Wednesday, August 14, 2013

Royal Cyti và nhóm lợi ích, nhóm thân hữu

Royal Cyti và nhóm lợi ích, nhóm thân hữu
Lại Trần Mai: Tôi đã vào thăm Royal Cyti. Theo các báo, khu trung tâm thương mại - nhà ở này có 4000 hay 4400 căn hộ; có lẽ số dân sống ở đó tương đương với một phường nội thành (trong bài dưới đây là 3000). Có hai băn khoăn tôi vẫn hay trao đổi với mọi người: 
Khung cảnh bên ngoài khu thương mại Vincom Mega Mall Royal City của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
1) Tại sao thành phố cho phép xây dựng một tụ điểm dân cư lớn như thế chỉ trong một khu đất quá chật hẹp ? Băn khoăn này cũng giống như chuyện mỗi lần về Hà Nội là lại thấy có thêm nhiều tòa nhà cao ngất ngưởng mọc lên ngay trung tâm Hà Nội. Câu trả lời được nhiều người dùng là: Vì đám lãnh đạo cao nhất hiện nay của Hà Nội đều có gốc từ nhà quê, nên không hiểu gì về xã hội và cuộc sống đô thị. Hành xử của họ y hệt như thời ở thôn quê. 
Tôi đã từng viết nhận xét luận án tiến sĩ cho bác Nguyễn Thế Thảo nên cũng chia sẻ đôi chút về cách trả lời này. Đề tài luận án của bác Thảo là: "Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh từ năm 1986 đến nay: Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp". Ai tò mò muốn biết trình độ khoa học của bác ấy thì có thể vào xem ở đây.
Tuy nhiên tôi không tin vì gốc nhà quê mà đám lãnh đạo cao nhất hiện nay của Hà Nội đã hành xử như vậy. 


2) Trung tâm thương mại Royal Cyti sẽ sống bằng gì vì đầu tư quá hoành tráng, tốn kém song chắc chắn khách hàng đến mua sắm sẽ không nhiều. Ngay cả 4000 hộ dân cư sống ở đây cũng chưa chắc đã có nhu cầu vào mua sắm. Tất nhiên, ông chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã tính toán cẩn thận trước khi đầu tư, nhưng đúng là đến giờ tôi vẫn chưa nghĩ ra được cách tính của ông.

Bài dưới đây cũng cho một cách trả lời: Chắc chắn khi duyệt dự án với quy mô lớn như thế này , lãnh đạo thành phố Hà Nội phải biết điều đó (chuyện tắc đường vì mật độ dân cư quá cao) nhưng sao họ vẫn quyết . Rồi mai này tắc đường kẹt xe, thành phố lại phải bỏ tiền ra đền bù giải tỏa để mở con đường mới ra đường Lê Văn Lương trong khi chủ đầu tư ung dung cho thuê các kiot, bán các căn hộ với giá cao ngất ngưởng.

Khi nhóm lợi ích, nhóm thân hữu thao túng tất cả


Tối qua, bà trưởng tầng nhà chung cư tôi ở đưa tôi một tờ giấy gọi là giấy ủy quyền cho người đại diện tầng nhà đi họp bầu Ban quản trị khu chung cư kiểu như “đại cử tri”. Tôi vốn ngại họp nên kí ngay .
Như thế , khu tôi ở sẽ có một Ban quản trị do người dân bầu ra, họ sẽ cùng với Công ty quản lý dịch vụ nhà do Chủ đầu tư là một Tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng điều hành dưới sự “lãnh đạo “ của chính quyền Phường, Quận . Mới nghe thì tưởng như thế là tốt quá chứ còn gì. Mọi tranh chấp như ở Keangnam, như ở 93 Lò Đúc ( Hà Nội) như ở Phú Mỹ Hưng hay Saigon Pearl (Sài Gòn )sẽ không xảy ra

Sự thực không phải như vậy .

Nếu Ủy ban nhân dân Phường, quận là trung gian cầm chịch theo đúng nghĩa của nó để hai bên người làm dịch vụ và người chủ nhà thống nhất được với nhau làm cho cuộc sống tốt hơn lên thì có gì phải nói nữa nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy . Nhưng có vẻ như chính quyền Phường đang lấn sân. Họ muốn quản lý thay cho công ty dịch vụ . Và người dân lo lắng rằng khi ông Phường đứng ra làm dâu trăm họ thì dịch vụ thì chất lượng cuộc sống chắc chắn sẽ kém đi. Liệu hàng ngày lao công có thường xuyên lau nhà cửa hành lang sạch sẽ không, liệu cây cối có được chăm bẵm không, liệu rác có được dọn đi hàng ngày không, liệu điện nước khi hỏng hóc thì kêu ai ….

Đấy ! Tự nhiên công an Phường đến bắt các chủ xe ô tô không được đỗ trên vỉa hè mà phải đỗ xuống lòng đường, trong khi Công ty dịch vụ ngang nhiên chiếm bãi tập thể dục sân chơi của mọi người làm chỗ đỗ xe thu tiền 800.000 xe/tháng . Nếu ông Phường không có phần hụi chết hàng tháng thì ông có tích cực như thế không ? có phân biệt đối xử như thế không ?

Khi viết bài này, tôi có đọc lại bài trên báo công an nhân dân “Nhà giầu cũng khóc” phản ánh những bức xúc của bà con khu chung cư cao cấp Saigon Pearl khi Chủ đầu tư thuê công ty dịch vụ quản lý nhà đã tăng phí vô tội vạ bất chấp phản đối của cư dân là chủ sở hữu các căn hộ có giá từ nửa triệu đến cả triệu đô la . Theo họ, khi mua nhà , họ yên chí là đã góp vốn cho chủ đầu tư nên tất cả các dịch vụ như bể bơi, hầm để xe, tầng một cho siêu thị …họ đều được hưởng lợi .Nhưng họ đã bị lừa khi trong hợp đồng có tới 60 điều khoản mà khi mua ( khó lắm mới đăng kí mua được khi đó) họ đã không để ý . Nên bây giờ là chủ sở hữu căn hộ nhưng mỗi tháng vẫn mất từ ba đến bốn triệu tiền dịch vụ đủ thứ chẳng khác gì đi thuê nhà .

Và họ còn điều tra cho biết Công ty dịch vụ thu được của dân 600 triệu đồng mỗi tháng và giám đốc tự trả lương cho mình tới 185 triệu /tháng ! Dân kiện lên Quận, Quận Bình Thạnh làm ngơ , thậm chí còn ra quyết định không công nhận ban quản trị ngôi nhà Topaz do cư dân bầu ra . Thật dễ hiểu Công ty dịch vụ đã biết bôi trơn như thế nào nên mới ngon lành như thế . Và cũng dễ hiểu sau báo Công an nhân dân chả thấy các báo của thành phố như Thanh niên, Tuổi trẻ, Pháp luật… lên tiếng ủng hộ bà con gì cả . Tất cả đều rơi vào im lặng một cách khó hiểu và dễ hiểu

Hiện tượng này cũng tương tự như ở Keangnam và chung cư 93 Lò Đúc

Trong các nhà đầu tư địa ốc nổi lên một đại gia hàng đầu đó là Tập đoàn Wincom. Anh này sờ vào đâu thắng đấy . Mà toàn khu đất vàng không phải đền bù giải tỏa . Mà toàn là chỉ định thầu chứ không có đấu điếc gì sất . Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, ở Hà Nội cũng vậy . Tài thật ! Ngẫm ra cái điều thiên hạ nói cấm có sai : Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền

Tôi vừa thăm khu Royal Cyti mới khai trương trên mảnh đất xưa là nhà máy cơ khí Trung quy mô, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Việt Nam , mà khi đó định hướng công nghiệp hóa là mũi nhọn chỉ đạo trên con đường hiện đại hóa tiến lên chủ nghĩa xã hội

Mới chỉ khai trương khu siêu thị và vui chơi mà đã tắc đường rồi. Không biết khi ba ngàn hộ dân vào sống ở đây , ba ngàn xe ô tô , hàng vạn chiếc xe máy ra vào các tầng hầm thì trên đường Nguyễn Trãi –lối ra duy nhất cho khu dân cư cao cấp này- người ta sẽ trèo lên đầu nhau mà đi ? Chắc chắn khi duyệt dự án với quy mô lớn như thế này , lãnh đạo thành phố Hà Nội phải biết điều đó nhưng sao họ vẫn quyết . Rồi mai này tắc đường kẹt xe, thành phố lại phải bỏ tiền ra đền bù giải tỏa để mở con đường mới ra đường Lê Văn Lương trong khi chủ đầu tư ung dung cho thuê các kiot, bán các căn hộ với giá cao ngất ngưởng.

Điều này ai cũng biết nhưng lấy làm lạ chả thấy một tờ báo nào lên tiếng ? Hỏi ra mới biết , một nguồn thạo tin cho hay , nhà tài phiệt hạng 100 thế giới đã vi thiềng các Tổng biên tập các báo bằng món hụi chết tới 50 triệu/tháng nên tất cả bài do phóng viên phản ánh có dính dáng đến Tập đoàn này đều không được duyệt . Chứng cứ đâu ? Nó cũng khó như hỏi cảnh sát giao thông ăn mãi lộ ấy : chứng cứ đâu !Trong khi Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai …do không có tiền nên không biết điều thì bị báo chí xăm xoi thăm hỏi liên tục .

Khi nhóm lợi ích , nhóm thân hữu thao túng thì dự án nào cũng qua và khi có tiền , có rất nhiều tiền thì việc bịt mồm các Tổng biên tập dễ ợt . Họ cũng là con người cả , mà bản tính con người ai chả tham lam .

“Người giàu cũng khóc” trong căn hộ 5 sao

Các cư dân sống trong những tòa nhà đắt tiền nhất nhì TP Hồ Chí Minh SaiGon Pearl (92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM) đang trong tâm trạng bị mắc lừa chủ đầu tư. Nhiều cư dân sống ở đây bức xúc kiểu sống ở căn hộ 5 sao mà cứ như… không sao.

Chuyện như đùa nhưng những cư dân sống tại khu dân cư SaiGon Pearl đang sống trong cảnh “người giàu cũng khóc”. Bởi bắt đầu từ hợp đồng hứa mua hứa bán cho đến hợp đồng chính thức mua những căn hộ giá gần nửa triệu đô này đã bị chủ đầu tư làm sai lệch nên không được hưởng các tiện ích mà trước khi mua được hứa hẹn…

Căn hộ Saigon Pearl giáp ranh với quận 1 nằm dọc sông Sài Gòn được xây dựng trên diện tích 10,37ha với tiêu chuẩn 5 sao, tiêu chuẩn quốc tế về tiện nghi ngoài tổ hợp 3 tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire (mỗi tòa nhà có 2 cao ốc cao 37 tầng) còn có 126 căn nhà mang sắc thái riêng biệt. Ngoài hệ thống tòa nhà trên, Saigon Pearl còn có trường quốc tế, hồ bơi, bến du thuyền khách sạn, khu thương mại… Khi cư dân đến sống tại những căn hộ này sẽ được hưởng những tiện ích mà chủ đầu tư đưa ra. Năm 2004 và 2005, người dân tiến hành ký hợp đồng “Hứa mua Hứa bán” với Công ty TNHH Vietnam Land SSG với niềm tin sẽ được chủ đầu tư, một liên doanh của đối tác Tập đoàn SSG và Công ty TNHH Vietnam Land (Hong Kong) cung cấp cho mình một căn hộ tiêu chuẩn 5 sao…

Chị V, sống ở căn hộ tòa nhà Ruby1 bức xúc: Sau nhiều lần trì hoãn giao nhà (trong vòng 2 năm) người mua nhà có nhu cầu nhận nhà nên chủ đầu tư (Công ty TNHH Việt Nam Land SSG) đã ép người dân ký hợp đồng trong thời gian ngắn nhất trước khi nhận nhà. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán chủ đầu tư đã tự động thay đổi và bổ sung một số nội dung có lợi cho chủ đầu tư, đặc biệt là thay đổi quyền sở hữu một số khu vực thuộc tiện ích chung nhưng không hề thông báo.

Khu căn hộ 5 sao mà người dân sống như chẳng có sao nào.

Hợp đồng ghi rõ tầng hầm bãi đậu xe của ba tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire thuộc sở hữu chung của cư dân và mức phí mỗi tháng các hộ dân phải đóng là 40 USD (tương đương 800.000đ/tháng/xe. Tuy nhiên khi đưa vào vận hành, phí giữ xe tăng lên 1,6 triệu/tháng/xe. Xe gắn máy là 5 USD (tương đương 100.000đ)/tháng/xe nay tăng lên 160 ngàn đồng/xe. “Chỗ đậu xe trong các tòa nhà rất thiếu so với nhu cầu của các hộ dân nhưng chủ đầu tư tự nhận khu hầm đỗ xe là sở hữu riêng nên ngăn khu hầm ra để cho thuê kinh doanh” – ông An Giang – quyền Trưởng ban tòa nhà Topaz cho biết. Các khu vực giao thông nội bộ trong tòa nhà bị chiếm dụng kinh doanh giữ xe với mức 20.000đ/giờ/xe ôtô, giờ sau tăng thêm 10.000đ. Ngoài việc tầng hầm giữ xe bị chiếm dụng, phí quản lý của các tòa nhà này cũng cao hơn so với dự kiến ban đầu: 17.000đ/m2/tháng.

Công viên trung tâm là nơi hoạt động vui chơi của cộng đồng cư dân, đặc biệt là các trẻ nhỏ, việc cho thuê dịch vụ nhạy cảm “SPA” tại khu này, nhiều hộ dân cho rằng không phù hợp với qui định hiện hành cũng như tập quán của người Việt. Về việc sử dụng hồ bơi phải là thành viên của CLB Saigon River đang làm những hộ dân sống trong Saigon Pearl bức xúc. Nếu tham gia làm thành viên của CLB Saigon River biểu phí hội viên hàng tháng là 87USD, một năm là 800USD. Lứa tuổi từ 16-20 tuổi là 44USD/tháng và 400USD/năm. Gia đình là hội viên (bao gồm 2 người lớn, một trẻ em) 167USD/tháng và 1.560USD/năm. Nhiều người có con nhỏ muốn đi bơi nhưng không muốn tham gia vào CLB Saigon River thì coi như… con khỏi xuống tắm.

Ngoài những chuyện về phí dịch vụ những tiện ích mà người dân sống trong ba tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire trong Saigon Pearl không được hưởng tiện ích mà mình đã được hứa thì còn có chuyện nhập nhằng trong tổ chức ban quản trị (BQT) của các tòa nhà. Có những bất cập đến vô lý mà những cư dân sống ở đây phải gánh chịu như không thành lập ra BQT tòa nhà theo đúng quy định để cư dân phải khiếu nại lên UBND phường 22, quận Bình Thạnh và khiếu nại lên đến UBND TP Hồ Chí Minh mới tổ chức hội nghị bầu ra BQT.

Còn một vấn đề nữa mà các cư dân ở đây bức xúc, đó là phía Công ty Dịch vụ quản lý nhà Savills (một công ty thứ 3 được phía chủ đầu tư và cộng đồng cư dân chung cư thuê) trong việc quản lý các tòa nhà đáng lẽ chỉ truyền đạt ý kiến giữa chủ đầu tư và cộng đồng dân cư thì lại tự ra “thông báo” điều chỉnh quản lý phí cũng như phí dự phòng của chung cư. Chủ đầu tư và công ty quản lý đưa ra các nội dung quy chế dành cho những người sống trong nhà chung cư bao hàm những điều khoản bất lợi và trái pháp luật. Chi phí mà người dân đóng cho ban điều hành chung cư rất lớn nhưng lại được chi một cách khó hiểu. Ví dụ như chi phí lương cho giám đốc điều hành lên trên 185 triệu/tháng nhưng người quản lý lại không có năng lực điều hành thực sự.

Dân cư sống trong những căn hộ tại Saigon Pearl đang chờ những động thái tích cực của chủ đầu tư để người dân sống trong những căn hộ 5 sao này được đúng như giá trị thật của nó (Theo công an nhân dân online)

Lương Kháu Lão
(Blog Lương Kháu Lão)

No comments:

Post a Comment