hợp kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương. Tập trung vào các mặt:
+ Dự báo tiến bộ KHKT và ứng dụng
+ Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn.
+ Kế hoạch phát triển công nghiệp và nông thôn.
+ Kế hoạch phát triển kinh tế đối ngoại
+ Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ.
+ Kế hoạch phát triển văn hoá xã hội.
+ Kế hoạch phát triển một số vùng, lãnh thổ.
- Bước 4: Hội thảo lấy ý kiến, tu chỉnh, sửa chữa, báo cáo cấp trên xin ý kiến. Sửa lại lần cuối và báo cáo chính thức.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch, các bước sẽ được thực hiện xen kẽ nhau thành nhiều vòng để hỗ trợ cho nhau và chính xác, cân đối dần các nội dung của kế hoạch 5 năm tới. Đặc biệt, trong các bước đều có giai đoạn tham vấn ý kiến cộng đồng.
CHƯƠNG 4
QUY TRÌNH THỰC HIỆN NHỮNG CÂN ĐỐI LỚN TRONG LẬP KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM VÀ HÀNG NĂM
Trong các báo cáo KH PT KTQD, bên cạnh trình bày các chỉ tiêu về kết quả PT kinh tế gồm tốc độ tăng trưởng GDP của CN, NN, DV và toàn nền KT, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư và các thành phần của chúng, tăng thu chi ngân sách nhà nước... thường có phần trình bày những cân đối lớn của thời kỳ kế hoach, thường là 5 năm.
No comments:
Post a Comment