Sunday, August 11, 2013

Những nẻo đường... bia bọt

Những nẻo đường... bia bọt
Từ những ngả đường trung tâm thành phố đến các vùng ven, từ những con đường lớn đến các con hẻm nhỏ... các cuộc nhậu bất tận cứ tiếp diễn hằng đêm, để lại phía sau những hệ lụy khôn lường. Sự khó khăn đang diễn ra của nền kinh tế hình như chẳng "chạm" được các quán nhậu.
NHẬU "TRÊN TỪNG CÂY SỐ"
Ước tính TPHCM có hơn 40.000 quán nhậu đủ các loại. Từ quán bên lề đường đến những quán sang trọng có thể chứa hàng trăm thực khách mỗi đêm, đi đâu người ta cũng thấy quán nhậu nhan nhản trước mắt.
Đầu tiên là phải nói đến “phố hải sản” Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Tri Phương, quận 5), nơi có sự náo nhiệt được xếp vào loại bậc nhất trong các khu ăn nhậu ở Sài thành. Dọc hai bên đường là những quán nhậu mọc lên san sát. Ở đây, các quán nhậu chỉ chuyên về đồ hải sản như tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến nên đoạn đường này được dân ăn nhậu phong cho một biệt danh hết sức mỹ miều - “phố hải sản”.
Có mặt tại đây vào buổi tối một ngày cuối tuần, ngay từ xa, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm của các loại hải sản nướng từ trong quán nhậu phảng phất. Khu hải sản nằm trên đoạn đường chỉ tầm trăm mét nhưng có đến hàng chục quán nhậu nằm kề nhau. Vỉa hè vừa thoáng mát vừa rộng rãi nên thu hút nhiều thực khách đến đây “lai rai” hóng gió. Không chỉ có các quý ông, quý bà đến đây cũng đông không kém. Nhiều nhân viên trong quán được giao nhiệm vụ chào khách bước hẳn xuống đường để "bắt khách" với những lời quảng cáo “mát tai” như giá cả phải chăng, đảm bảo chất lượng...

Ở khu vực trung tâm thành phố, các con hẻm là nơi sầm uất nhất về nhậu. “Phố thịt cầy” (đường Cống Quỳnh, quận 1) cũng có tiếng vang trong giới nhậu "cờ tây". TPHCM hiện nay có không dưới mười khu phố chuyên về món cầy như: khu Thị Nghè (gần cầu Thị Nghè, quận 1), khu Bạch Đằng (Tân Bình), khu thịt cầy đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), khu làng ĐH (Thủ Đức)... nhưng “Phố thịt cầy” ở Cống Quỳnh vẫn chiếm vị thế hàng đầu. Các khu phố thịt cầy thường bán cả ngày lẫn đêm, nhưng lượng khách đến đây chủ yếu là vào buổi tối, sau một ngày làm việc mệt mỏi. Theo một số dân nhậu, thịt cầy ở đây tương đối rẻ, rượu ngon nên rất đông khách. Khoảng 18 giờ trở về đêm, con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh càng thêm nhộn nhịp.

Đường Bắc Hải (quận Tân Bình) từ lâu đã nổi tiếng với những món ăn có tên gọi độc đáo, hấp dẫn khách nhậu. Dừng chân tại quán 16 vào khoảng 20 giờ, trong quán đã có hàng trăm thực khách đang say sưa ăn nhậu. Hết chỗ, chủ quán còn xếp cả bàn ghế ra vỉa hè để phục vụ. Lật danh sách các món ăn, chúng tôi ấn tượng với những món nhắm lạ lùng như: “Vũ nữ chân dài” với không dưới 5 món như “Vũ nữ chân dài nướng mọi”, “Vũ nữ chân dài nằm đợi khách”... Nghe tên thì có vẻ trừu tượng, nhưng thực chất là các món được chế biến từ... ếch. Rồi món “dê xồm” gọi là dê tái chanh, “rồng xanh vượt cạn” là rau muống xào tỏi. Một nhân viên nói: “Món ăn cũng phải có thơ ca vần điệu mới tăng thêm khẩu vị cho khách”.

Từ lâu, đường Đồng Đen, Tây Thạnh (quận Tân Bình) đã được mệnh danh là “thiên đường ăn nhậu”. Ngay từ đầu giờ chiều, các quán nhậu ở hai con đường này đã tấp nập khách; hàng chục bộ bàn ghế, chén ly được bày biện sẵn để chờ các “thượng đế”. Đảo xe qua khu vực này, những tiếng “hò dô” liên tục vang lên. Khu này với đủ các loại mồi nhắm nên thu hút khá đông khách đủ mọi lứa tuổi đến thưởng thức. Khi đã sương sương thì mỗi người mỗi kiểu, chẳng ai giống ai. Có người chân nọ xọ chân kia cầm ly đi từ bàn này tới bàn khác để mời bạn nhậu, dù chẳng ai quen ai. Có người nổi “máu văn nghệ” biểu diễn ca múa nhạc cây nhà lá vườn, hát say sưa hay dở cũng mặc. Có người ngà ngà say thì đọc thơ con cóc đủ kiểu.


Các tuyến đường khác như Đồng Nai (quận 10), Lê Trọng Tấn (quận Bình Tân), Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Hoàng Diệu 2 (quận Thủ Đức)..., nơi nào cũng mang phong cách của những khu ăn nhậu chuyên nghiệp.

NỖI ĐAU ĐỂ LẠI

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 12.052 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.163 người, bị thương 12.171 người. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu là các đối tượng điều khiển phương tiện khi trong người có rượu, bia, chạy quá tốc độ quy định...


Nhiều người chỉ vì rượu mà phải ân hận, dằn vặt. Theo lời kể của anh Trần Đức Công (21 tuổi, ngụ Gò Vấp), một lần anh cùng nhóm bạn 4 người đi nhậu ở quận Gò Vấp về. Trên đường đi, Công va quẹt với một người đàn ông. Chuyện chẳng có gì, hai bên xin lỗi nhau đàng hoàng. Nhưng một người bạn trong nhóm Công đã thấm rượu nên lớn tiếng thách thức, đòi nhóm bên kia phải bồi thường. Hai bên xảy ra cãi vã dẫn đến hỗn chiến. Người bạn của Công bị đánh trọng thương ở đầu phải đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Từ sau lần đó, anh Công đã hạn chế ăn nhậu đến mức tối đa để không phải vướng vào những chuyện đau lòng như vậy.

Nhiều tửu khách trong quán chỉ vì một câu nói khiếm nhã mà mang lòng thù hận, chờ đến khi đối phương ra về thì phục kích trả thù, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cũng không ít trường hợp chỉ vì một hiểu lầm nhỏ nhưng vì đã ngấm hơi men khiến hai bên không kiềm chế, ẩu đả “xứt đầu mẻ trán”, vào tù ra tội. Tại làng đại học, không ít cuộc đụng độ kiểu như vậy đã xảy ra. Một chủ quán nhậu cho biết: “Nhiều khi tụi sinh viên vào đây nhậu để giải quyết mâu thuẫn, giải quyết êm dịu không được lại đâm ra xử nhau bằng vũ lực. Nhiều trường hợp tụi nó chạy thẳng vào bếp lấy dao để xử nhau nhưng được can ngăn. Cũng có khi tụi nó chạy ra ngoài mua mấy cây mía, chặt làm đôi làm vũ khí. Chẳng hiểu sao sinh viên bây giờ lại manh động như vậy”.

Việc ăn nhậu thì không ai cấm, nhưng ăn nhậu như thế nào để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho bản thân, cho gia đình, bạn bè là chuyện hết sức quan trọng. Không ít trường hợp gia đình vướng cảnh tang thương vì rượu bia. Chuyện cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em do rượu bia cũng không phải hiếm. Thế nhưng những “ma men” vẫn nhậu ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Con đường từ bàn nhậu đến bệnh viện, nhà tù, thậm chí là nghĩa trang quả thật không quá xa cho những kẻ suốt ngày đắm chìm trong bia bọt.

No comments:

Post a Comment