Sunday, July 28, 2013

(2) Chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong chuyển đổi kinh tế

Bài viết của tôi năm 2000:
Chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong chuyển đổi kinh tế
II - NHU CẦU MỘT CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ MỀM DẺO HƠN 1. Lạm phát ở Việt nam không còn là lạm phát gốc tiền tệ
Nếu như trong thời kỳ siêu lạm phát, phát hành tiền tệ là nguyên nhân trực tiếp của lạm phát thì tình hình đã khác hẳn kể từ khi bắt đầu những cải cách sâu sắc từ năm 1992. Nhiều phân tích số liệu, phân tích quan hệ nhân quả và mô hình kinh tế lượng đã chỉ ra một kết luận quan trọng rằng từ sau cải cách, giá cả ảnh hưởng rất mạnh đến cung tiền tệ trong khi cung tiền tệ ảnh hưởng ít tới giá cả. Đây là hậu quả của chính sách tiền tệ chặt kéo dài trong điều kiện một nền kinh tế hiện vật đang cần được tiền tệ hoá. Do tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ tụt xuống quá thấp và kéo dài, khan hiếm tiền tệ đã diễn ra khắp nơi trong những năm 1992-1993 dẫn đến ngân hàng trung ương phải tăng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ năm 1994 (51,2% năm 1994 so với 27,2% năm 1993) và nhắm mắt là ngơ trước việc sử dụng rộng rãi ngoại tệ trong giao dịch, thanh toán nội địa. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát vẫn liên tục giảm. Theo một số phân tích kinh tế lượng và theo thừa nhận nêu trên của lý thuyết trọng tiền, chính sách tiền tệ chặt trên đã có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong những năm đầu của thập kỷ 90.
Điểm lại tình hình lạm phát những năm gần đây(từ 1994), chúng ta thấy rằng những biến động giá phần lớn mang bản chất khách quan và không do nguyên nhân tiền tệ. Thực vậy, đã và đang tồn tại nhiều dạng tăng giá mà khó có thể qui trách nhiệm cho tăng cung ứng tiền tệ.
Một số loại tăng giá chính là do :
- Tăng giá thế giới của các hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là giá cà phê, cao su, phân bón, gạo... trong những năm 1994-96 do phục hồi kinh tế ở châu Âu và Nhật bản và do tăng trưởng kinh tế nhanh tại Mỹ. Tuy nhiên từ năm 1997, giá cả thế giới có xu hướng hạ, trừ giá lương thực làm Việt nam có lợi do Việt nam liên tục nhập siêu. Nhưng vì lương thực chiếm tỷ trọng quan trọng trong xác định chỉ số giá tiêu dùng nên giá thế giới vẫn có tác dụng làm tăng giá nội địa[1].
- Ở trong nước, quá trình cải cách giá trong khuôn khổ chuyển đổi sang kinh tế thị trường đang tiếp tục. Nhà nước đã chủ động tăng giá nhiều loại sản phẩm độc quyền và bán độc quyền thuộc khu vực kinh tế nhà nước như xăng dầu, điện, than, nước, xi măng, cước giao thông, bưu điện... để hạ bù lỗ trong một số ngành này và tăng thu ngân sách.
- Nhiều đợt cải cách và điều chỉnh tiền lương trong khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực kinh tế công cộng đã làm tăng rất nhanh tiền lương và thu nhập thực tế. Chúng ta thấy rõ đời sống của người lao động đã được cải thiện đáng kể trong những năm 1992-96. Tăng trưởng tiền lương quá nhanh trong khu vực nhà nước và tư nhân là một trong những nhân tố quan trọng làm tăng giá và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá việt nam. Tiền lương trong khu vực đầu tư nước ngoài được tính theo đô la nên còn tăng nhanh hơn cả tăng giá.
- Hạ nhanh lãi suất huy động tiết kiệm danh nghĩa và thực tế trong chính sách thay kiểm soát lãi suất bằng kiểm soát cung tiền tệ cũng là nhân tố làm giảm động lực gửi tiết kiệm, và do đó làm tăng áp lực lạm phát.
- Nhà nước cải cách chính sách thuế theo hướng tăng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP để tập trung tiết kiệm quốc gia vào tay nhà nước. Rõ ràng tăng thuế đã dẫn đến áp lực tăng giá.
Đặc biệt, còn tồn tại nhiều yếu kém của các ngành, bộ và cơ quan chính phủ trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu các hàng hoá chính. Nhiều dự báo sai về nhu cầu, sự độc quyền của các tổng công ty nhà nước, sự chậm chễ quá đáng của bộ máy quản lý kinh tế trong nhiều trường hợp... đã dẫn tới những biến động mạnh giá cả, nhất là giá gạo, xi măng, giấy... Việc buông lỏng quản lý biên giới đôi khi làm tăng xuất khẩu gạo bất hợp pháp (ví dụ 700-800 nghìn tấn năm 1995) hoặc nhà nước chủ động xuất khẩu gạo quá nhiều, dẫn tới mất cân đối trên thị trường gạo trong khi thị trường này rất quan trọng đối với sự ổn định giá cả, đời sống nhân dân và xã hội việt nam.
Chúng ta có thể đưa ra thêm những nguyên nhân khác của sự tăng giá, gồm tăng giá hợp lý trong quá trình tự do hoá giá cả và chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, tăng giá khách quan của một nền kinh tế mở cửa và hội nhập, và tăng giá chủ quan, bị động do công tác quản lý kinh tế yếu kém. Nhưng những nguyên nhân này không thuộc loại nguyên nhân tiền tệ vì lạm phát tiền tệ thường dẫn tới sự tăng giá đồng đều giữa các nhóm hàng. Ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ những năm qua khá ổn định. Nhận xét trên đã cho phép chúng ta đi đến kết luận rằng lạm phát ở Việt nam không còn có nguyên nhân tiền tệ, và liều thuốc tiền tệ chặt không còn có tác dụng nữa trong việc chống lạm phát trong giai đoạn gần đây.
Nếu lạm phát ở Việt nam không phải là lạm phát tiền tệ, mở rộng cung ứng tiền tệ có giới hạn sẽ không ảnh hưởng tới tăng tỷ lệ lạm phát. Ngược lại, khối lượng tiền tệ bổ xung sẽ có tác dụng tích cực tới nền kinh tế đang suy thoái hiện nay, vừa kích cầu nội địa, vừa thoả mãn nhu cầu thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế, và vừa tăng mua dự trữ ngoại tệ cho ngân hàng trung ương.
2. Nhu cầu áp dụng một chính sách tiền tệ mềm dẻo hơn
Mặc dù có nhiều dấu hiệu của lạm phát không tiền tệ và chính sách tiền tệ chặt đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và tiền tệ hoá nền kinh tế, đặc biệt đang đẩy nhanh quá trình suy thoái kinh tế từ năm 1996, ngân hàng trung ương vẫn không ngừng áp dụng nhiều biện pháp mạnh của chính sách tiền tệ chặt để hạn chế tăng trưởng tiền tệ và kiểm soát chặt lạm phát. Báo cáo của Ngân hàng nhà nước trung ương về chính sách tiền tệ cho những năm cuối thập kỷ 90 cho thấy chính sách tiền tệ chặt sẽ vẫn được duy trì nhằm cổ vũ những thay đổi có tính chất tuần tự và giữ vững sự ổn định kinh tế, không tính đến những thay đổi lớn lao nhằm tăng nhanh quá trình cải cách ngân hàng, đóng góp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
Thực tế cho thấy, thất bại của cuộc tự do hoá hệ thống tài chính quá nhanh năm 1989-90 đã làm cho chính phủ việt nam đến tận hôm nay tỏ ra rất thận trọng trong mỗi bước cải cách lãi suất và tự hoa hoá tài chính, trong đó có tự do hoá các hoạt động ngân hàng và tín dụng. Vì vậy, tiến trình cải cách hệ thống tài chính từ năm 1991 đã diễn ra rất chậm, phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi bước phát triển hệ thống thể chế và tăng trưởng kinh tế. Chính sách lãi suất mềm dẻo hơn chỉ được áp dụng lại từ tháng 9 năm 1994. Tuy nhiên, từ năm 1991, không có những thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức hệ thống ngân hàng. Mặc dù các ngân hàng tư nhân và cổ phần được phép thành lập trở lại và được phép phát triển, song chúng luôn phải chịu những cạnh tranh mạnh của hệ thống ngân hàng quốc doanh và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng nhà nước. Khủng hoảng khối ngân hàng và hợp tác xã tín dụng tư nhân năm 1990 làm giảm đáng kể niềm tin của người dân vào khu vực ngân hàng này. Kết quả là hoạt đông của khu vực ngân hàng tư nhân còn rất hạn chế.
Theo đánh giá của chúng tôi, chính sách tiền tệ chặt và việc duy trì tỷ giá cố định kéo dài như vừa qua đã và đang gây nhiều tiêu cực cho nền kinh tế. Một chính sách tiền tệ như vậy vừa bị động, vừa bảo thủ và vừa không phù hợp với điều kiện nước ta, một đất nước đang cần phát triển nhanh để theo kịp thế giới. Cần phải áp dụng một chính sách tiền tệ chủ động hơn nhằm động viên đầu tư và tăng trưỏng. Chính sách này sẽ được đặt trong một bối cảnh cải cách sâu rộng hơn, bao gồm những cố gắng chung của nhiều bộ và cơ quan chính phủ để đồng thời cổ vũ đầu tư, tăng trưởng và ổn định lạm phát. Nó cũng phải được đặt trong bối cảnh tiếp tục thực hiện những chuyển đổi cơ cấu dài hạn nhằm đi tới trong sạch các hoạt động ngân sách, lành mạnh hoá khu vực kinh tế quốc doanh và hệ thống tài chính ngân hàng.
Để chứng minh nhận xét trên, chúng ta hãy xem lại những kết quả cải cách của nước ta gần đây, dù tạm thời không tính đến những giảm sút thành tích do bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu A. Rõ ràng rằng Việt nam đã và đang liên tục hướng chính sách tiền tệ của mình vào mục tiêu chống lạm phát vì chính phủ Việt nam nhận thấy rằng chỉ có lạm phát thấp mới cho phép hạ được lãi suất huy động vốn thực và giảm chênh lệch quá lớn giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Chính nhờ những cố gắng theo hướng trên, tỷ lệ lạm phát đã giảm nhanh và nay có xu hướng ổn định dưới 10% mỗi năm. Quá trình này đã làm tăng nhu cầu sử dụng tiền tệ trong dân cư và mở ra những điều kiện thuận lợi để giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách. Kết quả là tỷ lệ tiền tệ hoá nền kinh tế đã tăng lên. Vì cầu tiền tệ để tài chính cho thâm hụt ngân sách giảm đi rất nhanh, thậm chí chính phủ còn cố gắng không sử dụng phát hành tiền tệ để bù đắp thâm hụt ngân sách từ năm 1992, tương ứng với mỗi mức gia tăng cung tiền tệ, sẽ có thêm một lượng vốn tiền tệ bổ xung vào nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu tiền tệ tăng lên cuả dân cư và nhu cầu của tăng trưởng kinh tế. Vì mỗi mức tăng lên của tăng trưởng cung tiền tệ phải tương thích với mức tăng lên của cầu tiền tệ thực nên quá trình giảm tỷ lệ lạm phát vừa qua đã và đang làm tăng đồng thời cung và cầu tiền tệ để phục vụ nhu cầu thanh toán và tích luỹ vốn.
Chính dựa trên những lý lẽ này mà có thể đánh giá rằng những can thiệp trong những năm 1991-93 của ngân hàng trung ương vào việc xác định lãi suất và kinh doanh tiền tệ của các ngân hàng thương mại đã làm giảm hiệu quả hoạt động của chúng. Một mặt, chính sách tiền tệ chặt và chính sách ngân sách lành mạnh đòi hỏi phải giảm các trợ cấp vốn của Ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại, tức là phải ép buộc các ngân hàng thương mại hướng mục tiêu hoạt động của mình vào lợi nhuận để tồn tại. Nhưng mặt khác, Ngân hàng trung ương và bộ máy hành chính lại ép buộc các ngân hàng thương mại phải cho các doanh nghiệp nhà nước vay với lãi suất thấp. Chính vì mâu thuẫn này mà các ngân hàng thương mại, dù bị buộc phải tham gia vào kinh doanh tiền tệ đầy rủi ro lúc đó, luôn luôn có nguy cơ mất vốn và phá sản do phải cho vay với lãi suất thấp bằng nguồn vốn huy động với lãi suất cao.
Để đối phó, các ngân hàng thương mại đã tìm cách hạn chế cho vay, tự giới hạn chỉ cho những người có độ tin cậy nhất vay, đó là bộ máy chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước được chính phủ bảo lãnh. Đồng thời, các ngân hàng thương mại đã chủ động tăng dự trữ tiền tệ của mình lên những mức rất cao bất chấp nhu cầu tín dụng khổng lồ của khu vực tư nhân và nhiều doanh nghiệp quốc doanh làm ăn có hiệu quả còn chưa được thoả mãn. Hậu quả là tỷ lệ dự trữ tiền gửi trở nên rất cao, nhất là trong những năm tỷ lệ lạm phát giảm mạnh (1992-93), bởi vì lạm phát càng hạ thì tiền gửi tiết kiệm càng tăng.
Rõ ràng tăng tỷ lệ dự trữ tiền tệ nêu trên đã làm giảm hiệu quả của tăng cung ứng tiền tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu tiền tệ hoá nền kinh tế và nhu cầu của khu vực tư nhân. Như vậy, tăng cường những cố gắng giảm lạm phát và phát triển tài chính (tăng tỷ lệ M2 trên GDP) đã dẫn đến kết cục bất lợi vì làm trầm trọng thêm những thiếu hụt tiền tệ vốn có trong nền kinh tế và đồng thời làm tăng tỷ lệ dự trữ tiền tệ tại các ngân hàng thương mại. Hiện tượng phi cân bằng tiền tệ này đã diễn ra khắp nơi trong nền kinh tế những năm 1992-93, nổi bật là những khan hiếm tiền tệ cho thanh toán giao dịch và cho tích luỹ vốn. Hơn nữa, về phía động viên vốn, các ngân hàng thương mại không quan tâm đến khai thác tiết kiệm trong dân vì phải trả lãi suất cao, chúng chỉ tập trung vào khai thác nguồn tín dụng rẻ tiền từ Ngân hàng trung ương hoặc những khoản cho vay lãi suất ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Các ngân hàng thương mại bị buộc phải nhận tiền người dân đến gửi do nhà nước qui định.
Tình hình phi cân bằng tiền tệ nêu trên đã dẫn đến hai khả năng: Hoặc nhu cầu tích luỹ vốn của dân cư và tỷ lệ đầu tư, tăng trưởng kinh tế bị giảm dần, hoặc chính phủ phải nới lỏng chính sách tiền tệ chặt, nghĩa là chính phủ phải lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế nhanh (tăng tích luỹ tiền tệ) và ổn định trì trệ (chính sách tiền tệ chặt). Dù lựa chọn mục tiêu gì, thì chính phủ cũng phải thừa nhận rằng chính sách tiền tệ chặt đã làm cho những phi cân bằng tiền tệ ngày càng trở nên rất trầm trọng, do đó Ngân hàng trung ương đã phải nới lỏng chính sách tiền tệ chặt vào năm 1994. Tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ tăng lên gấp đôi, đồng thời khung lãi suất cũng được mở rộng. Tiếc thay, ngay từ đầu năm 1995, khi tình hình căng thẳng tiền tệ vừa giảm và trước một vài biến động giá không lớn, Ngân hàng trung ương đã quay ngay trở lại chính sách tiền tệ chặt chính thống thông qua hàng loạt biện pháp mạnh như giảm tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ, hạn chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại (hạn ngạch) và buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải mua trái phiếu với lãi xuất thấp (0,7%/tháng) để giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của khu vực tư nhân... Các biện pháp này đã làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại (vì nhiều ngân hàng phải giữ trong két hàng tỷ đồng không cho vay trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi, các ngân hàng vẫn không được phép từ chối không nhận tiền gửi) và làm tăng lãi suất cho vay của cả khu vực ngân hàng nhà nước lẫn khu vực ngân hàng tư nhân để bù đắp. Hậu quả là lãi suất cho vay đã tăng lên rất nhanh trong ba năm 1994-1996, thậm chí cao hơn nhiều so với lãi suất trần được qui định trong quyết định 184 QĐ/NH của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt nam tháng 9/1993. Đặc biệt, lãi suất cho vay trong khu vực tư nhân lên tới 40-80% / năm trong những năm kể trên.
Trong bối cảnh thiếu nghiêm trọng tín dụng nội địa, từ năm 1992, các nhà đầu tư nội địa đã phải xoay xở tìm kiếm con đường khác để huy động vốn cần thiết, trong đó họ rất chú trọng tới nguồn vốn từ nước ngoài. Tiếp đó, việc tăng nhanh vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, sự trở lại của nguồn vốn viện trợ ODA và nhất là chấm dứt cấm vận tài chính của Mỹ đối với Việt nam đã làm tăng rất mạnh khối lượng ngoại tệ trên thị trường Việt nam. Để đối phó với thiếu hụt nội tệ, người ta đã sử dụng trực tiếp ngoại tệ trong giao dịch, thanh toán, điều này kéo theo một cách tự phát và không thể tránh khỏi hiện tượng gia tăng tích luỹ và đô la hoá rất cao trong nền kinh tế Việt nam, thể hiện bằng tỷ lệ tăng trưởng tổng cung tiền tệ gồm cả nội tệ và ngoại tệ cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng cung nội tệ.
Nhiều người đã hy vọng rằng luồng vốn nhập khẩu từ nước ngoài sẽ cho phép nâng cao tỷ lệ đầu tư nội địa và động thời ổn định được tỷ giá, chiếc neo mà Ngân hàng trung ương cố gắng duy trì để đẩy lùi lạm phát. Ý tưởng này rất đúng nếu luồng vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng để nhập khẩu công nghệ mới, các máy móc thiết bị tiên tiến và các vật tư cần thiết phục vụ cho chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng nội địa và khai thác các tiềm năng phát triển phong phú của đất nước. Tuy nhiên, như nhiều lý thuyết kinh tế và nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra, chiến lược phát triển dựa vào vốn nước ngoài có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng mới vì hai lý do: Một là, đầu tư nước ngoài có xu hướng làm giảm tỷ lệ tích luỹ nội địa và làm tăng tiêu dùng nội địa ngoài tầm kiểm soát, tức là có sự thay thế giữa hai dạng vốn trong và ngoài nước. Hai là, vốn đầu tư nước ngoài thường dẫn đến đánh giá cao nội tệ, làm cho hàng hoá sản xuất trong nước trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Rõ ràng hai hiện tượng trên đã diễn ra trong nền kinh tế Việt nam trong thời kỳ bùng nổ kinh tế 1992-95 và còn kéo dài đến cuối năm 1996. Do sự yếu kém của hệ thống ngân hàng với tư cách là trung gian tài chính, do tính không chuyển đổi của đồng tiền việt và do thiếu một thị trường vốn chính thức, việc buông lỏng quản lý luồng vốn đến từ nước ngoài trong những năm vừa qua, nhất là yếu kém trong quản lý vốn vay ngắn hạn, đã và đang dẫn đến tình trạng thừa, thiếu và bế tắc ngoại tệ đồng thời. Đây cũng là một trong những đặc trưng của sự chia cắt trong các thị trường tài chính của các nước đang phát triển. Hậu quả rõ thấy nhất là nội tệ bị đánh giá cao so với ngoại tệ, một mặt làm giảm lợi thế so sánh quốc tế của khu vực hàng thương mại quốc tế được (tradable sector, khu vực dựa trên tiền lương thấp, chủ yếu là nông nghiệp và và một số sản phẩm công nghiệp nhẹ), mặt khác mở ra những khó khăn ngày càng gay go cho sự phát triển của các ngành công nghiệp quan trọng sống còn của đất nước bởi vì chúng luôn luôn phải chịu đựng sự cạnh tranh rất mạnh của hàng hoá nhập khẩu, nhất là hàng nhập khẩu bất hợp pháp.
Hậu quả đã đi xa hơn. Dưới áp lực cạnh tranh rất mạnh của hàng nhập khẩu, các nhà đầu tư việt nam và nước ngoài đã chuyển vốn của mình vào khu vực không thương mại quốc tế được (non tradable sector), như bất động sản, thương mại, dịch vụ và du lịch... Xu hướng này đã kéo theo sự tăng giá rất nhanh của đất đai, dịch vụ, bất động sản, tiền lương so với giá cả các sản phẩm khác như chúng ta đã chứng kiến trong những năm 1992-95.
Rõ ràng một quá trình di chuyển vốn, vật tư, lao động và các nguồn lực khác như vậy đã làm lệch phương hướng phát triển dài hạn của nền kinh tế quốc gia và làm tăng nhanh những bất bình đẳng xã hội, vì nó làm tăng quá nhanh tiền lương và các chi phí khác, làm giảm sút nhanh khả năng cạnh trạnh quốc tế, làm tăng thất nghiệp, và như chúng ta đều thấy, làm giảm dần tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, đi đến suy thoái kinh tế[2]. Hậu quả cuối cùng nếu như không nhanh chống đối phó, sẽ là sự trở lại của thâm hụt ngân sách, mất cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, lạm phát, phá giá cao và khủng hoảng kinh tế. Hiện nay, nhiều dấu hiệu rất đáng lo ngại đã xuất hiện buộc nhà nước, trong khi chưa tìm ra lối thoát, phải quay trở lại áp đặt các kiểm soát hành chính như thời kế hoạch hoá tập trung và tăng cường chủ nghĩa bảo hộ. Kinh tế nước ta cũng đã chính thức đi vào giai đoạn suy thoái kể từ năm 1997.
Tóm lại, nhiều mất cân bằng cơ cấu hiện nay có nguồn gốc từ những mất cân bằng ngày càng tăng trong lĩnh vực cung và cầu tiền tệ phục vụ cho nhu cầu tích luỹ, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Chúng xuất phát từ một chính sách tiền tệ không phù hợp với nhu cầu của giai đoạn phát triển kinh tế mới và đã mang lại nhiều hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. Mặc dù những khía cạnh bất lợi của chính sách tiền tệ chặt đã và đang bị che giấu trước hết bởi sự phát triển mạnh của một số ngành kinh tế mũi nhọn và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có như dầu thô, đất đai, tạo ra một ảo tưởng về khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh và dài hạn, tiếp đến bởi lý do ảnh hưởng bất lợi của cuộc khủng hoảng kinh tế Đông á, những phân tích kể trên đã chỉ ra rằng việc xây dựng một chính sách tiền tệ kiểu mới nhằm đảm bảo phục vụ tăng trưởng kinh tế cao, cân bằng và dài hạn, là không thể tránh được. Chính sách tiền tệ mới phải được đặt trong tổng thể các chính sách kinh tế quốc gia bao gồm cả những thay đổi liên tục của thể chế hành chính và cơ cấu.
Vấn đề đổi mới chính sách tiền tệ càng trở nên đặc biệt khẩn cấp trong thời điểm hiện nay, khi mà nguồn vốn nước ngoài sẽ vẫn tiếp tục đổ nhiều vào Việt nam. Rõ ràng cứ theo xu hướng sử dụng hiện nay, sẽ tiếp tục có nhiều lãng phí rất lớn trong khi tăng trưởng kinh tế thấp và gánh nợ nước ngoài ngày một nhiều. Đây là một nguy cơ rất lớn.
-----------------

[1] Chính phủ Việt nam thường không can thiệp để hạn chế ảnh hưởng của lạm phát nước ngoài tới giá cả trong nước. Điển hình là khi giá lương thực thế giới tăng, chính phủ đã để giá lương thực trong nước tăng theo, gây lạm phát. Theo tôi, chính sách này có lẽ không hợp lý, nên dùng chính sách thuế, chính sách trích nộp quỹ bình ổn quốc gia để ngăn nhập khẩu lạm phát quốc tê. Bù lại, để tăng thu nhập dài hạn của nông dân và khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nên xoá bỏ tất cả các loại thuế liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
[2] Xin xem một báo cáo của Lê Việt Đức và Trần Thị Thu Hằng bàn về tình trạng suy thoái của nền kinh tế Việt nam với tiêu đề: "Về một số khó khăn của nền Kinh tế Việt nam hiện nay và một vài giải pháp", Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số tháng 8//1999.

No comments:

Post a Comment