Bài viết cũ của tôi năm 2004:
Phân tích, dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010
CHƯƠNG I
PHÂN TÍCH MỘT SỐ TIẾN TRIỂN CHÍNH CỦA
NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TRONG 20 NĂM ĐẦU
ĐỔI MỚI (1986-2004) THEO TIẾP CẬN MÔ HÌNH HOÁ
Mục tiêu của nghiên cứu này là dự báo một số khả năng phát triển của nền kinh tế nước ta từ nay đến năm 2010 phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch 5 năm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phương pháp dự báo là sử dụng mô hình kinh tế lượng. Do khoảng thời gian dự báo dài tới 6 năm (từ năm 2005 đến 2010) nên cần nhìn lại tiến triển của nền kinh tế nước ta trong quá khứ ít nhất cũng từ khoảng 20 năm về trước. Mặt khác, vì phương pháp nghiên cứu được lựa chọn để phân tích, dự báo là công cụ mô hình hoá, trong đó những mối quan hệ qua lại trong mô hình phải là những quan hệ mang tính trung hạn và tương đối ổn định nên cần nghiên cứu xây dựng mô hình với các chuỗi số liệu phản ánh giai đoạn tăng trưởng và phát triển trong đó các mối quan hệ của nền kinh tế diễn ra tương đối ổn định qua các năm.
Có thể nói khoảng thời gian từ năm 1986, nhất là từ năm 1989-1990, đến nay được xem là một giai đoạn như vậy. Đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam đã thực sự chuyển đổi từ mô hình phát triển theo kiểu kế hoạch hoá tập trung sang mô hình phát triển kinh tế thị trường sau một số năm mò mẫm thử nghiệm (1980-1985). Đây cũng là quá trình Việt Nam chuyển từ một nền kinh tế đóng cửa, chỉ quan hệ buôn bán với quy mô nhỏ, chủ yếu theo kiểu hàng đổi hàng, với một số rất ít các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô cũ, sang một nền kinh tế mở cửa và hội nhập, với số lượng bạn hàng ngày càng đa dạng và buôn bán dựa trên đồng tiền chuyển đổi. Đây cũng là quá trình chuyển dần từ nền kinh tế cung với đặc trưng thiếu hụt trầm trọng sang nền kinh tế cầu với vai trò của các nhân tố cầu ngày càng lớn. Chính trong quá trình này, nền kinh tế Việt Nam không chỉ có những thay đổi lớn lao về lượng, mà điểm cốt yếu lại là những thay đổi cơ bản về chất, trong đó những thay đổi then chốt gồm cả những thay đổi về cơ cấu và những thay đổi về cơ chế kinh tế.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra cho đề tài, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu quá trình tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế nước ta từ năm 1986 đến nay và ảnh hưởng của các nhân tố thuộc khu vực thực và khu vực tài chính đối với quá trình tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế nước ta, trên cơ sở đó sẽ tiến hành các dự báo đến năm 2010.
MỤC I: TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA KHU VỰC THỰC CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TỪ KHI BẮT ĐẦU CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI NĂM 1986 ĐẾN NAY
I) TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng GDP) là một trong những chỉ tiêu cơ bản để phân tích tiến triển của khu vực thực của nền kinh tế vĩ mô. Đây cũng là chỉ tiêu cơ bản nhất mà mọi mô hình kinh tế vĩ mô đều phải hướng đến trong quá trình phân tích dự báo. Đồ thị 1 dưới đây cho thấy trong những năm đầu đổi mới, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta đạt rất thấp, năm 1986 chỉ là 2,84%, năm 1987 chỉ là 3,63%, năm 1988: 6,01%; năm 1989: 4,68% và năm 1990: 5,09%. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP đã có xu hướng liên tục tăng lên dù tốc độ tăng còn chậm.
Từ năm 1991 đến năm 1995, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự đi vào quỹ đạo phát triển theo kinh tế thị trường và đạt được những tốc độ tăng trưởng ngày càng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1991-1995 đạt 8,18%/năm, cao nhất kể từ trước tới nay. Đáng tiếc là sau đỉnh cao 1995, từ năm 1996, tốc độ tăng trưởng GDP đã liên tục giảm sút đến tận năm 1999. Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phục hồi đồng thời đã liên tục tăng lên mặc dù tốc độ tăng lên chưa cao.
Phân tích chi tiết hơn dựa trên đồ thị 1, có thể thấy tăng trưởng GDP trong giai đoạn 1986-2004 được chia làm ba thời kỳ rõ rệt: Trong thời kỳ đầu từ năm 1986 đến 1995, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng liên tục tăng lên và đạt đến mức cao nhất là 9,5% năm 1995. Trong thời kỳ thứ hai, từ năm 1996 đến 1999, tốc độ tăng trưởng GDP đã liên tục giảm sút, xuống đến mức thấp nhất là 4,8% năm 1999, xấp xỉ bằng mức năm 1989. Trong thời kỳ thứ ba, từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP lại được phục hồi và liên tục tăng lên, nhưng tốc độ tăng lên tương đối chậm.
Đồ thị 1: Tốc độ tăng trưởng GDP qua các năm (%)
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001; Niên giám thống kê 2003. Số năm 2004 là ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều đặc biệt là trong mỗi thời kỳ, xu hướng tăng, giảm tốc độ tăng trưởng GDP đều kéo dài nhiều năm và rất rõ rệt, không có độ dao động lớn so với xu thế. Ngoài ra, sự đi xuống của tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các năm 1998-1999 trùng với thời gian khủng hoảng kinh tế, tài chính châu á. Do quá trình phát triển trong mỗi thời kỳ đều theo một xu thế khá ổn định nên có thể đưa ra giả thuyết là quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta trong khoảng 2 thập kỷ gần đây có tính chất cơ cấu chứ không phải là tình thế. Điều này cũng có nghĩa là những quan hệ trong giai đoạn vừa quan mang tính trung hạn và tương đối ổn định nên rất thuận lợi khi xây dựng các mô hình phân tích và dự báo trung hạn.
Quá trình tăng trưởng như trên của toàn nền kinh tế nhìn chung có một số điểm khác so với tiến triển ở cấp các ngành kinh tế vĩ mô gộp. Đồ thị 2 cho thấy trong giai đoạn 1986-2004, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông nghiệp có xu hướng liên tục tăng lên đến tận năm 1999 chứ không phải chỉ đến năm 1995-1996 như toàn nền kinh tế. Ngược lại, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế liên tục tăng lên thì tốc độ tăng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm sút. Ngoài ra, nếu như tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong giai đoạn đầu đổi mới 1986-1992 không ổn định, thì từ năm 1993 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực này khá ổn định.
Đồ thị 2: Tăng trưởng GDP các ngành và toàn nền kinh tế (%)
Nguồn số liệu: Xem chú thích tại đồ thị 1.
Đối với ngành công nghiệp (kể cả xây dựng), đồ thị 2 cho thấy tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp trong chặng đường 20 năm được chia làm bốn giai đoạn khá rõ rệt. Trong giai đoạn đầu (1986-1989), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp giảm đi rất nhanh, từ 10,9% năm 1986 giảm xuống âm 2,6% năm 1989. Giai đoạn 2 (1990-1996) là giai đoạn bùng nổ của sản xuất công nghiệp; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực này liên tục tăng nhanh và đạt tới 14,6% năm 1996. Trong giai đoạn 3 (1997-1999), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp lại liên tục giảm xuống, chỉ còn 7,7% năm 1999. Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp tăng lên, nhưng không có hiện tượng bùng nổ như trong giai đoạn 2.
Khu vực dịch vụ nhìn chung cũng có bước phát triển tương tự như khu vực công nghiệp trừ trong giai đoạn đầu đổi mới. Như đồ thị 2 đã chỉ ra, trong giai đoạn trước năm 1989, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp đã giảm rất mạnh, nhưng tình hình lại hoàn toàn ngược lại đối với khu vực dịch vụ. Mặt khác, mặc dù tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ có xu hướng tăng lên trong suối 10 năm đầu đổi mới, song về bản chất, tốc độ này đã liên tục được duy trì ở mức khá cao trong suốt thời kỳ từ năm 1988 đến năm 1995. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của dịch vụ đã đạt mức đặc biệt cao ngay trong giai đoạn đầu cải cách chủ yếu là nhờ cải cách đã cho phép tự do hoá các hoạt động dịch vụ và phát triển mạnh khu vực kinh tế thị trường, tạo ra nhiều cơ hội cho dịch vụ phát triển trong khi cạnh tranh của nước ngoài đối với hoạt động của khu vực này hầu như không có trong những năm đầu cải cách.
Như vậy, nếu như trong khoảng 4 năm đầu đổi mới (1986-1989), về mặt tăng trưởng, quá trình phát triển của toàn nền kinh tế nước ta nói chung và của các ngành sản xuất gộp nói riêng còn có nhiều biến động thị trong 15 năm trở lại đây (1990-2004), các ngành kinh tế đều tăng trưởng khá ổn định và tương đối khớp nhau; điều này thể hiện một xu hướng tiến triển mang tính cơ cấu chứ không phải chỉ là tình thế tạm thời. Đồ thị 2 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần từ năm 2000 (sau khi tụt đến đáy năm 1999) chủ yếu dựa trên phục hồi sản xuất công nghiệp và đặc biệt là sự đi lên khá nhanh của khu vực dịch vụ.
2) Thay đổi cơ cấu kinh tế
Quá trình phát triển nêu trên có quan hệ chặt chẽ với những thay đổi đáng kể về mặt cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá đất nước (đồ thị 3). Tỷ trọng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP sau khi giảm sút từ 28,9% năm 1986 xuống 22,7% năm 1990 đã tăng trở lại 28,8% năm 1995, 36,7% năm 2000 và lên đến 41,1% năm 2004. Ngược lại, tỷ trọng nông nghiệp đã tăng từ 38,1% năm 1986 lên tới 46,3% năm 1988, rồi giảm liên tục trong thời kỳ từ năm 1989 đến nay, và chỉ còn 20,4% năm 2004. Trong thời kỳ 1986-95, biến động tỷ trọng khu vực dịch vụ đi ngược chiều so với khu vực nông nghiệp; đặc biệt tỷ trọng khu vực dịch vụ đã liên tục tăng lên rất nhanh trong giai đoạn 1989-1995. Tuy nhiên, đáng tiếc là từ năm 1996, tỷ trọng khu vực dịch vụ đã liên tục giảm sút, chỉ còn khoảng 38,5% vào năm 2004 so với mức cao nhất là 44,1% năm 1995.
Như vậy, nếu như trong nửa cuối thập kỷ 80 đã diễn ra quá trình giảm tỷ trọng công nghiệp (ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động) và tăng tỷ trọng các ngành nông nghiệp và dịch vụ (sử dụng ít vốn, nhiều lao động) để khai thác mạnh mẽ thế mạnh về nguồn nhân lực của đất nước, thì trong nửa đầu thập kỷ 90 đã có một quá trình công nghiệp hoá khá mạnh đi kèm với bùng nổ khu vực dịch vụ; và đặc biệt trong nửa cuối thập kỷ 90 và những năm đầu thế kỷ XXI, quá trình công nghiệp hoá được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong khi khu vực dịch vụ đã tăng trưởng chậm lại.
Đồ thị 3: Thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế trong thời kỳ đổi mới (%)
Nguồn số liệu: Xem chú thích tại đồ thị 1.
Để giải thích quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã diễn ra trong khoảng 2 thập kỷ gần đây ở nước ta, dưới đây sẽ phân tích một số nhân tố chính tác động tới quá trình đó, bao gồm các nhân tố cung (vốn, lao động) và các nhân tố cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
3) Đầu tư
Đầu tư đã đóng vai trò rất quan trọng đến quá trình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nêu trên của nền kinh tế nước ta vì cũng như đối với các nền kinh tế khác, đầu tư là nhân tố chính tạo ra quá trình tăng trưởng trung và dài hạn. Quá trình đưa nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường và những thay đổi về chính sách và cơ chế đầu tư từ năm 1986 đến nay đã làm cho môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng lành mạnh hơn, qua đó, đã khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn ra đầu tư làm giàu và tham gia phát triển đất nước.
Khi phân tích nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế, cần đặc biệt lưu ý tới nhân tố đầu tư vì đầu tư không chỉ là nhân tố cung (đầu vào) đối với sản xuất mà còn là nhân tố cầu (giải quyết đầu ra); do đó đây là một nhân tố rất đặc biệt có thể tham gia giải thích tăng trưởng kinh tế trong cả mô hình cung lẫn mô hình cầu, trong cả dự báo ngắn hạn tới dự báo tăng trưởng dài hạn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy khi cung hàng hoá và dịch vụ thấp so với nhu cầu thì cần tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư để nâng cao năng lực của nền kinh tế, từ đó sản xuất ra nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn, vừa tạo ra quá trình tăng trưởng kinh tế, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu. Ngược lại, trong những năm cung vượt cầu, tăng nhanh đầu tư cũng là một chính sách, biện pháp kích cầu quan trọng, đóng góp vào quá trình phục hồi tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế vì quá trình đầu tư cũng là quá trình tạo ra nhu cầu mới thông qua xây dựng thêm nhà xưởng, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ đầu tư, thuê thêm lao động và trả lương cho số lao động tăng thêm này để họ tăng tiêu dùng...
Những số liệu thống kê cho thấy nguồn gốc chính của những tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của nước ta trong hai thập niên đổi mới vừa qua gắn liền với việc gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP (xem đồ thị 4). Nếu như trong thời kỳ 1986-90, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP rất thấp, chỉ lần lượt là 12,6% và 2,4%/năm làm cho tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,4%/năm, thì ngược lại, trong thời kỳ 1991-95, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa tăng lên tới 22,3% và 14,7%/năm làm cho tốc độ tăng trưởng GDP cũng tăng lên mạnh, đạt trung bình tới 8,2%/năm.
Đồ thị 4: Tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ đầu tư và
tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với GDP (%)
Các tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa được đo theo trục bên trái; tốc độ tăng trưởng GDP được đo theo trục bên phải. Nguồn số liệu: Xem chú thích tại đồ thị 1.
Tiếp đến, trong các năm 1996-1999, mặc dù tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm tiếp tục tăng lên tới 32,8% và 24,6%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại liên tục giảm xuống, trung bình còn khoảng 7,0%/năm. Phân tích chi tiết hơn cho thấy trong giai đoạn này, ngoài nhân tố đầu tư, còn có những nhân tố khác đã ảnh hưởng khá mạnh tới tăng trưởng kinh tế. Thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức cao 9,3% năm 1996 và 8,2% năm 1997 tương ứng với tốc độ tăng trưởng đầu tư, nhưng từ năm 1998, do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ châu Á và những yếu kém trong công tác quản lý kinh tế của ta, cầu trong nước cũng như cầu đối với hàng xuất khẩu của nền kinh tế nước ta đều tăng chậm lại; do đó tốc độ tăng trưởng đầu tư tiếp tục cao đã nhanh chóng tạo ra hiện tượng cung vượt cầu, hàng hoá và dịch vụ không tiêu thụ được. Kết quả cuối cùng là hiệu quả đầu tư giảm sút, dẫn tới tốc độ tăng trưởng đầu tư chậm lại; tỷ lệ đầu tư trên GDP chỉ tăng nhẹ qua các năm.
Từ năm 2000, xu hướng tăng dần về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta mới được phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP từ năm 2000 đến nay vẫn thấp xa so với trong giai đoạn 1992-1997. Đồ thị 4 cũng cho thấy trong điều kiện tỷ lệ đầu tư trên GDP của nước ta ngày càng tăng trong những năm gần đây, nếu duy trì được hiệu quả sử dụng vốn đầu tư như xu thế trong giai đoạn trước năm 1996 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây phải đạt khoảng 10-11%/năm chứ không phải chỉ 7-7,6%/năm.
Như vậy, nếu như trong 10 năm đầu đổi mới, vốn đầu tư đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế thì trong khoảng 10 năm gần đây, vấn đề chất lượng đầu tư ngày càng quan trọng, thể hiện ở hiệu quả vốn đầu tư giảm sút nhanh nên mặc dù khối lượng vốn đầu tư tiếp tục tăng nhanh nhưng tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng lên không tương xứng.
4) Lao động
Lý thuyết và kinh nghiệm thực tế tại các nước đang phát triển đều khảng định vai trò to lớn của nguồn nhân lực trong quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và công nghiệp hoá. Trong giai đoạn đầu phát triển, khi tập trung phát triển nông nghiệp và nguồn vốn còn khan hiếm, nguồn nhân lực thường đóng vai trò rất quan trọng, như là một nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng chủ yếu của nền kinh tế. Trong giai đoạn phát triển cao hơn (giai đoạn công nghiệp hoá), vai trò của vốn đầu tư tăng lên nhưng không vì thế mà vị trí của nguồn nhân lực bị xem nhẹ vì nó trở thành nhân tố cơ bản tạo ra công nghệ và kỹ thuật mới làm tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đặc biệt, tại các nước công nghiệp, khoa học và công nghệ đã thực sự trở thành động lực chủ yếu của quá trình tăng trưởng, do đó vai trò nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu của nguồn nhân lực lại càng cực kỳ quan trọng.
Ở nước ta, tình hình cũng không phải là ngoại lệ. Các số liệu tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động từ khi đổi mới đến nay đã khảng định nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh 1991-1995, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn cũng tăng nhanh trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã giảm khá mạnh. Ngược lại, từ năm 1996 đến 1999, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lại giảm xuống trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên[1]. Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng dần, từ 4,77% năm 1999 lên 6,79% năm 2000, 6,84% năm 2001 và ước đạt 7% năm 2002, tương ứng với nó là tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 7,4% năm 1999 xuống còn 6,44% năm 2000, 6,28% năm 2001 và ước 6% năm 2002. Đồ thị dưới đây minh hoạ quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp thành thị trong hơn 1 thập kỷ qua.
Đồ thị 5: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp thành thị (%)
Có thể nói, đã tồn tạo một quan hệ khá chặt giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng nguồn nhân lực trong nền kinh tế nước ta từ năm 1989 đến nay. Rõ ràng trong điều kiện cung cơ bản vẫn thấp hơn cầu và tăng trưởng chủ yếu dựa trên phát triển theo chiều rộng ở nước ta trong 2 thập kỷ gần đây, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhu cầu sử dụng lao động tăng lên và qua đó lao động đã đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động, vốn đầu tư, đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở nước ta trong thời gian qua khá chặt nên có thể tin rằng quá trình phát triển của kinh tế nước ta trong 2 thập kỷ gần đây đã chủ yếu dựa trên các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng.
Tình hình tương tự nếu phân tích quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động trong các khu vực kinh tế. Trong khu vực nông lâm ngư nghiệp, đồ thị dưới đây cho thấy trong suốt thập kỷ 90, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực này (GDP, trục trái) biến động gắn liền với tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn (trục phải). Khi tỷ lệ sử dụng thời gian lao động tăng lên thì tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của nông nghiệp cũng tăng lên và ngược lại; khi tỷ lệ sử dụng thời gian lao động giảm xuống thì tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của nông nghiệp cũng giảm xuống.
Tuy nhiên, đồ thị cũng cho thấy chênh lệch giữa hai tỷ lệ này có xu hướng tăng lên. Nếu như trong giai đoạn 1991-1995, hai đường biểu diễn trên hầu như trùng nhau thì trong giai đoạn sau, 1996-1999, tương quan giữa hai chỉ tiêu rất chặt, nhưng khoảng cách giữa hai đường đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, khoảng cách này ngày càng mạnh; thậm chí đã xuất hiện một xu hướng mới là tỷ lệ sử dụng thời gian lao động tiếp tục tăng nhanh nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng nông nghiệp đã tăng chậm lại.
Đồ thị 6: Quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng nông nghiệp và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn
Để giải thích hiện tượng mới xuất hiện gần đây, chúng ta hãy nhìn tiếp đường thứ 3 trên đồ thị 6. Rõ ràng tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động sử dụng trong nông nghiệp (trục trái) đã liên tục giảm đi trong suốt giai đoạn cải cách từ năm 1990 đến nay. Điều này có nghĩa là mặc dù tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn liên tục tăng lên trong những năm gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng nông nghiệp đã suy giảm do tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực tăng lên không tương xứng để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp theo cơ chế tăng trưởng theo chiều rộng. Điều này cũng phản ánh năng suất lao động trong nông nghiệp cũng tăng lên không tương xứng để bù lại việc giảm tốc độ tăng trưởng nguồn lao động làm việc trong khu vực này.
Đồ thị cho cũng thấy trong giai đoạn đầu, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực cho nông nghiệp chưa ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhưng quá trình suy giảm càng kéo dài trong khi tỷ lệ sử dụng thời gian lao động và năng suất lao động tăng lên không tương xứng thì ảnh hưởng của nó càng mạnh.
[1] Tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân là 2,35%/năm giai đoạn 1991-1995, 2,13%/năm giai đoạn 1996-2000, khoảng 2,1% trong các năm 2001-2002.
No comments:
Post a Comment