Wednesday, July 24, 2013

Vực dậy kinh tế Nhật : Abe bắt buộc phải thành công

Vực dậy kinh tế Nhật : Abe bắt buộc phải thành công
Rộng đường hành động, nhưng thách thức cũng nhiều. Giới quan sát đồng thanh nhận xét như trên sau kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản. Liên minh đảng Tự do Dân chủ cầm quyền của ông Shinzo Abe giành được đa số tuyệt đối. Lập tức Thủ tướng Abe tuyên bố « tăng tốc » chính sách kích thích kinh tế còn được gọi là là thuyết « Abenomics ».
Lần đầu tiên từ 10 tháng qua, báo cáo của chính phủ về tình hình kinh tế đất nước được công bố ngày 23/07/2013 nói đến « những dấu hiệu phục hồi ». Trong cuộc họp hôm đầu tháng, Ngân hàng trung ương Nhật cũng đã nói tới « đà bình phục » của nền kinh tế thứ ba trên thế giới.
Chính sách vực dậy kinh tế do ông Abe chủ xướng bắt đầu bước vào giai đoạn ba với một loạt các biện pháp cải tổ nhằm kích thích khả năng cạnh tranh và khơi dậy tiềm năng phát triển của Nhật Bản. Ớ hai giai đoạn đầu, Thủ tướng Abe đã cùng lúc tăng ngân sách Nhà nước và áp đặt Ngân hàng Trung ương bơm thêm tiền vào khu vực tài chính, ngân hàng. Trong giai đoạn ba, chủ thuyết Abenomics sẽ tập trung vào các chương trình cải tổ sâu rộng hơn. Đây cũng sẽ là nhiệm vụ khó hoàn thành nhất, vì đụng chạm đến quyền lợi của nhiều thành phần trong xã hội. Mũi tên thứ ba mà nội các Abe đang chuẩn bị tung ra bao gồm nhiều biện pháp mất lòng dân.

Thế nhưng, thành công hay thất bại của chính sách vực dậy kinh tế do ông Abe khởi xướng từ khi lên cầm quyền vào cuối tháng 12/2012 tùy thuộc vào « mũi tên thứ ba » đó. Để tồn tại về mặt chính trị, Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Tự do Dân chủ của ông bắt buộc phải thành công trong sứ mệnh đưa kinh tế Nhật ra khỏi giai đoạn đình đốn đã kéo dài từ hơn 20 năm qua. Với cả Thượng viện và Hạ viện trong tay, với một viễn cảnh chính  trị ổn định từ nay đến năm 2016, nội các Abe không thể đổ lỗi cho đối lập « thọc gậy bánh xe ».

Chính sách vực dậy kinh tế mang tên Thủ tướng Nhật bao hàm những điều khoản nào ? Đặc biệt là ở giai đoạn ba đang được Tokyo tiến hành ? Đâu là những thành quả đầu tiên của thuyết Abenomics và đâu là những rủi ro khi biết rằng các chương trình kích thích kinh tế Nhật Bản đang đẩy bội chi ngân sách xứ này lên cao.

Abenomics : Ngọt trước, đắng sau 

Từng được chỉ định vào chức vụ Thủ tướng vào tháng 9/2006, trong đúng một năm cầm quyền, ông Shinzo Abe đã không để hình ảnh tốt đẹp trong lòng người dân. Thế nhưng, từ khi quay lại điều hành đất nước vào cuối năm 2012, ông đã thay đổi hẳn thái độ để trở thành gần như một vị cứu tính. Sứ mạng quan trọng nhất là đem lại hào quang mà nước Nhật đã đánh mất sau hơn 20 năm đình đốn kinh tế. Chính vì thế chưa đầy 100 ngày khi tìm lại được chiếc ghế Thủ tướng, ông Shinzo Abe đã công bố chính sách kinh tế mà trong đó ông đã tung ra một chiến lược gọi là « đánh nhanh, đánh mạnh » với « ba mũi tên ».

Mũi tên thứ nhất là sử dụng dùng ngân sách Nhà nước để bơm thêm hơn 10 ngàn tỷ yen – khoảng 80 tỷ euro - vào guồng máy kinh tế. 40 % khoản tiền nói trên nhằm tài trợ cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ chi tiêu công so với GDP Nhật Bản tăng thêm 2 %, thâm hụt ngân sách Nhà nước tương đương với hơn 11 % tổng sản phẩm nội địa. Để tài trợ cho chương trình chi tiêu 10 000 tỷ yen kể trên, Thủ tướng Abe dựa vào một loạt các biện pháp tăng thuế. Trong đó phải kể tới thuế trị giá gia tăng TVA đang từ 5 % sẽ được nâng lên thành 8 % vào năm 2014 và 10 % vào năm 2015.

Cùng lúc, Thủ tướng Nhật tung luôn mũi tên thứ nhì : Chính quyền buộc Ngân hàng Trung ương bơm thêm 10 ngàn tỷ yen hàng năm vào khu vực kinh tế. Chiến lược này nhằm hạ tỷ giá đồng yen so với các đơn vị tiền tệ quốc tế chính, chủ yếu là so với đồng đô la Mỹ, qua đó kích thích khu vực xuất khẩu, tiếp sức cho cả tiêu thụ nội địa lẫn đầu tư.


Biện pháp bơm tiền vào các hoạt động kinh tế như vậy còn theo đuổi một mục tiêu khác nữa đó là chấm dứt vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát đã đè nặng lên con tàu kinh tế Nhật Bản từ nhiều năm qua. Tokyo đòi Ngân hàng Trung ương phải bảo đảm là chỉ số giá cả tăng thêm 2% một năm. Về điểm này, chuyên gia kinh tế Pháp, Jacques Gravereau giám đốc trung tâm nghiên cứu Eurasia Institut thuộc trường Cao đẳng HEC-Paris tiếc là Châu Âu không rộng tay hành động như Nhật Bản :

« Ông Shinzo Aben trên thực tế chỉ áp dụng những biện pháp kích thích kinh tế như là Hoa Kỳ đã từng làm để thoát khỏi khủng hoảng tài chính khơi mào từ hồi năm 2008 : Trong một thời gian dài, Nhật Bản không thay đổi tỷ giá đồng yen. Đơn vị tiền tệ của Nhật quá cao so với đồng đô la hoặc euro. Năm ngoái chẳng hạn, 75 yen đổi lấy 1 đô la. Tỷ giá đồng yen cao như vậy bóp ngạt ngành xuất khẩu của Nhật Bản. Một sự kiện hãn hữu xảy ra là cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt. 

Trong bối cảnh đó, khi lên cầm quyền ông Shinzo Abe đã làm gì ? Ông yêu cầu Ngân hàng Trung ương (BoJ) hạ tỷ giá hối đoái, để tiếp sức cho khu vực xuất khẩu. Như đã biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hoạt động một cách độc lập, vì thế Thủ tướng Abe đã chỉ định một Thống đốc mới Haruhiko Kuroda, để thay thế ông Masaaki Shirakawa.

Đồng yen giảm giá 35 % trong vòng vài tháng. Hạ tỷ giá hối đoái cũng là biện pháp đã từng được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, Ben Bernanke áp dụng từ suốt hơn 4 năm nay. Biện pháp này cũng được Thủ tướng Anh, David Cameron thực hiện dưới một hình thức hơi khác một chút. Riêng thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, ông Mario Draghi thì bó tay. Khối euro không có cách nào điều chỉnh tỷ giá hối đoái để tạo thuận lợi cho khu vực xuất khẩu ».

Mũi tên thứ ba nhằm nâng cao thu nhập đầu người cho toàn dân trong suốt 10 năm sắp tới và nhân lên gấp đôi tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, mở rộng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân. Khác với hai vế đầu của chương trình vực dậy kinh tế do ông Abe chủ xướng, mũi tên thứ ba chủ yếu là một chương trình cải tổ dài hơi và tác động đến toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản.


Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu sau thắng lợi ở Thượng Viện. Ảnh ngày 22/07/2013 (REUTERS/Issei Kato)

Thành tựu của « hai mũi tên » đầu 

Trước khi nhìn kỹ hơn vào « mũi tên thứ ba » của thuyết Abenomics, xin điểm lại những thành tựu mà hai mũi tên đầu đã đem lại cho nền kinh tế Nhật Bản : Sau sáu tháng được áp dụng, chính sách nới lỏng ngân sách và tiền tệ dường như đã đem lại một tia hy vọng cho các nhà đầu tư. Bằng chứng cụ thể là chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng hơn 70 %.

Đồng yen hạ giá 21% so với đồng đô la Mỹ, GDP Nhật Bản trong ba tháng đầu năm nay tăng thêm 3,1 % so với cùng thời kỳ năm ngoái, và tăng 0,9 % so với quý cuối cùng của năm 2012. Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp của nước Nhật trong tháng 5/2013 đã tăng thêm 2 %.

Thế nhưng khi xét về mục tiêu đẩy lùi giảm phát, thì các thống kê cho thấy trong tháng 5/2013 chỉ số giá cả đã không thay đổi so với một năm trước đó. Nếu như không kể đến giá nhu yếu phẩm và năng lượng, thậm chí chỉ số giá cả ở Nhật Bản trong cùng thời gian còn giảm đi 0,4%. Ngày nào mà hiện tượng giảm phát chưa được giải quyết dứt điểm, thì các hộ gia đình còn chần chừ trong việc mua sắm. Đòn bẩy vực dậy kinh tế nước nhà bằng sức tiêu thụ nội địa, chưa thể coi là hoạt động có hiệu quả. Cụ thể là chỉ số tiêu dùng trong tháng 5/2013 vẫn tiếp tục giảm.

Mũi tên thứ ba : Cởi trói nền kinh tế 

Vế thứ ba trong chương trình vực dậy kinh tế của Thủ tướng Abe mang tính dài hơi. Mũi tên thứ ba này ngắm tới cùng lúc ba mục đích : Một là tiếp sức cho ngành công nghiệp, hai là mở ra những thị trường mới có tính chiến lược và thứ ba là mở rộng thị trường nội địa để đón các nhà đầu tư nước ngoài.

Để đạt được ba mục tiêu đó, chiến lược của Thủ tướng Abe tập trung vào các biện pháp cải tổ cơ cấu kinh tế quốc gia. Cụ thể là giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp trong các ngành nghề được coi là « chiến lược », năng động hóa thị trường lao động bằng cách khuyến khích phụ nữ đi làm, kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên, sửa đổi luật lao động cho phép chủ nhân dễ dàng tuyển dụng hoạc sa thải nhân viên hơn.

Bên cạnh đó thì Nhà nước chủ trương tăng cường các biện pháp hỗ trợ một số các ngành nghề mũi nhọn, phát triển hai ngành năng lượng và y tế trong bối cảnh mà dân số Nhật Bản đang già đi và nước Nhật phải đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân sau tai nạn Fukushima.

Vấn đề đặt ra, là làm thế nào Thủ tướng Abe có thể thuyết phục được các doanh nhân Nhật Bản tăng lương cho nhân viên khi mà chỉ số tiêu thụ nội địa chưa cất cánh ? Đây chính là mối băn khoăn lớn nhất của ông Louis Schweitzer, đại diện của Tổng thống Pháp trong quan hệ đối tác Pháp-Nhật :

« Thành công hay thất bại của chính sách thúc đẩy kinh tế Abenomics tùy thuộc vào khả năng Nhật Bản kích thích tiêu thụ nội địa. Nhật Bản sẽ không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát nếu Tokyo chỉ trông chờ vào khu vực xuất khẩu. Bằng mọi giá, Nhật Bản phải kích thích tiêu thụ và điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Nhật Bản cần có chính sách lương bổng ‘tích cực’ hơn. Tôi muốn nói là phải bơm thêm mãi lực cho các hộ gia đình, tăng lương cho nhân viên, để họ mạnh dạn mua sắm. Ở điểm này, Thủ tuớng Abe đã chủ trương tăng lương cho người lao động, thế nhưng, đề xướng đó chưa được giới doanh nghiệp hưởng ứng. Cũng có thể là các doanh nghiệp Nhật Bản còn đang trong vòng chờ đợi, họ đợi chính phủ mạnh dạn tiến hành công cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế đất nước, chờ xem tình hình rõ ràng thế nào rồi mới tăng lương cho nhân viên sau ».

Một khó khăn khác là liệu Tokyo có thể mở cửa được thị trường nội địa như ông Abe mong muốn hay không, khi biết rằng, tới nay, Nhật Bản luôn là một địa bàn hoạt động nổi tiếng là khép kín với người nước ngoài. Đi xa hơn nữa thử hỏi là các doanh nhân Nhật Bản, nếu như họ đã ủng hộ hết mình chính sách vực dậy kinh tế của ông Abe ở đoạn 1 và 2, nhưng họ sẽ nghĩ gì khi mà ở giai đoạn ba, Tokyo « tự do hóa » một số lĩnh vực kinh tế để cho phép các doanh nghiệp nước ngoài vào Nhật làm ăn ?


Chính sách vực dậy kinh tế của ông Abe lấy tiêu thụ nội địa làm chủ đạo (Reuters)

Chưa kể là vào lúc thuyết kinh tế của ông Abe đang muốn chuyển mô hình phát triển Nhật Bản từ một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm cột trụ thành một mô hình mà ở đó sức tiêu thụ của người dân xứ hoa anh đào phải là một trong hai động cơ tăng trưởng. Câu hỏi đặt ra là liệu Thủ tướng Nhật phải làm gì để thay đổi truyền thống tiết kiệm cao của người dân trên quê hương ông ? Nhưng đồng thời, nếu không có truyền thống tiết kiệm như vậy thì làm sao Nhật Bản có thể tung hết kế hoạch kích cầu này đến kế hoạch khác từ gần hai chục năm qua ?

Cũng đừng quên rằng, khác với Mỹ và Châu Âu, mức nợ công tuy đã lên tới 250 % GDP nhưng tỷ lệ đó không hề đe dọa đến tính an toàn của kinh tế Nhật Bản. Điều đó có được cũng nhờ là Nhật Bản tự lực được về mặt tài chính, và không bị đặt trong tầm ngắm của các nhà đầu cơ như Mỹ hay Châu Âu.

Nhưng không có gì là hoàn hảo 

Các nhà kinh tế đánh giá thế nào về chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe ? Trước hết về biện pháp cởi trói cho thị trường lao động : Việc cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản « co dãn hơn » trong việc tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên tùy theo tình hình thời cuộc, bị cho là có nguy cơ đẩy người lao động vào thế bấp bênh hơn. Khi mà công việc làm không được bảo đảm là chắc chắn, thì giới làm công ăn lương chưa chắc đã mạnh tay chi tiêu. Hậu quả là mục tiêu kích thích tiêu thụ nội địa mà ông Abe đề ra chưa chắc đã hoàn thành.

Rủi ro thứ nhì liên quan đến chính sách « tự do hóa » các lĩnh vực mà từ trước tới nay vẫn được Nhà nước hỗ trợ như ngành nông nghiệp, y tế và năng lượng. Nhiều nhà quan sát lo ngại một khi « mở cửa » sức cạnh tranh của quốc tế - đặc biệt là từ các nền kinh tế đang trỗi dậy - sẽ quật ngã nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.

Mỗi lo ngại thứ ba được nêu lên liên quan đến chính sách phá giá đồng yen : Đành rằng một đơn vị tiền tệ « yếu » sẽ tạo thuận lợi cho ngành xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng ngược lại, hàng hóa nhập vào nước Nhật sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Trong bối cảnh hiện tại Nhật Bản đang lệ thuộc vào năng lượng của quốc tế, hóa đơn xăng dầu và nguyên liệu chắc chắn sẽ đè nặng lên cán cân thương mại của xứ hoa anh đào.

Bên cạnh chính sách hạ lãi suất đồng tiền, Nhật Bản còn nới lỏng chính sách tiền tệ, để cố tình đẩy lạm phát lên chừng 2 % một năm. Cả hai liều thuốc này cộng lại, có nguy cơ khiến trong tương lai không xa Nhật Bản sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi cần vay tín dụng.

Hiện tại, Nhật Bản vay tín dụng 5 và 10 năm với lãi suất theo thứ tự là 0,2 % và 0,8 %. Đây là một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với những mức lãi mà Tây Ban Nha hay Ý phải đi vay. Dù thế giới phân tích cho rằng, chỉ cần lãi suất tín dụng của Nhật tăng lên thành thành 1 hay 2 % (thay vì dưới ngưỡng 1 %) như hiện tại, các phí tổn ngân hàng của Nhà nước sẽ trở thành một gánh nặng đối với nước Nhật khi biết rằng tỷ lệ nợ công của Nhật Bản đã tương đương với gần 250 % GDP.

Hiện tại 90 % nợ công của Nhật Bản do người dân xứ này nắm giữ, nhưng dân số Nhật Bản đang trên đà lão hóa, điều đó có nghĩa là khả năng tiết kiệm của người dân xứ hoa anh đào đang từng bước bị thu hẹp lại. Viễn cảnh Nhật Bản cần vốn đầu tư và tín dụng của nước ngoài là điều không tránh khỏi.

Biết được điều đó nhưng khác hẳn với Châu Âu, chính sách vực dậy kinh tế của Nhật Bản mang tên Thủ tướng Shinzo Abe ưu tiên số 1 cho việc đem lại tăng trưởng, vì đơn giản là khi không có tăng trưởng, thì không thể nói đến khả năng giảm bớt nợ nần.

Cuối cùng, trên con đường phục hồi kinh tế cho nước Nhật, Thủ tướng Abe còn phải cân nhắc tới những yếu tố « bên ngoài » : Do chính sách ghìm giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu của Nhật Bản đang bị các đối tác thương mại lớn của Tokyo đả kích : Từ Châu Âu đến Hoa Kỳ và nhất là Trung Quốc cùng coi việc Tokyo phá giá đồng yen là một « hành động tuyên chiến » về phương diện kinh tế và thương mại. Đặc biệt là Bắc Kinh không mấy hào hứng trước chủ trương « Japan Is Back » mà Thủ tướng Abe đã liên tục nhắc đi nhắc lại từ sáu tháng qua.

Thanh Hà (RFI)

No comments:

Post a Comment