Bài viết cũ của tôi năm 2004:
Phân tích, dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010
3.2) Kết quả dự báo theo phương án dự báo lạc quan cho giai đoạn 2006-2010:
Kết quả dự báo từ mô hình được thể hiện trong bảng ở trang sau. Một số điểm chính của kết quả dự báo là tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm 2006-2010 trung bình khoảng 9,2%/năm, tức là cao hơn đáng kể so với kết quả dự báo trong phương án cơ bản. Kết quả dự báo cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm, năm 2005 là 8,6%, năm 2006 là 8,7%, năm 2007 là 8,9%, năm 2008 là 9,2%, năm 2009 là 9,5% và năm 2010 là 9,75%. Đến năm 2009-2010 tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt được mức cao nhất đã đạt được trong những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước (9,5%).
Về tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế, dự báo qua mô hình cho thấy tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới của khu vực nông nghiệp trung bình đạt 4,3%/năm, của khu vực công nghiệp đạt 12,3%, của khu vực dịch vụ đạt 8%. Như vậy so với phương án cơ bản, trong phương án này, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong 5 năm tới sẽ dựa chủ yếu vào đẩy nhanh sự phát triển khu vực công nghiệp trong khi khu vực dịch vụ và khu vực nông nghiệp đều sẽ tăng trưởng cao hơn, song không quá mạnh. Đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng chung toàn nền kinh tế sẽ ngày càng cao trong nền kinh tế.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2006-2010 dự báo đạt 2659 nghìn tỷ đồng, tăng 24,3%/ năm. Đáng chú ý là trong phương án này, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước sẽ tăng trưởng chậm lại so với phương án cơ bản, trong khi các nguồn vốn khác sẽ tăng nhanh hơn.
Tổng thu ngân sách trong 5 năm 2006-2010 dự báo theo mô hình sẽ đạt 1738 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đạt 20,7%. Tổng chi ngân sách trong 5 năm 2006-2010 theo dự báo của mô hình sẽ đạt 2196 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7%/năm. Tỷ lệ chi ngân sách trên GDP đạt 26,1%. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách theo mô hình là 5,45% GDP trong khi theo cách tính của Bộ Tài chính là 4,9%.
Về giá cả, theo phương án cao, tỷ lệ lạm phát trong 5 năm 2006-2010 sẽ tăng lên so với phương án cơ bản. Tỷ lệ lạm phát năm 2005 là 7,5%, dự báo năm 2006 sẽ tăng lên 8,3%, năm 2007 lên 11%, năm 2008 lên 12,6%, năm 2009 lên 14% và năm 2010 lên 15,5%. Tính chung, tỷ lệ lạm phát trung bình 5 năm 2006-2010 đạt 12,4% trong khi dự báo theo phương án cơ bản là 11%.
Hoạt động ngoại thương trong 5 năm tới tiếp tục phát triển mạnh. Dự báo xuất khẩu năm 2010 sẽ đạt xấp xỉ 76,8 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm sẽ đạt 281 tỷ USD, tăng 19,8%/năm. Nhập khẩu năm 2010 dự báo qua mô hình sẽ đạt xấp xỉ 89,7 tỷ USD. Tính chung 5 năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 314 tỷ USD, tăng 21,7%/năm.
Do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, thâm hụt ngoại thương sẽ tăng mạnh từ khoảng 3,4 tỷ USD năm 2005 lên 12,9 tỷ USD năm 2010. Tuy nhiên, do GDP tăng trưởng mạnh nên tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP sẽ giảm từ 6,3% năm 2005 xuống còn 4,9% năm 2007, sau đó sẽ tăng dần lên tới 8,9% năm 2010. Như vậy trong phương án tăng trưởng cao, tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP vẫn nằm trong tầm chấp nhận được.
Tóm lại, nhìn chung phương án dự báo lạc quan về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giai đoạn 2006-2010 cho thấy tình hình phát triển kinh tế 5 năm tới sẽ rất khả quan vì hầu hết các chỉ tiêu đều trong giới hạn chấp nhận được hoặc an toàn, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao... Tuy nhiên, tương tự như trong phương án dự báo cơ bản, cần lưu ý vấn đề kiểm soát tỷ giá và cán cân ngoại thương vì nếu không, tình hình vào những năm cuối kỳ kế hoạch có thể xấu đi rất nhanh.
4) Phương án dự báo phát triển trung hạn bi quan:
Phương án dự báo bi quan được xây dựng ngược với phương án lạc quan nêu trên. Theo phương án này, thay vì các chỉ tiêu đầu vào tích cực hơn so với phương án dự báo cơ bản như đã thực hiện ở trên, chúng tôi giả định các chỉ tiêu này sẽ ở mức bất lợi hơn đối với tăng trưởng so với phương án dự báo cơ bản. Đặc biệt, trong phương án này, giả định chính phủ sẽ giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP xuống còn 4% để phòng ngừa nguy cơ lạm phát. Khi đó, kết quả dự báo một số chỉ tiêu chính như sau:
Tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm 2006-2010 trung bình khoảng 7,4%/năm, tức là chỉ ngangvới kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 và thấp hơn đáng kể so với kết quả dự báo trong phương án cơ bản. Kết quả dự báo cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm, năm 2006 là 7%, năm 2007 là 7,2%, năm 2008 là 7,4%, năm 2009 là 7,6% và năm 2010 là 7,8%.
Về tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế, dự báo qua mô hình cho thấy tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới của khu vực nông nghiệp trung bình đạt 3,6%/năm, của khu vực công nghiệp đạt 9,5%, của khu vực dịch vụ đạt 7%. Như vậy so với phương án cơ bản, trong phương án này, tăng trưởng trong 5 năm tới của khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ sẽ chậm lại đáng kể trong khi khu vực nông nghiệp chỉ giảm tốc độ tăng trưởng ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng chung toàn nền kinh tế cũng sẽ ngày càng cao trong nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2006-2010 dự báo đạt 2180 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3%/ năm.
Tổng thu ngân sách trong 5 năm 2006-2010 dự báo theo mô hình sẽ đạt 1496 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP trung bình đạt 21,4%. Tổng chi ngân sách trong 5 năm 2006-2010 theo dự báo của mô hình sẽ đạt 1814 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7%/năm. Tỷ lệ chi ngân sách trên GDP trung bình đạt 26%. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách theo mô hình là 4,55% GDP trong khi theo cách tính của Bộ Tài chính là 4%.
Về giá cả, theo phương án tăng trưởng thấp này, tỷ lệ lạm phát trong 5 năm 2006-2010 sẽ giảm so với phương án cơ bản do tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tiền tệ đều chậm hơn. Tỷ lệ lạm phát năm 2005 là 6,5%, dự báo năm 2006 sẽ tăng lên 7,1%, năm 2007 lên 8%, năm 2008 lên 9%, năm 2009 lên 10,1% và năm 2010 lên 11,2%. Tính chung, tỷ lệ lạm phát trung bình 5 năm 2006-2010 đạt 9% trong khi dự báo theo phương án cơ bản là 11%.
Hoạt động ngoại thương trong 5 năm tới tiếp tục phát triển. Dự báo xuất khẩu năm 2010 sẽ đạt xấp xỉ 60 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm sẽ đạt 234 tỷ USD, tăng 14,9%/năm. Nhập khẩu năm 2010 dự báo qua mô hình sẽ đạt xấp xỉ 72,2 tỷ USD. Tính chung 5 năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 270 tỷ USD, tăng 16,8%/năm.
Như vậy, theo phương án này, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn so với phương án cơ bản; ngược lại kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng giá trong phương án này thấp dẫn đến chênh lệch giá tương đối giữa giá hàng xuất và giá hàng nhập thay đổi có lợi cho xuất khẩu. Do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, thâm hụt ngoại thương sẽ tăng mạnh từ khoảng 3,5 tỷ USD năm 2005 lên 10,3 tỷ USD năm 2010. Tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP sẽ tăng từ 6,6% năm 2005 lên 11,2% năm 2010. Như vậy trong phương án tăng trưởng này, tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP vẫn nằm trong tầm chấp nhận được.
Như vậy, nhìn chung phương án dự báo thấp cho giai đoạn 5 năm 2006-2010 cho thấy tình hình kinh tế trong kế hoạch 5 năm vẫn tương đối khả quan vì hầu hết các chỉ tiêu đều trong giới hạn chấp nhận được hoặc an toàn mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ không đạt các mục tiêu cao hơn do Quốc hội đề ra trong kế hoạch 5 năm tới.
KẾT LUẬN CHUNG VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG
MÔ HÌNH VMEM-2004 VÀ MỘT SỐ NHẬN XÉT
TRÊN CƠ SỞ CÁC DỰ BÁO RÚT RA TỪ MÔ HÌNH
Mô hình hoá kinh tế lượng là một trong những ngành khoa học còn rất mới mẻ ở nước ta trong khi nó được coi là một công cụ không thể thiếu được trong hoạch định chính sách kinh tế và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở phần lớn các nước trên thế giới. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cần được triển khai thực hiện ngay là xây dựng các dự báo tăng trưởng và phát triển trung hạn của nền kinh tế từ này đến năm 2010. Để thực hiện được mục tiêu này, nếu không sử dụng công cụ mô hình hoá thì rất khó tạo ra được các dự báo cân đối và khớp nhau. Nhận thức được nhu cầu này, gần đây, nhiều cơ quan quản lý kinh tế nước ta đã bắt đầu đặt vấn đề nghiên cứu thử nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế lượng trung hạn để phục vụ nhiệm vụ phân tích, dự báo đến năm 2010 của các cơ quan đó .
Đề tài "Dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010 bằng mô hình kinh tế lượng" được thực hiện tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thiết thực thực hiện chủ trương tăng cường sử dụng các công cụ hiện đại, trong đó có công cụ toán kinh tế và mô hình hoá, vào xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã đi từ phân tích những mối quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của nền kinh tế trong chương 1 tới phác thảo và thử nghiệm xây dựng một mô hình kinh tế lượng quy mô nhỏ nhỏ với chuỗi số liệu năm trong chương 2; cuối cùng chúng tôi đã sử dụng mô hình xây dựng được để thực hiện 3 phương án dự báo cơ bản trong chương 3.
Qua quá trình xây dựng và sử dụng mô hình trong phân tích kinh tế và dự báo ngắn hạn, chúng tôi đã rút ra một số nhận xét sau:
Các phân tích trong chương 1 đã chỉ ra rằng quá trình tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế nước ta trong gần 20 năm qua đã diễn ra qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, nguồn gốc chính của những thành tựu kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh là tăng trưởng đầu tư, trong đó đầu tư vừa đóng vai trò nhân tố cung, vừa đóng vai trò nhân tố cầu. Trong giai đoạn 2, đặc biệt là trong những năm gần đây, những nhân tố cầu như tiêu dùng và xuất khẩu cũng đóng vai trò khá quan trọng, trong đó nổi bật là vai trò của những nhân tố cầu đã tăng lên rất mạnh.
Tuy nhiên, nhìn về trung hạn, các nhân tố cung vẫn đóng vai trò quyết định, do đó căn cứ vào đặc điểm trên, để xây dựng các mô hình dự báo trung hạn cho nền kinh tế nước ta phục vụ việc phân tích, dự báo các khả năng tăng trưởng kinh tế đến năm 2010, cần phải đi theo tiếp cận của mô hình cung, trong đó có bổ sung một số nhân tố cầu. Loại mô hình này cũng đã và đang được xây dựng tại nhiều nước đang phát triển do đặc điểm của các nền kinh tế đo là các nhân tố cung và cầu tác động xen kẽ nhau; các mô hình này thường được gọi là mô hình hỗn hợp nửa cung nửa cầu. Mô hình ở đây cũng là một dạng của mô hình nửa cung nửa cầu nhưng vai trò của nhân tố cung quan trọng hơn.
Những lập luận lô gíc trong chương 1 cũng cho thấy tiến triển của khu vực thực (khu vực sản xuất, đầu tư) có quan hệ mật thiết với tiến triển của khu vực tài chính, tiền tệ: Tiến triển của lãi suất thực có ảnh hưởng lớn tới đầu tư trong khi những thay đổi của tổng cung tiền tệ có ảnh hưởng mạnh tới tỷ lệ lạm phát và qua đó tác động tới môi trường đầu tư và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế không mạnh vì tăng trưởng tiền tệ thường bị động và tăng trưởng tín dụng không thực sự đi đôi với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại với chính sách tiền tệ, chính sách tài chính đã tỏ ra có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì một mặt, chính phủ đã không dùng biện pháp phát hành tiền tệ để bù đắp thâm hụt ngân sách; mặt khác, đã tích cực sử dụng công cụ phát hành trái phiếu, tín phiếu (trước đây hầu như không làm) để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vào mục tiêu tăng trưởng. Thực tế, giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách và tăng tỷ lệ chi ngân sách đều có tác dụng tích cực làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù quá trình này có thể trễ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, mặc dù những biến động của tỷ giá tuy ảnh hưởng không lớn tới tỷ lệ lạm phát nhưng chúng có ảnh hưởng rất quan trọng tới hoạt động xuất nhập khẩu và điều chỉnh cán cân thanh toán quốc tế.
Quá trình xây dựng mô hình kinh tế lượng trong chương 2 cho thấy hầu hết các quan hệ kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế nước ta đều phù hợp với lập luận trong các lý thuyết kinh tế thị trường và phù hợp với những phân tích thực hiện trong chương 1. Điều này chứng tỏ về mặt trung hạn, nền kinh tế thị trường ở nước ta, dù còn nhiều méo mó và chưa hoàn chỉnh, nhưng cũng đã thực sự vận hành trên cơ sở những quy luật khách quan chung của cơ chế kinh tế thị trường như ở các nền kinh tế thị trường khác.
Lô gíc cơ bản của mô hình cũng tương tự như những phân tích trong chương 1. Dân số nước ta tiếp tục tăng trưởng theo xu thế với tốc độ tăng trưởng giảm dần. Tốc độ tăng trưởng nguồn cung lao động tiếp tục được duy trì ở mức cao do tác động của bùng nổ dân số giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Thu hút lao động vào các ngành và toàn nền kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế (khả năng tăng trưởng kinh tế) nhưng cũng tác động trở lại tăng trưởng kinh tế.
Trong khối thực, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng phụ thuộc vào lãi suất huy động và xu thế đã hình thành trong quá khứ nhưng nhân tố xu thế có vai trò quyết định; ảnh hưởng của lãi suất không lớn. Nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế phụ thuộc vào khả năng huy động vốn của hệ thống ngân hàng và tích luỹ trước đây của nền kinh tế, trong đó chỉ tiêu cuối cùng này được đại diện bằng tổng sản phẩm trong nước năm trước. Đầu tư của khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân phụ thuộc vào nguồn tín dụng, lãi suất, chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư, quy mô nền kinh tế và xu thế đã hình thành trong quá khứ.
Tăng trưởng của các khu vực kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hai nhân tố là tổng số lao động và tổng tích luỹ tài sản cố định, trong đó tổng tích luỹ tài sản cố định được đại diện bằng tổng vốn đầu tư cộng dồn từ năm 1990 đến năm tính toán. Ngoài ra, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp còn phụ thuộc vào xu thế quá khứ, phản ánh sức ỳ của sản xuất nông nghiệp; tăng trưởng của khu vực công nghiệp còn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất...
Về tiêu dùng, trong khi tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh, phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chính sách của chính phủ thì tiêu dùng tư nhân phụ thuộc vào thu nhập của năm trước (GDP trừ đi thuế) và vào xu hướng tiêu dùng đã hình thành trong quá khứ hay thu nhập mang tính dài hạn (thu nhập thường xuyên).
Trong khối tài chính tiền tệ, về hoạt động ngân sách, tổng thu ngân sách gồm thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô, trong đó thu nội địa hàng năm phụ thuộc vào quy mô của nền kinh tế; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc vào kim ngạch nhập khẩu tính theo ngoại tệ, tỷ giá và xu thế; thu từ dầu thô phụ thuộc vào khối lượng, giá cả xuất khẩu dầu và tỷ giá.
Tổng chi ngân sách được xác định căn cứ vào tổng thu ngân sách và tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP do Quốc hội thông qua (biến cuối này là biến ngoại sinh). Tổng chi ngân sách thường xuyên phụ thuộc vào tổng thu ngân sách cùng năm. Do đó tổng chi ngân sách cho mục đích đầu tư phát triển là phần còn lại của tổng chi ngân sách sau khi đã chi cho tiêu dùng thường xuyên và chi trả nợ, viện trợ chính phủ. Tỷ lệ lạm phát giá hàng tiêu dùng phụ thuộc vào tốc độ tăng giá hàng nhập khẩu tính theo ngoại tệ, biến động của tỷ giá, tốc độ tăng trưởng tổng cung tiền tệ, tỷ lệ lạm phát năm trước và lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn.
Về hoạt động ngoại thương, trong khi xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam của các nước bạn hàng chính và khả năng cạnh tranh về giá cả của hàng xuất khẩu nước ta thì nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào quy mô của nền kinh tế (GDP) và quan hệ cánh kéo giá trong nước và quốc tế đối với hàng nhập khẩu và thay thế nhập khẩu. Các yếu tố đầu tư, tiêu dùng, xuất và nhập khẩu tham gia vào phương trình cân bằng tổng sản phẩm trong nước theo giá cố định và theo giá hiện hành, và chính quy mô của nền kinh tế (GDP) này đến lượt mình lại trở thành tổng cầu và tác động tới các chỉ tiêu đầu tư, tiêu dùng, xuất và nhập khẩu, và các chỉ tiêu tài chính tiền tệ trong vòng tiếp sau.
Phân tích mô hình có thể nhận thấy một số cơ chế kinh tế tạo thành các vòng xoáy xác định các chỉ tiêu thuộc nhiều khối; ví dụ như cơ chế tăng trưởng và phát triển, cơ chế thu chi ngân sách, cơ chế tiền tệ và giá cả, cơ chế xuất nhập khẩu... Hầu hết các cơ chế này đều là cơ chế động, tức là dù chỉ thực hiện giải pháp kinh tế một lần nhưng nó sẽ có tác động dây truyền gây nhiều biến động (lớn hoặc nhỏ) cho nền kinh tế rồi mới đưa nền kinh tế hội tụ về điểm cân bằng mới. Hơn nữa, ảnh hưởng của chúng thường kéo dài sang nhiều năm tiếp theo. Dựa trên các cơ chế này, có thể hiểu rõ hơn vai trò của chính sách kích cầu cũng như kích cung trong nước và phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước ngoài tới phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây.
Về các dự báo xây dựng trong chương 3: Trước khi sử dụng mô hình vào mục đích dự báo trung hạn đến năm 2010, chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản làm đầu vào cho mô hình, gồm kịch bản cơ bản, kịch bản cao và kịch bản thấp, tạo thành 3 phương án dự báo cơ sở, lạc quan và bi quan.
Sử dụng mô hình để dự báo cho thấy nhìn chung nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong kế hoạch 5 năm tới. Tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt từ 7,4%/năm (phương án bi quan) đến 9,2%/năm (phương án lạc quan) tuỳ theo môi trường thuận lợi hay khó khăn, chính sách tài chính tiền tệ mở rộng hay thắt chặt, và nhất là chất lượng tăng trưởng được cải thiện nhiều hay ít.
Phương án dự báo cơ bản cho thấy nếu như tình hình kinh tế thế giới tiếp tục được cải thiện và tăng trưởng mạnh trong kế hoạch 5 năm tới trong khi các chính sách kích cầu và kích cung (tuỳ từng mặt) trong nước được triển khai thuận lợi và có hiệu quả theo đúng dự kiến của Chính phủ thì tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ tăng khá nhanh trong 5 năm 2006-2010; hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ liên tục tăng lên qua các năm như đã diễn ra từ năm 1999 đến nay.
Xuất khẩu dự báo cũng sẽ tăng trưởng khá mạnh nhưng do nhập khẩu tăng trưởng nhanh hơn nên tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức tăng đến năm 2010 vẫn chưa vượt qua những mức trước đây và vẫn nằm trong tầm chấp nhận được mặc dù phải chú ý phân tích để kịp thời có thể điều chỉnh chính sách nhằm ngăn ngừa cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán quốc tế.
Đáng lo ngại là tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên với tốc độ ngày càng nhanh và từ năm 2008 có thể sẽ vượt 10% tức là nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Do đó cũng như đối với cán cân ngoại thương, cần chú ý theo dõi biến động của tỷ lệ lạm phát, phân tích kỹ hơn nguyên nhân của hiện tượng này ở nước ta để đề ra các giải pháp hữu hiệu phòng ngừa ngay từ năm tới.
Do các chỉ tiêu dự báo trong phương án dự báo cơ bản là khá tốt nên ngay cả khi tình hình kinh tế thế giới có xấu hơn dự kiến và việc thực hiện các chính sách trong nước, kể cả các chính sách nhằm tăng cường chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, có không đạt được mục tiêu đầy tham vọng đặt ra, thì nền kinh tế nước ta vẫn có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%/năm, trong khi tỷ lệ lạm phát giảm về mức ôn hoà hơn. Ngược lại, nếu như môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi hơn, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn 9%/năm trong khi tỷ lệ lạm phát trung bình chỉ lên tới 12,4%/năm.
Kết luận chung: Các dự báo từ mô hình cho thấy kinh tế nước ta trong kế hoạch 5 năm 2006-2010 sẽ tiếp tục phát triển mạnh và các chỉ tiêu ổn định vĩ mô đều cơ bản nằm trong tầm kiểm của Chính phủ.
No comments:
Post a Comment