Sunday, August 11, 2013

(7) Phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô đến năm 2010

Bài viết cũ của tôi năm 2004:
Phân tích, dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010
4) Tỷ giá, lạm phát và cán cân thanh toán quốc tế
          Tỷ giá cũng là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô rất quan trọng vì nó nối khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế đối ngoại. Tiến triển của tỷ giá thường ảnh hưởng mạnh tới cơ cấu giá tương đối và quan hệ giá trong nước và giá quốc tế, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động ngoại thương và cán cân thanh toán quốc tế.
          a) Tiến triển của tỷ giá và lạm phát
          Trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá và lạm phát thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn tỷ lệ lạm phát của các nước bạn hàng trong thời gian dài thì thường xuất hiện những đợt phá giá tự phát để lập lại cân bằng tỷ giá thực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm các áp lực suy thoái kinh tế do thâm hụt ngoại thương tăng lên.
        Trước năm 1991 (năm cuối cùng có tỷ lệ lạm phát trên 20%/năm), trong tâm lý của người Việt Nam, tỷ giá danh nghĩa của đồng đô la Mỹ so với đồng tiền Việt Nam luôn luôn có xu hướng tăng lên, do đó giữ đô la được coi là hình thức tiết kiệm an toàn nhất đối với không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế từ khi cải cách 1989 đến nay, tình hình diễn ra không hoàn toàn như vậy. Về tỷ giá danh nghĩa, đồng đô la Mỹ chỉ lên giá so với đồng tiền Việt Nam trong năm 1991 và từ năm 1997 đến nay, nhưng mức độ lên giá hàng năm không cao. Ngược lại, trong năm 1990 và suốt một khoảng thời gian dài từ năm 1992 đến 1996, tỷ lệ lạm phát cao hơn hẳn tỷ lệ phá giá. Kết quả là khoảng cách giữa giá và tỷ giá bị doãng ra khá nhanh như đồ thị dưới đây đã chỉ ra. Đặc biệt, đã có một số năm, do lượng ngoại tệ bên ngoài đổ vào Việt Nam nhiều, đồng đô la bị mất giá nghiêm trọng nên Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp mạnh mẽ để hỗ trợ đồng đô la. Tỷ giá danh nghĩa của đồng đô la so với tiền Việt cuối năm 1991 có lúc đã lên tới 14500 đồng / USD nhưng đến cuối năm 2004, tỷ giá này cũng chỉ dừng ở mức 15800 đồng / USD (tỷ giá năm 2004 so với tỷ giá năm 1991 tăng 4,77%) trong khi cùng thời gian đó, giá tiêu dùng đã tăng thêm 121,6%.
Tuy nhiên, nếu tính từ năm 1994 đến cuối năm 2004, đồng đô la Mỹ lên giá so với tiền Việt 38,4% trong khi tiền Việt mất giá 56,7%; trong đó chênh lệch tăng lên chủ yếu do tốc độ lạm phát năm 2004 đột ngột lên cao.




           Đồ thị 15: Tiến triển của tỷ giá và giá tiêu dùng (năm 1994 = 100%)

Về tỷ giá thực (real exchange rate), tức là tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh theo biến động giá tiêu dùng trong nước và quốc tế, theo tính toán của chúng tôi, nếu lấy năm 1992 làm mốc, (khi đó, tỷ giá đồng đô la so với đồng tiền Việt Nam xuống đến mức thấp nhất là 10500 đồng / USD sau khi đã lên tới 14500 đồng / USD vào cuối năm 1991), thì từ năm 1995 tới nay đồng tiền nước ta liên tục bị đánh giá cao khoảng 10-17% so với các đồng tiền của 18 bạn hàng lớn nhất[1]. Đến cuối năm 2000, đồng tiền nước ta đã lên giá khoảng 17%, cao đáng kể so với mức lên giá vào năm 1996 (9,8%). Tốc độ lên giá của đồng tiền nước ta đặc biệt nhanh từ sau khủng hoảng tiền tệ châu á năm 1997. Nếu so với năm 1989 (khi bắt đầu những cải cách kinh tế toàn diện) thì hiện nay đồng tiền nước ta đã lên giá khoảng 40-45%.
Tuy nhiên, trong các năm từ 1999 đến nay, do tỷ lệ lạm phát ở nước ta thấp (1999-2003) hoặc do đồng đô la mất giá nghiêm trọng so với các đồng tiền mạnh trên thế giới (2003-2004, mất giá khoảng 30-40%) nên mức độ đánh giá cao nội tệ của ta đã giảm mạnh.
          Về mặt lý thuyết, đồng tiền nội địa lên giá sẽ làm giảm lãi thu được tính theo tiền nội địa của các hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu so với giá thành sản xuất ra chúng, cũng như làm giảm giá hàng nhập so với giá hàng hoá sản xuất trong nước, dẫn đến làm giảm lợi nhuận của người sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu trong khi lại làm tăng lợi nhuận cho người kinh doanh nhập khẩu, kéo theo hiện tượng co hẹp xuất khẩu, tăng nhanh nhập khẩu và điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng phục vụ thị trường nội địa. Những hậu quả lớn nhất của việc đánh giá cao nội tệ là làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, kích thích nhập khẩu, hạn chế sự phát triển của nông nghiệp (khu vực làm hàng xuất khẩu quan trọng đối với các nước đang phát triển), giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng hàng rào bảo hộ mậu dịch, tạo ra những mất ổn định trong thu ngân sách và thường kéo theo khủng hoảng nợ, và sẽ dẫn tới phá giá đồng tiền, kéo theo những áp lực lạm phát và phát triển nhiều loại tiêu cực, bất công trong xã hội[2].  Dưới đây là một số phân tích bước đầu về ảnh hưởng của tỷ giá tới tăng trưởng xuất, nhập khẩu hàng hoá nước ta.
          b) Quan hệ giữa tỷ giá và xuất khẩu
Kinh nghiệm ở nước ta từ khi đổi mới cho thấy tồn tại một quan hệ đáng tin cậy giữa tỷ giá thực và tăng trưởng xuất khẩu. Do chỉ tiêu này chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta nên báo cáo này tạm lấy chênh lệch giữa tăng trưởng tỷ giá danh nghĩa và tỷ lệ lạm phát làm đại diện, mặc dù chỉ tiêu này không phản ánh chính xác tỷ giá thực mà chỉ phản ánh được xu hướng biến động của tỷ giá thực. Theo các số liệu trong bảng 5, khi tỷ giá thực lên giá mạnh năm 1986, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu mỏ 2 năm 1987, 1988 tụt xuống chỉ còn khoảng 10%/ năm. Nhưng khi tỷ giá thực bị phá giá mạnh trong hai năm 1987, 1988 và nhẹ trong năm 1989, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu thô đã tăng lên ngay trong năm 1988, rồi tăng vọt tới 82,1% năm 1989 và 15,3% năm 1990. Có được thành tích xuất khẩu gạo những năm đầu cải cách chủ yếu là nhờ phá giá cao đi kèm với tự do hoá kinh tế vì tự do hoá kinh tế đã mở ra hàng loạt những cơ hội đầu tư mới trong khi phá giá cao cho phép giảm đáng kể giá thành sản xuất tính theo ngoại tệ, làm tăng nhanh sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu đầy ấn tượng này còn bị che phủ bởi biến mất thị trường xuất khẩu truyền thống là Liên xô và khối Đông âu, và diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp do nền kinh tế vừa mới bắt đầu thực sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Nếu chỉ tính phần giá trị xuất khẩu bằng đô la, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã tăng vọt từ 4,6% năm 1987 lên 22,2% năm 1988, 154,2% năm 1989 và còn ở mức 18,8% năm 1990. Cũng theo bảng trên, trong giai đoạn này, phá giá có ảnh hưởng tới xuất khẩu trễ khoảng 1 năm so với thời điểm phá giá. Ngoài ra, các số liệu cũng cho thấy phá giá tỷ giá thực năm 1988 không còn phát huy tác dụng đáng kể ngay từ năm 1990. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 1991 tụt xuống âm: -25,1%.
          Bảng 8: Tốc độ tăng trưởng hàng năm của một số chỉ tiêu (%)

GDP
Xuất khẩu
Nhập khẩu
Tỷ giá[3]
Lạm phát
Chênh lệch phá giá - lạm phát[4]
1986
2,8
12,9
16,0
185,7
774,7
-67,3
1987
3,6
8,2
13,9
360
223,1
42,4
1988
6,0
21,5
12,3
715,2
393,8
65,1
1989
4,7
87,5
-6,9
43,3
34,7
6,4
1990
5,1
23,5
7,3
58,1
67,4
-5,6
1991
5,8
-13,2
-15,1
103,1
67,6
21,2
1992
8,7
23,7
8,7
-25,8
17,5
-36,9
1993
8,1
15,7
54,4
0,3
5,2
-4,7
1994
8,8
35,8
48,5
1,7
14,4
-11,1
1995
9,5
34,4
40,0
-0,6
12,7
-11,8
1996
9,3
33,2
36,6
1,2
4,5
-3,2
1997
8,2
26,6
4,0
14,2
3,6
10,2
1998
5,8
1,90
-0,8
9,6
9,2
0,4
1999
4,8
23,30
2,1
1,1
0,1
1,0
2000
6,8
25,50
33,2
3,4
-0,6
4,0
2001
6,9
3,80
3,7
0,3
0,8
-0,5
2002
7,1
11,20
21,7
2,1
4
-1,8
2003
7,3
20,80
27,8
2,2
3
-0,8
2004
7,6
23,90
18,9
0,5
9,5
-8,2
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001. Niên giám Thống kê 2003.

          Đợt điều chỉnh tỷ giá thứ hai kể từ khi đổi mới đã diễn ra vào năm 1991. Phá giá mạnh tổng cộng tới 103,1% năm 1991 trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát ra khỏi khủng hoảng tiền tệ, tín dụng năm 1990, đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên 67,6%, làm cho mức độ phá giá tỷ giá thực chỉ còn 21,2%. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ phá giá thực này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 1992-1993 đã tăng trở lại khoảng 20%. Trong các năm 1994-1997, mặc dù tỷ giá ổn định và nội tệ bị đánh giá cao nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nước ta vẫn liên tục được duy trì nhờ 2 nhân tố chính: Một là tốc độ tăng năng suất lao động những năm này rất cao, đủ bù lại những thiệt hại do tỷ giá bị đánh giá cao; và hai là luồng ngoại tệ chảy vào Việt Nam nhiều kéo theo tăng trưởng kinh tế nhanh, cho phép xuất khẩu ngày một nhiều dù hiệu quả tăng trưởng và xuất khẩu có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, một hậu quả rõ ràng của việc đánh giá cao tỷ giá thực là tỷ lệ thâm hụt ngoại thương và cán cân thanh toán vãng lai tăng vọt (xem phân tích chi tiết trong phần tiếp theo dưới đây).
          Đợt điều chỉnh tỷ giá thứ ba bắt đầu từ năm 1997 và kéo dài đến cuối năm 2000. Đặc điểm của phá giá trong giai đoạn này là tỷ lệ phá giá thấp, diễn ra làm nhiều vòng, qua các tuần, các tháng, dưới sự quản lý rất chặt của Ngân hàng Nhà nước. Bước phá giá lớn nhất trong giai đoạn này là hai lần phá giá 5% năm 1997 và 1 lần phá giá 7% năm 1998. Tuy vậy, tốc độ phá giá hàng năm đều cao hơn tỷ lệ lạm phát; do đó tỷ lệ phá giá danh nghĩa tích luỹ của hai năm 1997, 1998 là 25,2% trong khi tỷ lệ lạm phát tích luỹ là 13,1%, tạo ra một mức phá giá thực 10,7%. Tỷ giá thực còn bị phá giá nhẹ trong năm 2000 nhờ phá giá danh nghĩa và ổn định giá tiêu dùng. Những đợt phá giá này đã có tác dụng hạn chế tốc độ suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta so với các đối tác kinh tế trong khu vực, nhờ đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu thô năm 1999-2000 được duy trì ở mức khoảng 15%/ năm và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế đạt khoảng 24%/năm.
          Trong các năm từ 2001 đến nay, tốc độ phá giá chậm hẳn lại trong khi tỷ lệ lạm phát tăng cao; do đó đồng tiền Việt Nam đã liên tục lên giá so với đô la Mỹ như cột cuối bảng 5 đã chỉ ra. Việc lên giá của đồng nội tệ so với đồng đô la diễn ra trong bối cảnh đồng đô la giữ giá cao so với các ngoại tệ mạnh khác đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, do đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chững lại, năm 2001 chỉ đạt 3,8%, năm 2002 đạt 11,2%. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, bên cạnh những thuận lợi mới về xuất khẩu cho Việt Nam nhất là Hiệp định thương mại Việt Mỹ đi vào hoạt động và giá dầu mỏ đột ngột tăng cao, có một sự kiện quan trọng là đồng đô la mất giá mạnh so với các đồng tiền khác. Vì đồng Việt Nam được điều hành gắn với đồng USD lên mất giá của đồng USD đồng nghĩa với phá giá đồng Việt Nam theo các loại ngoại tệ khác; do đó sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam được cải thiện; đây là nhân tố quan trọng làm kim ngạch xuất khẩu năm 2003 và 2004 tăng mạnh (trên 20%/năm).
          Vai trò của tỷ giá tới xuất khẩu thời kỳ 1986-2004 được khảng định về mặt kinh tế lượng: Chiều quan hệ nhân quả đi từ phá giá tới tăng trưởng xuất khẩu (kể cả xuất khẩu dầu thô hoặc không kể xuất khẩu dầu thô) rất mạnh; các phương trình kinh tế lượng cho thấy phá giá từ năm 1991 đến nay có tác động trực tiếp tới xuất khẩu ngay trong năm và khi tỷ giá tăng 10% thì xuất khẩu tăng 6,2%.
          c) Tỷ giá và nhập khẩu
           Không những tồn tại một quan hệ nhân quả giữa tiến triển của tỷ giá thực và xuất khẩu, giữa tỷ giá thực và nhập khẩu cũng có quan hệ qua lại khá chặt như minh hoạ trong đồ thị 16 dưới đây.




        Đồ thị 16: So sánh tiến triển của tỷ giá và cán cân thanh toán vãng lai

Đồ thi 16 cho thấy trong những năm tỷ giá thực bị phá giá (trên đồ thị là khi phá giá tỷ giá thực dương, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thường tăng cao trong khi vào những năm tỷ giá thực lên giá, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thường chậm lại. Điều này cũng được khảng định về mặt kinh tế lượng.
d) Tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế
Biến động của tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu (hoạt động thương mại) mà còn có tác động mạnh tới cán cân thanh toán quốc tế, trước hết là cán cân thanh toán vãng lai vì tỷ giá là một trong những nhân tố cơ bản xác định sức cạnh tranh của mỗi nền kinh tế trên thị trường hàng hoá và dịch vụ quốc tế. Đồ thị 17 minh họa tác động này; trong đồ thị, trục tung bên trái phản ánh giá trị của chênh lệch phá giá - lạm phát (số liệu lấy từ bảng 5), trục tung bên trái phản ánh tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai trên GDP (nguồn số liệu: Ngân hàng phát triển châu Á - ADB). Do đặc điểm của đồ thị, chúng tôi không thể hiện chỉ tiêu biến động của tỷ giá danh nghĩa; tuy nhiên với những số liệu trong các bảng nêu trên, có thể rút ra nhận xét đầu tiên là tồn tại một quan hệ chặt chẽ giữa tiến triển của hai chỉ tiêu tỷ giá danh nghĩa và chênh lệch phá giá - lạm phát; điều này có nghĩa là phá giá danh nghĩa có tác động tích cực tạo ra phá giá thực.
Nhận xét thứ hai là phá giá có tác dụng làm giảm tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai trên GDP. Thực vậy, trước năm 1987, do theo đuổi chính sách tỷ giá cố định, tỷ lệ phá giá liên tục thấp hơn tỷ lệ lạm phát nên nội tệ bị đánh giá cao; hậu quả là tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai trên GDP rất cao. Trong giai đoạn 1987-1991, khi tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh cao hơn tỷ lệ lạm phát, nội tệ được đánh giá thấp nên sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước tăng; kết quả là tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai trên GDP đã giảm liên tục, thậm chí Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại và hầu như cân bằng cán cân vãng lai vào năm 1992 (thâm hụt chỉ -0,1% GDP).
Đồ thị 17: Quan hệ giữa phá giá và cán cân thanh toán vãng lai (%)




Ngược lại, sang giai đoạn 1992-1996, tỷ giá danh nghĩa ổn định trong khi tỷ lệ lạm phát cao, nên tỷ giá thực lại bị đánh giá cao; kết quả là tỷ lệ thâm hụt ngoại thương và cán cân thanh toán vãng lai trên GDP đã tăng lên rất mạnh; tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai trên GDP giai đoạn 1993-1998 trung bình tới -6,3%/năm. Chỉ từ năm 1999, khi tỷ giá danh nghĩa bị phá giá 14,2% ngay trong năm 1998 và tiếp tục được phá giá trong các năm tiếp theo thì tình hình cán cân thanh toán vãng lai mới được cải thiện: tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai giảm từ -3,9% năm 1998 lên thặng dư 4,1% năm 1999, 3,5% năm 2000 và 2,1% năm 2001.


Giai đoạn tiếp theo từ năm 2002 đến nay là giai đoạn đồng tiền nước ta tiếp tục lên giá nhẹ so với đồng đô la nhưng đồng đô lại giảm giá rất mạnh so với các ngoại tệ mạnh khác nên trên thực tế đồng tiền nước ta đã bị phá giá mạnh so với đồng tiền chung của tất cả các đối tác kinh tế, tức là có việc phá giá mạnh tỷ giá thực. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm hụt ngoại thương và cán cân thanh toán vãng lai trên GDP lại tăng lên nhanh; trong trường hợp này, tỷ giá chỉ là một nhân tố xác định biến động của cán cân thanh toán vãng lai. Nhân tố thứ hai không kém phần quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế: trong những giai đoạn tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai có xu hướng tăng lên do cầu nhập khẩu tăng lên, và ngược lại trong những giai đoạn tăng trưởng chậm, tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai có xu hướng giảm do cầu nhập khẩu giảm.
          Đồ thị 18: Quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và



         tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (%)

          Quan hệ âm giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai được khảng định trong nền kinh tế Việt Nam qua đồ thị dưới đây. Trong các giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh (1992-1997, 2002-2004), tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai liên tục ở những mức rất cao như trong thời kỳ trước cải cách, khi nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào viện trợ của khối Liên xô cũ. Ngược lại, trong những năm kinh tế tăng trưởng thấp (1989-1991 và 1998-2000), tỷ lệ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai được cải thiện nhanh chóng (lưu ý có khoảng thời gian trễ trong một số trường hợp).
Tình hình càng rõ nét trong những năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, buộc Nhà nước phải có nhiều cải cách mạnh, trong đó việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Trung ương mềm dẻo hơn để tỷ giá ngày càng phản ánh đúng hơn tình trạng cân đối hàng hoá và dịch vụ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong 2 năm 2003-2004, khi những phi cân bằng trong quan hệ kinh tế đối ngoại (thể hiện bằng tỷ lệ thâm hụt cán cân ngoại thương và cán cân thanh toán vãng lai) tăng lên, thì tỷ giá đã chậm được điều chỉnh để tiến tới khôi phục lại sức cạnh tranh của hàng hoá và từng bước lặp lại cân bằng lại cán cân thanh toán quốc tế.

MỤC 3: KẾT LUẬN CHUNG CỦA CHƯƠNG I -
CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG MÔ HÌNH DỰ BÁO TRUNG HẠN

          Trong chương I, chúng ta đã phân tích tiến triển của nền kinh tế nước ta và một số quan hệ kinh tế vĩ mô cơ bản trong giai đoạn đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến nay theo quan điểm mô hình hoá. Những phân tích tiến triển của khu vực thực cho thấy nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ trong gần hai thập kỷ qua, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thay đổi cơ cấu kinh tế khá toàn diện, mang tính chất dài hạn. Qua phân tích, có thể thấy nguồn gốc chính của những thành tựu kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh là tăng trưởng đầu tư, trong đó đầu tư vừa đóng vai trò nhân tố cung, vừa đóng vai trò nhân tố cầu; tuy nhiên, những nhân tố cầu như tiêu dùng và xuất khẩu cũng ngày càng có vai trò quan trọng hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, vai trò của những nhân tố cầu đã tăng lên rất mạnh do nền kinh tế rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu.
Mặc dù vai trò của nhân tố cầu đã tăng lên, nhưng căn cứ vào đặc điểm cơ bản của quá trình tăng trưởng trung và dài hạn ở các nước đang phát triển có trình độ phát triển thấp là phụ thuộc vào vốn đầu tư và các nhân tố cung, điều này cũng phù hợp đối với trường hợp nước ta như đã phân tích ở trên, chúng tôi thấy cần phải đi theo tiếp cận của mô hình cung là chủ yếu để xây dựng các mô hình dự báo trung hạn phục vụ mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Tiếp theo, trong chương 1, chúng ta đã phân tích tiến triển của khu vực thực trong mối quan hệ với các chỉ tiêu tài chính, tiền tệ (những biến quan trọng của chính sách điều chỉnh kinh tế) và là đầu vào quan trọng nhất của các mô hình dự báo ngắn hạn nhưng có ảnh hưởng quan trọng tới dự báo trung hạn và tính toán cân đối các chỉ tiêu vĩ mô trong quá trình phát triển trung hạn. Những lập luận lô gíc cho thấy tiến triển của khu vực thực có quan hệ mật thiết với tiến triển của khu vực tài chính, tiền tệ: Tiến triển của lãi suất thực có ảnh hưởng lớn tới đầu tư trong khi những thay đổi của tổng cung tiền tệ có ảnh hưởng mạnh tới tỷ lệ lạm phát và qua đó tác động tới môi trường đầu tư và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế dường như không mạnh vì tăng trưởng tiền tệ và tăng trưởng tín dụng không đi đôi với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu là do tín dụng ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng nguồn vốn đầu tư của toàn nền kinh tế; trong khi tỷ trọng vốn nhập khẩu bên ngoài và vốn tự có của tư nhân và các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp Nhà nước) rất cao. Hơn nữa, mục tiêu chính của chính sách tiền tệ trong giai đoạn này là chống lạm phát và ổn định kinh tế chứ không phải là động viên tăng trưởng; thể hiện ở một chính sách tiền tệ khá chặt kéo dài trong hầu hết thời gian của thập kỷ 90. Đồ thị 8 cho thấy chỉ từ năm 1999, chính sách tiền tệ mới thực sự tập trung vào mục tiêu tăng trưởng.
Ngược lại với chính sách tiền tệ, chính sách tài chính đã tỏ ra có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì một mặt, chính phủ đã không dùng biện pháp phát hành tiền tệ để bù đắp thâm hụt ngân sách; mặt khác, đã tích cực sử dụng công cụ phát hành trái phiếu, tín phiếu (trước đây hầu như không làm) để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vào mục tiêu tăng trưởng. Thực tế, giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách và tăng tỷ lệ thu ngân sách đều có tác dụng tích cực làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù quá trình này có thể trễ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, mặc dù những biến động của tỷ giá không đi đôi với thay đổi tương ứng của tỷ lệ lạm phát nhưng chúng có ảnh hưởng rất quan trọng tới hoạt động xuất nhập khẩu và điều chỉnh cán cân thanh toán quốc tế. Những quan hệ nhân quả nêu trên đều đã được kiểm định bằng kỹ thuật kinh tế lượng (theo phương pháp Granger); do đó, có thể được đưa vào mô hình kinh tế lượng xây dựng trong chương II dưới đây.



[1] Đó là các nước Malaixia, Inđônêxia, Philipin, Singapo, Thái lan, Đài loan, Hồng kông, Hàn quốc, Nhật Bản, Trung quốc, Nga, Anh, Đức, Hà lan, Pháp, Thuỵ sĩ, Mỹ và Australia.
[2] Xem những phân tích chi tiết về hậu quả tiêu cực của hiện tượng trên trong bài: "Hiện tượng đánh giá cao nội tệ và những hậu quả tiêu cực", Lê Việt Đức, Tạp chí Ngân hàng số 12-1994, trang 36-40.
[3] Các số liệu về phá giá trong bài được hiểu là phá giá tiền Việt so với đô la Mỹ. Trước năm 1989, do còn tồn tại tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng rúp chuyển nhượng nên còn có loại phá giá tiền Việt so với đồng rúp chuyển nhượng.
[4] Chênh lệch (phá giá - lạm phát) = ((tỷ lệ phá giá + 100)/(tỷ lệ lạm phát + 100) -1) * 100

No comments:

Post a Comment