Monday, August 12, 2013

Vài nguyên nhân của việc đạo văn

Vài nguyên nhân của việc đạo văn
Liên tục các chuyện… đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc và cả đạo… ý tưởng, các công trình nghiên cứu khoa học v.v… được phát hiện và phanh phui trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng internet… Khiến mọi người phải đặt ra câu hỏi: “Vì sao bây giờ có quá nhiều… “đạo sĩ” chuyên cop bài của người khác như vậy?”. Câu hỏi thật… không dễ trả lời bởi nhiều nguyên nhân…
Trước hết, người “đạo” vì mục đích lý do gì? Danh - Lợi? Tất nhiên không thể loại trừ, bên cạnh còn có lý do… tâm lý, bệnh lý nào khác? Xin nhường quyền tìm hiểu, trả lời cho các học giả, nhà khoa học, bác sĩ tâm lý. Trong phạm vi bài viết, xin được phiếm luận một vài điều mà người viết được… mắt thấy, tai nghe.

(ảnh phunutoday.vn)
Cùng với khái niệm “Bùng nổ thông tin”, “Thế giới phẳng”, dường như tất cả mọi việc xảy ra dù bí mật, cũng dễ bị phơi bày ra ánh sáng, huống hồ “xào nấu’ một tác phẩm và trình ra cho mọi người… thưởng thức, chắc chắn là không chóng thì chầy cũng bị lộ tẩy. Bởi sự kết nối “Xít lại gần hơn” của các công nghệ điện tử thông minh, hiện đại. Điều mà những “kẻ cắp” thời đại chưa lường tới?
Lúc còn công tác trong ngành giáo dục, người viết được cái vinh dự thường xuyên được mời đi chấm báo tường, đặc san của các nhà trường. Điều rất dễ dàng nhận thấy là trong bất kỳ tờ báo tường hay đặc san nào cũng có bài… “đạo”, nhẹ thì vài ba câu, nặng thì toàn bài, có khi ghi chữ “st” (sưu tầm), cũng có khi “chễm chệ” ghi cả họ tên mình dưới tác phẩm. Có nhiều đặc san, bài “đạo” gần 70%? Tìm hiểu và hỏi ra mới biết vì… sợ “chỉ tiêu thi đua” bắt buộc người nào cũng nộp bài, ai không nộp trừ thi đua học kỳ, năm… nên phải “liều mạng”, tải hoặc sao chép ở đâu đấy một bài, nộp cho yên chuyện? 


Đúng là chuyện… “điếc không sợ súng”, song khi bị phê bình nhắc nhở thì chỉ… cười trừ! Không ai trừ thi đua các trường hợp này? Học sinh, thầy giáo đều… như nhau. Không ai lên lớp “giáo dục” được ai. Không thiếu trường hợp, người đạo do không ai phát hiện vẫn nhận giải, được khen rối rít… Lòng tự trọng, liêm sĩ dường như chẳng có tác dụng gì? Phải chăng sự dễ dãi, hình thức, phong trào lặp đi lặp lại nhiều lần theo từng năm, khiến… “quen tay”, kể cả trong những luận văn tốt nghiệp!

Việc giáo dục ngày nay tuy tiến bộ, hiện đại, nhưng việc “học thuộc lòng”, việc “tầm chương trích cú” chứng minh cho các suy nghĩ, bài viết vẫn phải duy trì. Trích dẫn ý tưởng, lời nói của bất kỳ ai, qui định phải cho vào (“”) ngoặc kép, hay đổi kiểu chữ, phông chữ, không thực hiện các qui định đó, vô tình hay cố ý cũng bị người khác phê phán là “đạo văn”, song vẫn không được chú ý đúng mức, tùy hứng và… khi công bố, bị phản hồi, chỉ trích là điều không tránh khỏi.

Thầy cô giáo giảng dạy, qui định soạn bài thì cứ vô tư “sao chép” giáo án của những năm trước, chỉ cần thay đổi ngày tháng hợp lệ?

Trong cán bộ công nhân viên chức, qui định báo cáo tháng, quí, năm… rồi bản tự phê bình kiểm điểm v.v… cũng sử dụng công nghệ “xào nấu”, “copy and paste”, tức là chỉ cần thay đổi số liệu, năm tháng, là có thể “ok” sử dụng thoải mái. Nhất là với công nghệ máy vi tính, laptop như hiện nay thì càng dễ. Có những trường hợp “cười như mếu” là báo cáo mới, ngày tháng năm lại…cũ! Hay báo cáo của huyện này lại ghi tên của…huyện kia? Hoặc cả chục người bản tự kiểm điểm giống y nhau, chỉ khác họ tên, chức vụ công tác.

Đó chẳng phải là sự tùy tiện, dối trá… dẫn đến việc sao chép… vô tội vạ, nhưng lại dính vào “tội danh” đạo văn hay sao? Các trường hợp trên cũng chẳng nghe ai bị xử lý kỷ luật hay cho thôi việc gì cả, càng… ngấm ngầm thấm vào suy nghĩ “ Chậc, cứ chép đại! Chả ai biết mà sợ…” chăng?

Đấy là chuyện trong chốn “Cửa Khổng, sân Trình” và chốn “quan trường”, còn trong chốn nhân gian, chốn văn chương chữ nghĩa thì thiếu gì chuyện “cầm nhầm”, “mượn đỡ” của nhau coi như “Ở đời muôn sự của chung”. Thích hưởng thụ, “ngồi mát ăn bát vàng” không tốn tư duy, chất xám. Bởi chẳng có một luật lệ nào ràng buộc. Tất cả ì xèo, sôi động trong vài ba ngày, thậm chí là tuần, tháng rồi đâu lại vào đó, ai về nhà nấy, lo kiếm kế sinh nhai mà nuôi sống bản thân và gia đình. Hết chuyện!

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp hữu trách cần có những qui định chặt chẽ, cụ thể hóa những hành vi cho là “đạo văn” và có biện pháp răn đe, xử phạt. Chí ít cũng như việc: “Trêu ghẹo cũng bị phạt tiền… từ 100.000 đến 300.000 đồng” như báo chí gần đây đưa tin. Có như vậy mới “thức tỉnh” những người “lăm le” muốn đạo văn và chấm dứt hẳn việc “xào nấu” chẳng ai ưa này…

Trần Hoàng Vy
Nguồn tin: vanhocquenha.vn

No comments:

Post a Comment