Sunday, August 11, 2013

(15) Phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô đến năm 2010

Bài viết cũ của tôi năm 2004:
Phân tích, dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010
MỤC II: THỬ NGHIỆM DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2005-2010
Khâu thực hiện dự báo gồm ba bước cuối của quy trình mô hình hoá: Xây dựng các kịch bản phát triển; sử dụng mô hình để tính giá trị các biến nội sinh; và phân tích kết quả, lựa chọn phương án dự báo hợp lý nhất.
1) Xây dựng các kịch bản phát triển
          Trong phân tích, dự báo, người ta thường xây dựng ba loại kịch bản về khả năng phát triển tương lai của các biến ngoại sinh; gồm kịch bản nền hay kịch bản trung tâm, kịch bản bi quan và kịch bản lạc quan. Trong khâu chuẩn bị thông tin cho quá trình dự báo ở trên, chúng ta đã xác định được giá trị xu thế của tất cả các biến ngoại sinh; tập hợp chúng lại sẽ tạo thành kịch bản cơ bản hay kịch bản trung tâm để dự báo. Để xây dựng kịch bản bi quan, chúng tôi điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và giảm khả năng thực hiện một số chính sách kích cung hoặc kích cầu. Tương tự, kịch bản lạc quan được xây dựng trên cơ sở môi trường kinh tế quốc tế thuận lợi hơn và chính sách kích cung hoặc cầu được thực hiện theo đúng kế hoạch với hiệu quả cao hơn. Những kịch bản này sẽ được đưa vào làm đầu vào dự báo.

          Trong khuôn khổ báo cáo đề tài, dưới đây xin trình bày 3 phương án dự báo cơ bản: Phương án cơ sở, phương án lạc quan và phương án dự báo bi quan.
          2) Dự báo khả năng phát triển trung hạn cơ bản:
          Bốn bảng số trang sau trình bày kết quả dự báo khả năng phát triển dễ xảy ra nhất cho nền kinh tế nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2010.
          2.1) Về khả năng phát triển năm 2005:
Theo dự báo này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2005 là 7,5%, tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2004 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dự kiến trong kế hoạch 2005 đã được Quốc hội thông qua là 8,5%. Việc tốc độ tăng trưởng GDP năm 2005 của ta chỉ tương đương hoặc giảm nhẹ so với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2004 (7,6%) là phù hợp với dự báo chung của các nền kinh tế trên thế giới. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra do kinh tế thế giới giảm sút sẽ ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng của nền kinh tế nước ta, đồng thời do những khó khăn tích tụ từ lâu trong nền kinh tế chậm được giải quyết sẽ tiếp tục hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
          Tương tự, với những số liệu trong bảng, có thể xác định tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ), xác định nhu cầu tín dụng và nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế cũng như cho khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Theo tính toán từ mô hình, tốc độ tăng trưởng năm 2005 của khu vực nông nghiệp đạt 3,9%, của khu vực công nghiệp đạt 9,6%, của khu vực dịch vụ đạt 7,2%. Như vậy, so với năm 2004, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp tăng lên, và của khu vực dịch vụ ổn định, nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp giảm xuống. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2005 đạt 250 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2004.
Về ngân sách, tổng thu ngân sách dự báo theo mô hình sẽ đạt 190,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2004, trong đó thu nội địa đạt 107 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%, thu từ thuế xuất nhập khẩu đạt 41,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18%, thu từ dầu mỏ đạt 39,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9%. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đạt 23%.
Tổng chi ngân sách theo dự báo của mô hình sẽ đạt 236,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với ước thực hiện năm 2004, trong đó chi thường xuyên đạt 123,3 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4%, chi đầu tư phát triển đạt 67,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%. Tỷ lệ chi ngân sách trên GDP đạt 28,5%.
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách theo mô hình là 5,45% GDP trong khi theo cách tính của Bộ Tài chính là 4,9%.
Về giá cả, tỷ lệ lạm phát trong năm 2005 sẽ tiếp tục trong tầm kiểm soát, dự kiến khoảng 7,5%. Nguyên nhân chính là tốc độ tăng trưởng GDP giảm nhẹ, đồng tốc độ tăng trưởng tiền tệ chậm (khoảng 20%), lãi suất thấp và tỷ giá không có biến động lớn. Như vậy, đến hết năm 2005, có thể nói nền kinh tế sẽ hoàn toàn ra khỏi tình trạng thiểu phát kéo dài trong những năm tăng trưởng thấp 1999-2002.
Hoạt động ngoại thương tiếp tục phát triển. Dự báo xuất khẩu năm 2005 sẽ đạt khoảng 30,2 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2004, trong đó xuất khẩu hàng nông sản đạt khoảng 7,6 tỷ USD, xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt khoảng 9,7 tỷ USD, xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp khoảng 13 tỷ USD.
Nhập khẩu năm 2005 dự báo qua mô hình sẽ đạt 33,6 tỷ USD, tăng  13,3% so với năm 2004. Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, thâm hụt ngoại thương sẽ giảm từ khoảng 4,1 tỷ USD năm 2004 xuống còn 3,4 tỷ USD năm 2005. Tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP sẽ giảm từ 9,1% xuống còn 6,6%.
Như vậy, nhìn chung phương án dự báo năm 2005 cho thấy tình hình kinh tế năm 2005 tương đối khả quan vì hầu hết các chỉ tiêu đều trong giới hạn chấp nhận được hoặc an toàn mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra và có thể sẽ thấp hơn một chút so với năm 2004.
          2.2) Về khả năng phát triển từ năm 2006 đến năm 2010 theo phương án cơ bản:
Do tính chất phát triển theo tiềm năng của các nền kinh tế trong giai đoạn trung hạn, trong các báo cáo kinh tế, thông thường người ta không nêu dự báo cụ thể cho từng năm mà chỉ nêu dự báo trung bình cho cả 5 năm và dự báo cho năm cuối. Do vậy, dưới đây, xin trình bày kết quả dự báo khả năng phát triển cơ bản của nền kinh tế nước ta từ năm 2006 đến năm 2010 theo cách làm phổ biến trên.
a) Về dân số và lao động:
Kết quả tính toán từ mô hình cho thấy trong kế hoạch 5 năm tới, dân số nước ta sẽ tăng trưởng với tốc độ 1,23%/năm; đến năm 2010 quy mô dân số sẽ đạt 88,3 triệu người.
Do tốc độ tăng trưởng dân số những năm 80 của thế kỷ trước còn khá cao nên số người đến tuổi lao động trong kế hoạch 5 năm tới cũng khá lớn. Nguồn cung lao động dự báo sẽ tăng khoảng 2,08%/năm. Đến năm 2010, nước ta sẽ có 55,6 triệu người trong độ tuổi lao động.
Nhờ các chính sách tạo việc làm của Chính phủ và sự phát triển khá nhanh của nền kinh tế trong 5 năm tới, tốc độ thu hút lao động vào làm việc trong nền kinh tế sẽ tăng nhanh, dự báo khoảng 3,75%/năm, trong đó lao động trong khu vực dịch vụ tăng nhanh nhất, khoảng 8,7%/năm, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp, khoảng 4,7%, cuối cùng là lao động trong khu vực nông nghiệp, khoảng 1,25%. Đến năm 2010, lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 53,4% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế (năm 2005 là 60,3%), lao động công nghiệp chiếm 16,6% (năm 2005 là 15,9%), lao động dịch vụ chiếm 30% (năm 2005 là 23,8%).
Nhờ thu hút được nhiều lao động vào làm việc trong nền kinh tế, số người trong độ tuổi lao động nhưng chưa giải quyết được việc làm đã giảm từ 6,03 triệu người năm 2005 xuống còn 2,6 triệu người năm 2010. Tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động nhưng chưa giải quyết được việc làm trên tổng số người trong độ tuổi lao động tương ứng giảm từ 13% xuống còn 4,6%. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tăng khá nhanh đồng thời tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực chậm lại, số người và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm đều giảm khá mạnh.
b) Về sản xuất và đầu tư:
Theo dự báo rút ra từ mô hình, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2006-2010 trung bình khoảng 8-8,1%/năm, tức là tương đương với tốc độ tăng trưởng ở mức cao dự kiến trong khung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo trình Chính phủ (7,5-8%), đồng thời cao hơn đáng kể so với kết quả thực hiện trong kế hoạch 5 năm 2001-2005 (7,4-7,5%). Việc tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm tới tăng khá so với tốc độ tăng trưởng GDP của 5 năm trước là phù hợp với dự báo chung của các nền kinh tế trên thế giới và phù hợp với giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, giai đoạn đẩy mạnh hơn nữa tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh có nhiều thuận lợi mới do hội nhập quốc tế đem lại.
Kết quả dự báo cơ bản cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm nhưng tốc độ tăng không quá nhanh, năm 2006 là 7,7%, năm 2007 là 7,8%, năm 2008 là 8,05%, năm 2009 là 8,3% và năm 2010 là 8,5%; đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng GDP vẫn chưa lên đến mức cao nhất đã đạt  được trong những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Mặt khác, khác với những giai đoạn trước trong đó tốc độ tăng trưởng GDP thường không ổn định (tăng lên quá nhanh hoặc giảm xuống quá nhanh), tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm tới sẽ tương đối ổn định, phù hợp với dự báo xu thế chung của thế giới và phù hợp với tình hình đã diễn ra trong nền kinh tế nước ta 5 năm 2001-2005 (khi đó tốc độ tăng trưởng GDP cũng liên tục tăng lên, nhưng chỉ tăng từ từ).
          Về tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ), dự báo qua mô hình cho thấy tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới của khu vực nông nghiệp trung bình đạt 3,8%/năm, của khu vực công nghiệp đạt 10,4%, của khu vực dịch vụ đạt 7,6%. Như vậy tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong 5 năm tới theo phương án cơ bản sẽ dựa chủ yếu vào phát triển khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ trong khi khu vực nông nghiệp sẽ tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt, đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng chung toàn nền kinh tế sẽ tăng mạnh trong kế hoạch 5 năm tới vì so với thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005, đây là ngành duy nhất có tốc độ tăng trưởng tăng, đồng thời mức độ tăng cũng khá lớn, từ 6,9%/năm lên 7,6%/năm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2006-2010 dự báo đạt 2400 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7%/ năm. Đáng chú ý là trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước sẽ tăng trưởng chậm lại, trong khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng lên rất nhanh.
c) Về ngân sách chính phủ
Tổng thu ngân sách trong 5 năm 2006-2010 dự báo theo mô hình sẽ đạt 1697 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1%/năm, trong đó thu nội địa đạt 1087 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6%/năm, thu từ thuế xuất nhập khẩu đạt 295 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%/năm, thu từ dầu mỏ đạt 305 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đạt 20,8%.
Tổng chi ngân sách trong 5 năm 2006-2010 theo dự báo của mô hình sẽ đạt 2142 nghìn tỷ đồng, tăng 21,9%/năm, trong đó chi thường xuyên đạt 1048 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5%/năm, chi đầu tư phát triển đạt 714 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7%. Tỷ lệ chi ngân sách trên GDP đạt 26,3%.
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách theo mô hình là 5,45% GDP trong khi theo cách tính của Bộ Tài chính là 4,9%.
d) Về tiền tệ, giá cả
Về giá cả, tỷ lệ lạm phát trong  5 năm 2006-2010 sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên đã hình thành trong những năm gần đây. Nếu như theo dự báo của mô hình, tỷ lệ lạm phát năm 2005 chỉ là 7,5% thì dự báo năm 2006 sẽ tăng lên 8,5%, năm 2007 lên 9,7%, năm 2008 lên 11%, năm 2009 lên 12,2% và năm 2010 lên 13,5%. Tính chung, tỷ lệ lạm phát trung bình 5 năm 2006-2010 đạt xấp xỉ 11%/năm.
Như vậy, tỷ lệ lạm phát trong kế hoạch 5 năm tới có thể sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, nhất là trong các năm từ 2008 trở đi. Nguyên nhân chính là do quán tính gia tăng tỷ lệ lạm phát đã hình thành trong những năm gần đây; ngoài ra còn do tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên khá mạnh, kéo theo tốc độ tăng trưởng tiền tệ tăng lên khá cao so với trình độ phát triển và trình độ tiền tệ hoá của nền kinh tế trong 5 năm tới. Dự báo tốc độ tăng trưởng tiền tệ sẽ tăng dần từ khoảng 20% năm 2005 lên khoảng 24% năm 2010; đây là những tốc độ tăng trưởng tiền tệ rất cao so với thế giới và không phù hợp với nước ta trong 5 năm tới. Về lý thuyết, nếu tốc độ tăng trưởng tiền tệ đạt khoảng 23%/năm trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ 8%/năm thì tỷ lệ lạm phát sẽ khoảng 14%/năm; nếu tính đến lượng tiền phụ thêm để tiếp tục tiền tệ hoá nền kinh tế nước ta trong những năm tới thì tốc độ tăng trưởng tiền tệ nêu trên hoàn toàn phù hợp với dự báo tỷ lệ lạm phát 12,6%/năm dự báo ở trên.
Dự báo đến năm 2010 cho thấy nền kinh tế không những sẽ hoàn toàn ra khỏi tình trạng thiểu phát kéo dài trong nhiều năm trước đây mà còn có thể tăng trưởng nóng, kéo theo tăng tỷ lệ lạm phát. Mặt khác, nếu chính sách tiền tệ không thận trọng, hoàn chạy theo nhu cầu tín dụng và đầu tư của nền kinh tế mà không chú ý đến nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thì tốc độ tăng trưởng tiền tệ sẽ vẫn rất cao, kéo theo sự tăng nhanh của tỷ lệ lạm phát.
e) Về hoạt động ngoại thương
Hoạt động ngoại thương trong 5 năm tới tiếp tục phát triển mạnh. Dự báo xuất khẩu năm 2010 sẽ đạt xấp xỉ 58 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm sẽ đạt 232 tỷ USD, tăng xấp xỉ 14%/năm, trong đó xuất khẩu hàng nông sản đạt khoảng 52,8 tỷ USD, tăng 11,3%/năm, xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt khoảng 79,6 tỷ USD, tăng 17%/năm, xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp khoảng 100 tỷ USD, tăng 13%/năm.
Nhập khẩu năm 2010 dự báo qua mô hình sẽ đạt xấp xỉ 77 tỷ USD. Tính chung 5 năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 283 tỷ USD, tăng 18%/năm. Nguyên nhân của nhập khẩu tăng cao là đồng tiền tiếp tục bị đánh giá cao trong khi tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đều tăng khá. Do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, thâm hụt ngoại thương sẽ tăng mạnh từ khoảng 3,4 tỷ USD năm 2005 lên 3,9 tỷ USD năm 2006, 5,2 tỷ USD năm 2007, 7,7 tỷ USD năm 2008, tiếp đến tăng vọt tới 12 tỷ USD năm 2009 và gần 19 tỷ USD năm 2010. Tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP tương ứng cũng tăng từ 6,6% năm 2005 (tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP thực tế là 11%) lên 13% năm 2010. Tuy vậy, tỷ lệ này vẫn chưa phải là cao so với một số năm trước đây.
Như vậy, cũng như đối với lạm phát, những vấn đề phát sinh cần tập trung xử lý chủ yếu sẽ xảy ra vào cuối kỳ kế hoạch 5 năm, tức là khi các phi cân bằng trong nền kinh tế phát triển lên tới mức giới hạn, tạo ra những biến động lớn để cơ cấu tự phát lại nền kinh tế.
Tóm lại, nhìn chung phương án dự báo cơ bản các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giai đoạn 2006-2010 cho thấy tình hình phát triển kinh tế 5 năm tới sẽ khá khả quan vì hầu hết các chỉ tiêu đều trong giới hạn chấp nhận được hoặc an toàn, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao... Tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề kiểm soát tỷ giá và cán cân ngoại thương vì nếu không, tình hình vào những năm cuối kỳ kế hoạch có thể xấu đi rất nhanh.
          3) Phương án dự báo phát triển trung hạn lạc quan:
3.1) Các giả định cơ bản của phương án dự báo lạc quan:
Phương án dự báo lạc quan được xây dựng dựa trên những mặt thuận đặc biệt có thể diễn ra trong và ngòai nước trong kế hoạch 5 năm tới. Cụ thể một số thay đổi chính so với phương án dự báo cơ bản là:
a) Về môi trường phát triển thuận lợi hơn:
Môi trường phát triển khách quan gồm cả các nhân tố trong nước lẫn các nhân tố mang tính quốc tế. Đối với môi trường khách quan ngòai nước, trong phương án dự báo lạc quan cho giai đoạn 2006-2010, dự kiến sẽ có một số thay đổi như sau so với phương án dự báo cơ bản:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của các đối tác kinh tế, thương mại của nước ta tăng thêm 1%. Trong phương án dự báo cơ bản, chúng ta đã sử dụng số liệu dự báo của các Tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đối tác chủ yếu; tính trung bình theo trọng số là tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa nước ta sang các nước đối tác chính, thì thu được tốc độ tăng trưởng của nhóm tất cả các nước đối tác chính là 3,76%/năm, thấp đáng kể so với mức 5,13% năm 2004. Để dự báo phương án lạc quan, chúng tôi giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước đối tác chính đều tăng thêm 1%, tính ra tốc độ tăng trưởng của nhóm tất cả các nước đối tác chính là 4,76%/năm, cao hơn kết quả đạt được trong giai đoạn 2001-2005 nhưng vẫn thấp so với mức 5,13% vào năm 2004.
- Giá nhập khẩu hàng hóa tính theo ngoại tệ tăng chậm như trong phương án dự báo cơ bản; tốc độ tăng giá hàng nhập là 1,8%/năm. Ngược lại, giá xuất khẩu hàng hóa tính theo ngoại tệ tăng nhanh gấp đôi so với giả định trong phương án dự báo cơ bản, tức là tăng từ 2% lên 4%/năm. Điều này đã từng diễn ra liên tiếp trong 3 năm 2002-2004, khi đó vào năm 2002, giá xuất tăng 0,7% nhưng giá nhập giảm 0,1%; năm 2003, giá xuất tăng 9,3% nhưng giá nhập chỉ tăng 3,4%; năm 2004, giá xuất tăng khoảng 10% nhưng giá nhập chỉ tăng 8%...
b) Về các chính sách kinh tế:
- Lãi suất huy động tăng thêm 3%/năm: Trong phương án dự báo cơ bản, lãi suất huy động ngắn hạn (kỳ hạn 3 tháng) là 7%/năm, trong phương án cao, để phù hợp với tốc độ tăng trưởng tăng mạnh và tỷ lệ lạm phát khá cao (nền kinh tế tương đối nóng), giả định chính phủ sẽ điều hành hoạt động của các ngân hàng quốc doanh và chính sách tiền tệ để nâng lãi suất huy động tăng thêm 3%/năm nhằm tăng thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế, như vậy, trong phương án cao, lãi suất huy động ngắn hạn sẽ là 10%/năm.
- Lãi suất cho vay tăng thêm 2%/năm: Trong phương án dự báo cơ bản, lãi suất cho vay ngắn hạn (kỳ hạn 3 tháng) là 9,5%/năm; tuy nhiên chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tới 2,5% theo đánh giá của nhiều chuyên gia là khá cao, tạo ra lợi nhuận rất lớn cho hệ thống ngân hàng. Do đó, trong phương án cao, để phù hợp với việc lãi suất huy động tăng lên, để nâng cao chất lượng tín dụng, giảm chi phí ngân hàng và phù hợp với xu thế chung trên thế giới là các ngân hàng giảm dần lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, tăng lợi nhuận từ các loại dịch vụ khác, chúng tôi giả định chính phủ sẽ điều hành hoạt động của các ngân hàng quốc doanh và chính sách tiền tệ để chỉ nâng lãi suất cho vay lên thêm 2%/năm nhằm giảm mức tăng chi phí từ vay vốn ngân hàng, kích thích đầu tư của nền kinh tế. Như vậy, trong phương án cao, lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ là 11,5%/năm.
- Tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực tư nhân (gồm cả cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) tăng nhanh: Trong phương án dự báo cơ bản, tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực tư nhân tăng dần từ 64,5% năm 2005 lên 73% năm 2010, trong khi , tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực nhà nước giảm dần từ 35,5% năm 2005 xuống 27% năm 2010.
Phương án cao giả định tốc độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng lên rất nhanh; các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh cũng sẽ phát triển rất mạnh phù hợp với cơ chế thị trường ngày càng áp đảo và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh. Khi đó, tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực tư nhân tăng lên khá nhanh, đến năm 2010 sẽ đạt 83%; ngược lại, tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực kinh tế nhà nước sẽ chỉ còn khoảng 17%.
- Tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp tăng lên mạnh hơn trong khi tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp giảm mạnh hơn.
Trong phương án dự báo cơ bản, tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp giảm rất chậm theo xu thế, từ 8,86% năm 2004 xuống còn 7,94% năm 2010, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp tăng lên rất chậm, từ 41% năm 2004 lên 44,8% năm 2010. Tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực dịch vụ tăng lên tương đối khá, từ 23,1% năm 2004 lên 32,7% năm 2010, làm cho tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ phát triển mạnh hơn hẳn so với các kế hoạch 5 năm trước.
Do vậy, để phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong kế hoạch 5 năm 2006-2010, dự kiến trong phương án tăng trưởng cao, tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp sẽ giảm nhanh hơn, đến năm 2010 chỉ còn 6%. Toàn bộ số vốn giảm của nông nghiệp sẽ được chuyển sang đầu tư cho công nghiệp; do vậy, tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp tăng lên rất nhanh, đến năm 2010 sẽ đạt 6%.
- Tiêu dùng chính phủ tăng nhanh hơn, khoảng 10%/năm:
Trong phương án dự báo cơ bản, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chính phủ chỉ còn 6%/năm, tương đương với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng những năm gần đây. Tuy nhiên, trong phương án tăng trưởng cao, để phù hợp với chính sách tiếp tục nới lỏng tài chính và kích cầu tiêu dùng, chi tiêu dùng của chính phủ sẽ tăng mạnh hơn so với dự kiến trên và tương đương với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng những năm tăng trưởng cao 1991-1997, tức là khoảng 10%/năm.
- Tốc độ phá giá tỷ giá đồng VN / USD nhanh hơn
Trong phương án dự báo cơ bản, dự kiến tốc độ phá giá tỷ giá VND / USD khoảng 2%/năm. Trong phương án dự báo này, chúng tôi giả định tốc độ điều chỉnh tỷ giá sẽ nhanh hơn, khoảng 4%/năm; đây là mức cao vào loại nhất kể từ 10 năm qua.
- Chất lượng tăng trưởng sẽ cao hơn so với với giai đoạn vừa qua:
Phương án dự báo cơ bản được xây dựng dựa trên các quan hệ kinh tế trong quá khứ có bổ sung một số chính sách, môi trường đầu tư và kinh doanh tương đối tích cực. Tuy nhiên, về bản chất, phương án này vẫn chưa tính đến khả năng nâng cao rõ rệt hiệu quả sử dụng các nguồn đầu vào, cụ thể là nguồn vốn, lao động và một số nhân tố khác, trong đó chủ yếu là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và tài sản cố định hiện có. Để chạy phương án dự báo cao, chung tôi giả định một số hệ số trong mô hình thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực này thêm khoảng 10% so với phương án dự báo cơ bản.
- Một số biến ngoại sinh khác: Ngoài những thay đổi như trên, hầu như không có thay đổi lớn nào đối với các biến ngoại sinh khác; ví dụ như tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP, chi ngân sách trả nợ chính phủ... đều ổn định như trong phương án dự báo cơ bản.

No comments:

Post a Comment