Bài viết cũ của tôi năm 2004:
Phân tích, dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010
III- KHỐI XUẤT NHẬP KHẨU:
(47) Xuất khẩu:
Đối với các nền kinh tế đang phát triển, xuất khẩu có thể được dự báo theo một trong hai cách tiếp cận tuỳ bối cảnh từng nước: theo tiếp cận cung hoặc theo tiếp cận cầu. Theo tiếp cận cung, khối lượng xuất khẩu thường được xác định trên cơ sở khả năng sản xuất của nền kinh tế; ngoài ra cũng có thể bổ sung hoặc thay thế bằng một số biến khác như cầu nội địa đối với hàng xuất khẩu (khi loại cầu này tăng thì xuất khẩu giảm), khả năng tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng...[1]
Tuy nhiên, quan điểm đi theo tiếp cận cung đã ngày càng không còn phù hợp với thực tế. Quan hệ cung chỉ tồn tại khi giả thiết co dãn hoàn toàn của cầu xuất khẩu đối với sản phẩm đó theo giá cũng tồn tại; nhưng điều này ít xảy ra trong thực tế. Hiện tượng trên chỉ xảy ra khi tồn tại những hàng rào hạn ngạch đối với hàng xuất khẩu mà khi dỡ bỏ những hàng rào này thì xuất khẩu sẽ tăng nhanh mà không làm giá giảm sút; hoặc xảy ra khi xuất khẩu được nhận nhiều khoản trợ cấp cho phép có thể gia tăng vô hạn. Quan hệ cung cũng phản ánh một điều trái với thực tế gần đây là những biến động về tỷ giá hay giá xuất có thể không ảnh hưởng tới giá cả sản xuất, và như vậy không có tác dụng kích thích hay kìm hãm người sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu tăng hay giảm khối lượng hàng hoá xuất khẩu của mình.
Trong tiếp cận cầu, người ta thường dùng quan hệ theo thuyết Keynes trong mô hình cầu, trong đó khối lượng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ phụ thuộc đồng thời vào nhu cầu nhập khẩu thực của các nước bạn hàng và giá tương đối của hàng hoá sản xuất trong nước so với giá cả ở nước ngoài. Giá tương đối phụ thuộc vào tỷ giá, giá thế giới và giá trong nước. Phương trình quan hệ lý thuyết như sau:
EXUS = f(QE, PR)
trong đó QE là nhu cầu nhập khẩu thực của các nước bạn hàng (giá cố định), PR là giá tương đối của hàng hoá sản xuất trong nước so với giá cả ở nước ngoài.
Quan hệ trên cho biết có hai loại tác động: tác động tăng trưởng và tác động cạnh tranh. Tác động tăng trưởng khảng định bất kỳ một sự tăng trưởng cầu thực nào của một trong số các đối tác kinh tế đều kéo theo tăng khối lượng xuất khẩu của nước chủ nhà; trong khi tác động cạnh tranh cho biết ảnh hưởng của việc thay đổi giá tương đối tới khối lượng xuất khẩu.
Căn cứ vào đặc điểm kinh tế và xuất khẩu nước ta, chúng tôi đi theo tiếp cận cầu để dự báo khối lượng xuất khẩu trong mô hình VMEM cho nền kinh tế nước ta. Vì tốc độ lạm phát của đồng USD rất thấp so với lạm phát ở Việt Nam nên đối với nước ta, để đơn giản các tính toán, có thể xem giá trị xuất khẩu hàng hoá theo USD tương đương với khối lượng, tức là giá trị đồng đô la không đổi.
Phương trình chuẩn để xác định giá trị xuất khẩu hàng hoá theo USD như sau:
EXUS = f(QE, (EXRAT * PEX/PRICE, IMUS(-1))
trong đó QE là cầu nhập khẩu hàng Việt Nam của các nước bạn hàng; EXPRI là chỉ số giá hàng xuất khẩu, tính theo đô la. Biến nhập khẩu kỳ trước được đưa vào phương trình nhằm nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của nhập khẩu tới xuất khẩu vì nhiều ý kiến cho rằng một tỷ lệ quan trọng nhập khẩu vào là để chế biến và xuất khẩu trở lại (quan điểm “nhập để xuất”).
Việc xác định chính xác QE là vấn đề hết sức khó khăn vì đây là chỉ tiêu mới xuất hiện ở Việt Nam trong thời mở cửa, và nhất là trong những năm gần đây, khi xẩy ra hiện tượng hàng xuất khẩu nước ta bị giới hạn bởi nhu cầu của các nước bạn hàng. Do là chỉ tiêu mới nên ở nước ta chưa có người tính. Trong các mô hình cũ, xuất khẩu thường được xây dựng theo tiếp cận cung vì lúc đó nhu cầu nhập khẩu hàng nước ta rất lớn, gần như không có giới hạn, nhất là nhu cầu nhập khẩu của khối Liên xô cũ.
Để xây dựng chỉ tiêu này, trước tiên cần nghiên cứu kinh nghiệm thế giới. Chúng tôi thấy các nước thường lấy chỉ tiêu tổng nhập khẩu của toàn cầu hoặc của các đối tác thương mại chính làm cầu nhập khẩu hàng của mình; do đó với nước ta cũng có thể lấy chỉ tiêu tổng giá trị nhập khẩu của các đối tác chính. Tuy nhiên khi xem xét các số liệu cụ thể thì thấy quy mô nền kinh tế nước ta quá nhỏ so với tổng nhập khẩu của các đối tác chính trong đó có Mỹ, Nhật... nên quan hệ giữa xuất của ta với chỉ tiêu này là giả tạo. Tính thử theo chỉ tiêu này thì thấy nhiều khi cầu thế giới giảm mạnh nhưng hàng hoá xuất khẩu nước ta lại tăng rất nhanh và ngược lại. Do vậy nên tìm một chỉ tiêu gần với ta hơn.
Đối với nước ta, chúng tôi đã nghiên cứu tính theo chỉ số phát triển GDP của các nước bạn hàng. Ưu điểm rất lớn của phương pháp này là cơ sở lý thuyết rõ ràng vì theo lý thuyết Keynes nhu cầu nhập khẩu của các nước đều phụ thuộc vào tăng trưởng GDP của nước đó. Do đó, có thể coi tăng trưởng GDP là chỉ tiêu phản ảnh gián tiếp ảnh hưởng của tăng trưởng nhập khẩu của các nước bạn hàng tới xuất khẩu của nước ta. Từ đây, sinh ra ưu điểm thứ hai của việc chọn chỉ tiêu này là có thông tin dự báo dễ dàng, thường xuyên và tương đối chính xác trong thời kỳ dự báo vì các nước bạn và các tổ chức tài chính quốc tế đều công bố khá đều đặn các dự báo tăng trưởng GDP của mình trong tương lai. Chính vì vậy, chúng tôi đã đi theo phương pháp này để xây dựng chỉ tiêu QE cho mô hình VMEM-2004.
(48) Xuất khẩu khu vực nông nghiệp EXAG:
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực nông nghiệp EXAG được xác định chủ yếu căn cứ vào nguồn cung trong nước vì thị trường xuất khẩu hàng nông sản thường không bị hạn chế do đặc điểm của loại hàng hoá này. Chính vì vậy mà các nhà kinh tế thế giới đều thống nhất coi nông sản là loại hàng hoá đầu tiên được đưa vào danh sách các hàng hoá thương mại quốc tế được. Vấn đề lớn nhất đối với xuất khẩu nông sản là sức cạnh tranh so với các bạn hàng.
Các nhân tố chính ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản là kết quả sản xuất nông nghiệp, nhập khẩu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu thông qua biến động giá tương đối. Phương trình xác định xuất khẩu nông sản như sau:
EXAG = f (EXRAT*PEX/PRICE, IMUS, GDPAG)
(49) Xuất khẩu khu vực công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp EXLIN:
Khác với khu vực nông nghiệp, xuất khẩu khu vực công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào thị trường quốc tế, điều này càng đúng trong trường hợp nước ta. Do vậy những nhân tố chính xác định kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đều là nhân tố cầu, gồm tăng trưởng kinh tế của các nước bạn hàng, cạnh tranh về giá và tỷ giá, xuất khẩu năm trước... Phương trình dự kiến như sau:
EXLIN = f (QE, EXRAT*PEX/PRICE, EXLIN(-1))
(50) Xuất khẩu khu vực công nghiệp nặng và khoáng sản EXHIN:
Tương tự như đối với xuất khẩu nông sản, xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản phụ thuộc ít vào thị trường nước ngoài mà chủ yếu vào khả năng cung của ngành công nghiệp nặng và khai thác khoáng trong nước và vào cạnh tranh qua giá cả. Đó là do xuất khẩu dầu mỏ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu của khu vực này. Do vậy, dự kiến phương trình xác định xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản như sau:
EXHIN = f (EXRAT*PEX/PRICE, GDPIN)
(51) Tổng xuất khẩu toàn nền kinh tế tính theo đô la Mỹ EXCON:
Xuất khẩu toàn nền kinh tế là tổng xuất khẩu của cả 3 khu vực nêu trên, do đó được xác định theo phương trình kế toán sau:
EXUS = EXAG + EXLIN + EXHIN
(52) Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tính theo nội tệ, giá cố định EXCON:
Với những số liệu của Việt Nam, phương trình trên chỉ cho phép xác định tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá; nhưng chỉ tiêu đưa vào phương trình cân bằng tổng quát lại là tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Do đó, trong mô hình thực nghiệm cụ thể, sẽ phải có một số điều chỉnh để tính đến yếu tố này.
Khi đưa các yếu tố xuất khẩu vào phương trình cân bằng tổng quát (cân đối sử dụng GDP), một mặt, cần bổ sung yếu tố xuất khẩu dịch vụ; mặt khác cần phải chuyển đổi sang tiền Việt. Do vậy, theo kinh nghiệm của các mô hình trước, chúng tôi sẽ xây dựng một phương trình chuyển đổi như sau:
EXCON = f (EXUS * NER/10/PRICE)
(53) Nhập khẩu:
Tương tự như đối với xuất khẩu, nhập khẩu trước tiên được dự báo theo khối lượng theo giá cố định tính bằng nội tệ, sau đó được chuyển sang dạng giá trị để tham gia vào phương trình cân bằng tổng quát. Tuy nhiên, trong trường hợp nước ta, cũng như xuất khẩu, trước tiên chúng ta dự báo nhập khẩu theo giá đô la Mỹ với ngầm ý rằng vì lạm phát ở Mỹ rất thấp nên giá trị nhập khẩu tính theo đô la Mỹ được xem như là nhập khẩu tính theo giá cố định; sau đó sang bước 2, sẽ chuyển đổi nhập khẩu tính theo đô la Mỹ sang tiền Việt, giá hiện hành để đưa vào phương trình cân bằng tổng quát.
Theo lý thuyết kinh tế cầu của Keynes, các biến chính giải thích tiến triển của khối lượng nhập khẩu hàng hoá (và dịch vụ) của một nước là mức độ cầu của nước nhập khẩu, thể hiện ở mức độ hoạt động kinh tế hay thu nhập, và mức độ giá tương đối, tức là quan hệ giữa giá trong nước và giá quốc tế. Phương trình cơ bản để dự báo khối lượng nhập khẩu là:
IMUS = f(GDP, PR)
trong đó GDP là tổng sản phẩm trong nước tính theo giá cố định; PR là giá tương đối giống như trường hợp xuất khẩu, tuy nhiên chỉ số giá nước ngoài được sử dụng ở đây là chỉ số giá nhập khẩu chứ không phải là chỉ số giá xuất khẩu như trong phương trình xác định xuất khẩu.
Nếu sử dụng các chỉ tiêu phản ánh cầu nội địa cụ thể hơn, có thể sử dụng phương trình:
IMUS = f (CONSO+ACCUM, PR)
vì CONSO+ACCUM phản ánh chính xác cầu nội địa hơn so với GDP.
Trong lý thuyết cung, nhất là thuyết cơ cấu, nhập khẩu lại được xem là phụ thuộc chủ yếu vào lượng ngoại tệ sẵn có để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Thực tế là các nước đang phát triển có nhu cầu nhập khẩu rất cao, song không có sẵn ngoại tệ để nhập.
Đối với nhiều nước đang phát triển, ngoại tệ sẵn có phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ở nước ta, đây cũng chưa phải là nhân tố cơ bản vì ngoại tệ sẵn có còn nằm ở khu khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc lấy từ nguồn vốn ODA...
Bên cạnh những nhân tố chính nêu trên, có thể xuất hiện thêm một số biến giải thích khác như mức độ đầu tư, khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế hoặc tình hình dự trữ ngoại tệ. Trong phương trình trên, vẫn bao hàm một giả thiết quan trọng là nước nhập khẩu phải là một nước nhỏ mở cửa; tức là cầu nhập khẩu của nước đó không đủ mạnh để làm biến đổi giá của các sản phẩm đã hình thành trên thị trường thế giới.
Tương tự như trường hợp xuất khẩu, phương trình trên đã thể hiện được hai loại tác động tới nhập khẩu: tác động tăng trưởng và tác động cạnh tranh. Tuy nhiên, trong phương trình nhập khẩu, còn có biến xuất khẩu đại diện cho lượng ngoại tệ sẵn có để đáp ứng nhu cầu nhập.
Ở nước ta, mặc dù 2 thập kỷ qua là giai đoạn chuyển đổi kinh tế nhưng những phân tích trong chương I cho thấy hầu hết các quan hệ diễn ra trong nền kinh tế nước ta đều là phản ánh lại sự hoạt động của những quy luật của kinh tế thị trường; đặc biệt, trong chương I, chúng ta đã phân tích vai trò quan trọng của đầu tư tới tăng trưởng kinh tế và nhập khẩu để phục vụ đầu tư chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Vì vậy, kết hợp các lý thuyết cung và cầu, có thể sử dụng phương trình lý thuyết chung nêu trên làm phương trình xác định nhập khẩu của nước ta; tức là phương trình xác định nhu cầu nhập khẩu tính theo đô la như sau:
IMUS = f(EXUS, CONSO+ACCUM, EXRAT*PIM/PRICE)
trong đó PIM là chỉ số giá hàng nhập khẩu, tính theo đô la. Trong trường hợp nhập khẩu chịu ảnh hưởng quá lớn của xu thế đã hình thành trong quá khứ, có thể bổ sung biến IMUS(-1).
(54) Nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ tính theo nội tệ, giá cố định IMCON
Cũng như với xuất khẩu, phương trình trên chỉ cho phép xác định tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá; nhưng chỉ tiêu đưa vào phương trình cân bằng tổng quát lại là tổng giá trị nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Do đó, trong mô hình thực nghiệm cụ thể, sẽ phải có một số điều chỉnh để tính đến yếu tố này. Cụ thể IMCON được xác định như sau:
IMCON = f (IMUS*NER/10/PRICE)
[1] Các mô hình dự báo xuất, nhập khẩu của các nước đang phát triển đều dựa trên một giả thiết chung được gọi là “giả thiết một nước nhỏ mở cửa”, trong đó, đối với xuất khẩu, giả thiết này nói rằng nước đó đóng vai trò đủ yếu trên thị trường thế giới một loại sản phẩm xuất khẩu nào đó để có thể bán bao nhiêu cũng được theo giá thế giới mà không làm thay đổi giá thế giới tính theo ngoại tệ. Về nhập khẩu, giả thiết này nói rằng nước đó đóng vai trò đủ yếu trên thị trường thế giới một loại sản phẩm để mà mọi thay đổi nhu cầu của nước đó về sản phẩm này đều không ảnh hưởng tới giá của nó tính theo ngoại tệ. Như vậy, khái niệm “một nước nhỏ mở cửa” ít liên quan tới diện tích hay tiềm lực kinh tế của một nước; một nước có thể có tiềm lực kinh tế rất mạnh nhưng vẫn có thể bị coi là nước nhỏ khi đối với 1 sản phẩm xuất (hoặc nhập) cụ thể, nước đó chỉ tham gia rất ít so với quy mô của thị trường thế giới.
No comments:
Post a Comment