Bốn thành phố trong TP.HCM
TT - Hội nghị bất thường Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa IX đã hoàn thành chương trình làm việc trong ngày 7-8 với trọng tâm nghe, thảo luận tờ trình Chính phủ về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.SƠ ĐỒ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ
Đồ họa: V.CƯỜNG - Nguồn: UBND TP.HCM
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - nói đề án đã được chuẩn bị công phu, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn của TP.HCM (chuẩn bị từ năm 2006-2007 đến nay). Đề án đã đưa ra những định hướng lớn về mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.Chính quyền của dân, do dân, vì dân
Ông Lê Thanh Hải đặt vấn đề làm sao xây dựng mô hình chính quyền mới phải đúng với bản chất của chế độ ta: chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
“Phải làm rõ được những điều này, cái mới này phải đúng với bản chất đó. Cái mới này cũng phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ, đồng thời làm rõ được chế độ trách nhiệm của người đứng đầu” - ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, tổ chức chính quyền mới có tích cực hay không là nằm ở chỗ chính quyền có thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hay không; khắc phục được tình trạng quan liêu, cửa quyền, xa dân.
Xây dựng bộ máy quản lý hành chính nhà nước chuyên nghiệp, tinh gọn; đội ngũ công chức có phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực cao, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Lãnh đạo TP cho biết sau hội nghị, nội dung đề án sẽ được tiếp tục lấy ý kiến HĐND TP.HCM, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và đông đảo các tầng lớp nhân dân... Khi đề án được rà soát, hoàn chỉnh, TP.HCM sẽ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị và Quốc hội.
“Tự chủ chứ không phải tự tung tự tác” Đối với khối các sở ngành chuyên môn, theo đề xuất của TP.HCM là xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý với nguyên tắc mỗi nhiệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Các sở chuyên ngành được giao trách nhiệm toàn diện và xuyên suốt lĩnh vực thuộc thẩm quyền với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước (không chỉ thực hiện chức năng tham mưu). Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt nói việc đề cao trách nhiệm cá nhân chính là trách nhiệm làm theo luật pháp và giao quyền tự chủ chứ không phải tự tung tự tác. Với cơ chế này, “anh” sẽ rất sợ vi phạm luật và làm sai phải chịu trách nhiệm, nên mọi việc phải làm rất kỹ. |
Tại hội nghị, giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm trình bày chi tiết nội dung dự thảo tờ trình Chính phủ đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM, trong đó TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận nội dung mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
TP cho rằng điều kiện tiên quyết về pháp lý để có thể triển khai mô hình thí điểm, cần thiết có sự cho phép bằng một nghị quyết của Quốc hội trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Luật chính quyền địa phương. TP kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm này vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (tháng 11-2013).
Theo đề xuất của TP, mô hình chính quyền đô thị TP.HCM xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị. Cụ thể là chính quyền TP (trực thuộc trung ương) có HĐND và UBND.
Chính quyền TP vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở, vừa là chính quyền đô thị (quản lý) của 13 quận nội thành. Sở dĩ đề nghị tổ chức như vậy, theo giải thích của các cơ quan chức năng TP, 13 quận nội thành đang có chung hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Về cơ bản, người dân đang sử dụng chung phúc lợi đô thị.
Cũng theo các giải thích này, nếu tiếp tục tổ chức các quận thành các cấp chính quyền, tự chủ về ngân sách... thì cồng kềnh, không sát dân, không cần thiết, hiệu lực thấp.
Bốn thành phố trong thành phố
Với tổ chức như đề xuất trên, tại 13 quận sẽ tổ chức cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TP và được gọi tên dưới hình thức là ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính quận (hoặc quận trưởng) do chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm và bãi/miễn nhiệm.
Tương tự, dưới quận có đơn vị hành chính phường và tại mỗi phường cũng tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính phường (hoặc phường trưởng) do chủ tịch ủy ban hành chính quận bổ nhiệm và bãi/miễn nhiệm. Những người làm việc ở đây là những công chức chuyên nghiệp được điều động, bổ nhiệm như lãnh đạo của các sở ngành chuyên môn.
Với khu vực còn lại, TP.HCM đề xuất hình thành chính quyền bốn đô thị được thành lập mới (bốn TP trong TP). Đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền TP.HCM (lớn) và có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Chính quyền bốn TP được lập mới có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp.
Các đô thị này được đề nghị gọi tên là các TP hoặc thị xã, tạm đặt tên là Đông, Tây, Nam, Bắc (gọi tắt là TP). UBND cấp này (TP nhỏ) do HĐND cùng cấp bầu và UBND TP (lớn) phê chuẩn.
Người đứng đầu UBND bốn TP này đề nghị gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng, có ngạch bậc tương đương với phó chủ tịch UBND TP (lớn). Ngoài ra, với lý do địa bàn của bốn TP được thành lập mới sẽ tổ chức các phường nhưng không phải là một cấp chính quyền và đây là những cơ quan đại diện của chính quyền bốn TP.
Nội dung dự thảo tờ trình Chính phủ cũng nêu rõ kiến nghị cho phép tại bốn đô thị mới thành lập tạm thời chưa tổ chức bầu HĐND và UBND (như đề án nêu) cho đến năm 2016, khi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Theo đó, UBND TP sẽ bổ nhiệm UBND lâm thời để điều hành công việc. Nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ thực hiện cơ cấu chính quyền đầy đủ có HĐND và UBND.
TS TRẦN DU LỊCH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM): Hai cấp thực chất, chứ không phải ba cấp thiếu thực chất Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM có bốn nội dung mang tính đổi mới rất căn bản để nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt là phát huy tính năng động, sáng tạo của cấp cơ sở. Thứ nhất, với đặc thù của TP.HCM như trong đề án nêu, gọi là TP nhưng 80% là nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa. Do vậy, điểm đột phá đầu tiên là TP.HCM (bao gồm cả khu vực nông thôn và đô thị) được tổ chức thành chuỗi đô thị, trong đó 13 quận nội thành là đô thị trung tâm. Thứ hai, tổ chức chính quyền hai cấp thực chất, chứ không phải ba cấp mà thiếu thực chất như hiện nay. Đã là cấp chính quyền thì có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phải được quyền quyết cái gì, chứ không phải chỉ họp với nhau rồi sau đó đi xin, đề nghị hoặc bàn những cái đã được quyết rồi. Ở đây cũng nhấn mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cơ sở với mô hình hai cấp: cấp TP.HCM trực thuộc trung ương và cấp cơ sở với địa vị pháp lý giống nhau, dù đó là xã hay thị trấn, thành phố - tức là một pháp nhân công quyền. Thứ ba, thay đổi quan điểm về công vụ, không để một việc có nhiều cấp cùng làm, đồng thời xử lý tình trạng ở phường kêu rằng họ là cái máng xối. Cái gì cấp dưới đã làm thì cấp trên không làm nữa và phân định rõ ba loại công vụ: một loại hai cấp chính quyền cùng làm (nhưng ít thôi), đa số là loại công vụ của từng cấp riêng lẻ; loại thứ ba là cấp dưới làm theo cơ chế ủy nhiệm của cấp trên, không nhập nhằng. Sự minh bạch này mới có cơ sở bố trí cán bộ, tinh giản bộ máy, không chồng chéo. Thứ tư, thay đổi chức năng quản lý nhà nước của sở, ngành. Khối này không chỉ tham mưu mà thật sự là quản lý nhà nước, bớt hội họp hay sự vụ của UBND TP, ví dụ như nhà đất, môi trường... Hay nói cách khác là ở các lĩnh vực có địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng. Đấy là bốn nội dung cốt tử của đề án, đi liền với nhau. Việc đầu tiên hướng đến là có bộ máy hành chính tinh gọn, trách nhiệm rõ ràng, nâng được hiệu quả. Nếu tổ chức các đô thị trực thuộc, tôi cho rằng sẽ phát huy được tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo của bốn TP mới, thay vì hiện nay tất cả đều dồn lên TP lớn. Và tổ chức HĐND thật sự là người đại diện lợi ích của cộng đồng nơi đó, họ có vai trò quyết định chứ không phải kiểu xuân thu nhị kỳ như hiện nay. Tôi cho rằng với mô hình tổ chức mới sẽ gắn bó với người dân hơn và phúc lợi công cộng sẽ phát triển hơn. |
QUỐC THANH
No comments:
Post a Comment