Monday, August 12, 2013

Ba sai lầm trong học tập

Ba sai lầm trong học tập
Trước hết, “bài toán” mình nói trong bài viết này không chỉ thuần túy theo nghĩa bài toán Toán học mà hiểu theo nghĩa rộng. Nó thể là một bài tập Lí, Hóa, hay một bài Văn, Sử… hay bất kì một vấn đề nào đó.
Sai lầm thứ nhất: Không nghe giảng
Ở đây, mình không bàn đến trường hợp thầy cô giáo giảng quá đơn điệu khiến bạn không muốn nghe, cũng không bàn đến trường hợp bạn nói chuyện, làm việc riêng khi thầy cô giáo giảng bài. Mình chỉ bàn luận về trường hợp bạn với bạn khác không nghe mà lại tranh luận với nhau về bài toán khi thầy cô giáo đang giảng bài; và trường hợp bạn biết hướng giải bài toán nên chủ quan không nghe.
Về trường hợp thứ nhất, thời gian thầy cô và các bạn tương tác với nhau ở trên lớp là thời gian cứng (theo thời khóa biểu). Các bạn rất khó gặp trực tiếp thầy cô để trao đổi, để hỏi bài. Còn thời gian các bạn trao đổi bài với nhau là thời gian mềm vì các bạn lúc nào cũng có thể gặp nhau ngoài giờ học. 
Và bạn cần nhớ rằng, đã đến lớp học dù học chính khóa hay học phụ đạo bạn đều phải mất học phí. Không nên lãng phí thời gian và tiền bạc vì sai phương pháp trong giờ học.
Còn nếu bạn đã biết hướng giải quyết bài toán thì bạn vẫn cần nghe. Đơn giản là vì, bạn cần đối chiếu xem hướng giải quyết bài toán mà thầy cô trình bày có gì giống và khác với hướng mà mình đã biết. Hai hướng đó hay dở ra sao, có những điểm gì đặc biệt? Bạn cần so sánh, so sánh và so sánh.


Càng có nhiều con đường dẫn đến một đích thì vấn đề càng phong phú, càng đa dạng và tư duy của bạn càng rộng mở. Cũng như các bạn yêu nhau, hôm nay bạn đi hóng mát bằng xe “căng hải”, ngày mai bạn đi bằng xe máy, ngày kia bạn đi bằng ô tô ngày kìa bạn đi bằng… máy bay, mai mốt bạn đi bằng… tên lửa… thì cuộc tình của bạn càng sâu sắc, nhiều kỉ niệm…

Sai lầm thứ hai: Không ghi chép

Có câu danh ngôn nói lên tầm quan trọng của việc ghi chép “Trí nhớ mạnh nhất cũng không thể sánh bằng màu mực nhạt nhất”. Tại thời điểm thầy cô giáo trình bày lời giải, bạn tự tin rằng: chuyện nhỏ như con thỏ, mình sẽ nhớ, sẽ làm được khi gặp bài tương tự. Nhưng biết đâu, khi bạn cần, lục tung trí óc mà chẳng nhớ ra hướng giải bài toán nằm ở xó xỉnh nào trong óc, mặt mũi ra nó sao. Hơn nữa, có biết bao biến cố trong cuộc sống như bạn bị bố mẹ mắng vì tội… đái dầm, bị người yêu dọa chia tay vì quên ngày này ngày kia (hic, yêu nhau thì có đến… ti tỉ ngày: ngày đầu tiên cầm tay, ngày đầu tiên… cầm chân, ngày đầu tiên… cầm đồ để có tiền đãi nhau, ngày đầu tiên… ) khiến bạn buồn chán, âu sầu toàn tập. Mà lịch thi thì chẳng biết tâm trạng của bạn, cứ đến hẹn lại lên. Chẳng nhẽ bạn làm đơn đề nghị hoãn thi vì bạn đang … chán như con gián.

Sai lầm thứ ba: Không tự mình trình bày lời giải

Khi thầy cô hướng dẫn một bài tập mà không trình bày lời giải chi tiết, bạn nghe và đã hiểu nhưng cho rằng mình hình dung được hướng giải rồi nên không trình bày lại. Điều đó sẽ dẫn đến kĩ năng làm bài của bạn rất kém: mắc sai sót trong tính toán, trong lập luận (cái cần trình bày thì không trình bày, cái không cần thì lại viết vào bài). Bạn có tự mình viết ra như vậy, lâu dần độ mẫn cảm của bạn tăng lên, kĩ năng làm bài sẽ biến thành kĩ xảo. Bạn sẽ biết được cần viết, cái gì không.

Việc này cũng giống như thầy cô hướng dẫn bạn con đường đi từ địa điểm A đến địa điểm B. Trong đầu bạn đã hình dung ra con đường đó nhưng bạn không chịu dắt xe đi thử một vài lần. Trên con đường đó có bao nhiêu ổ gà, ổ voi, bạn không đi thì biết đâu mà tránh. Khi đi, có thể bạn gặp một hai ổ gà ổ voi, ngã vỡ đầu chảy máu sưng “alô” thì lần sau bạn mới biết mà tránh. Hơn nữa, bạn sẽ biết trên con đường đó chỗ nào có quán sửa xe phòng khi con xế gặp sự cố, chỗ nào có hoa thơm cỏ lạ để dừng chân thư giãn…

Và việc bạn hiểu một bài tập mà không chịu viết ra cũng giống như bạn yêu một người mà bạn chả làm gì để người ta hiểu rằng bạn thích người ta. Không tặng hoa, không tặng quà, không hỏi han, và nhất là không nói một câu chốt hạ “I love you” thế thì bạn “mãi mãi là người đến sau” mà thôi.

Vài lời chia sẻ, hi vọng bạn rút ra được điều gì đó có ích cho việc học tập của mình. Chúc các bạn thành công!

8/4/2013
Phạm Hiển
(FB. Phạm Hiển)

No comments:

Post a Comment