Wednesday, August 7, 2013

(2) Tranh luận về tương lai của thịt nhân tạo

Sống ở phương Tây, nhìn lượng thức ăn họ mua để tiêu thụ hàng tuần, mình thấy khiếp và thường nói: Với cách sống này, trăm năm nữa trên trái đất sinh vật sẽ chỉ còn là người, và bò, lợn, gà để làm thức ăn cho người; mọi sinh vật khác sẽ bị tiêu diệt hết sạch để có không gian sống cho 4 sinh vật trên. Giờ đọc tin này thấy có tia sáng le lói cuối đường hầm dành cho các loài sinh vật khác.
Tranh luận về tương lai của thịt nhân tạo

Miếng thịt bò làm từ phòng thí nghiệm đầu tiên 
được đưa ra nếm thử tại London hôm 5 /8/13

Theo một số các nhà khoa học và các chuyên gia về an ninh lương thực, trong vòng hai thập niên, thịt chế tạo trong các phòng thí nghiệm có thể chiếm phần chính trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của chúng ta.



Vì khoa học phát triển nhanh chóng, những người đề xướng nói điều này có thể mang lại những phần thưởng quan trọng cho môi trường và cho an ninh lương thực. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Selah Hennessy từ London, nơi thịt bò burger làm bằng thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm được chiên hôm thứ Hai, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng ăn thêm thịt không nhất thiết là điều mà thế giới cần đến.

Chiếc hamburger chiên tại London hôm thứ Hai được mô tả là “chiếc burger đắt tiền nhất thế giới.” Phải tốn tới hơn 300.000 đôla để sản xuất, chắc chắn chiếc burger này không rẻ tí nào.

Những người hậu thuẫn dự án này nói rằng trong trường kỳ, thịt nhân tạo có thể là giải pháp tốt nhất để giải quyết một số vấn đề.

 

Nhà đầu tư vào dự án này là ông Sergei Brin, người đồng sáng lập công ty Google, ông nói ông hậu thuẩn dự án này vì sự an sinh của loài vật.

Hơn nữa, những người ủng hộ nói rằng thịt nhân tạo có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho môi trường và cho an ninh lương thực thế giới.

Bà Hanna Tuomisto làm việc cho Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, một viện nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu.

Bà nói tiến trình sản xuất thịt truyền thống tạo ra những áp lực lớn lao đối với môi trường.

“Tiến trình sản xuất thịt từ gia súc chiếm khoảng 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một tỷ lệ rất đáng kể bởi vì mức này cao hơn tổng số khí thải do lĩnh vực giao thông vận tải toàn cầu tạo ra.

Miếng thịt bò được Giáo sư Mark Post làm từ phòng thí nghiệm

Sản xuất thịt từ gia súc còn sử dụng khoảng 1/3 nguồn nước ngọt của chúng ta và chiếm tới 1/3 diện tích đất đai. Ngoài ra, vẫn theo bà, diện tích ấy đang tăng nhanh giữa lúc các khu rừng ngày một bị tàn phá hơn để sản xuất thực phẩm cho thú vật.

Hồi năm 2011, bà Tuomisto thực hiện một cuộc khảo cứu để so sánh phương pháp sản xuất thịt truyền thống với cách sản xuất thịt nhân tạo. Bà nói:

“Cuộc khảo cứu của tôi cho thấy rằng sản xuất thịt nhân tạo trên quy mô lớn có tiềm năng ít tác động tới môi trường hơn, so với cách sản xuất thịt truyền thống.”

 

Cuộc khảo cứu kết luận rằng thịt nhân tạo có khả năng được sản xuất trong khi tiết kiệm được tới 96% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng năng lượng ít hơn tới 45%, đất đai ít hơn tới 99%, và tiết kiệm nước tới 96%, so với sản xuất các loại thịt truyền thống.

Bà Tuomisto lưu ý rằng cuộc khảo cứu do bà thực hiện chỉ dựa trên những mô hình trong phòng thí nghiệm. Hiện chưa rõ nhu cầu về nước và năng lượng sẽ phải sử dụng cho hoạt động sản xuất thịt nhân tạo trên quy mô lớn với mục tiêu thương mại.

Ông Charles Godfray làm việc cho Chương trình Oxford Martin về Tương lai của Lương Thực.

Ông nói thịt nhân tạo hay thịt “trong ống nghiệm” có tiềm năng nuôi sống một dân số thế giới ngày càng tăng cao.

 

Ông nói rằng “dân số thế giới không chỉ tăng, mà còn trở nên giầu có hơn, một yếu tố thường gắn liền với nhu cầu tiêu thụ thịt gia tăng:

“Nếu cả thế giới muốn một chế độ dinh dưỡng nhiều thịt thà như chúng ta đang được hưởng tại các nước giàu, thì thế giới không thể nào đáp ứng được nhu cầu đó. Vì vậy thịt nhân tạo, hay thịt ống nghiệm có thể là một thành tố hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu gia tăng đó.”

Nhưng vẫn theo ông, phát triển thịt trong ống nghiệm không giải quyết được tất cả mọi vấn đề.

Bà Tuomisto chỉ ra rằng ngày nay chúng ta sản xuất được thừa lương thực để nuôi thế giới. Vấn đề thường gắn liền với việc tiếp cận lương thực hơn là nguồn cung cấp lương thực.

Ông Godfray nói thay vì tìm những phương cách mới để sản xuất thịt, có thể có một cách thay thế khác.

“Tất cả chúng ta, đặc biệt tại các nước Phương Tây giàu có, sẽ khỏe mạnh hơn nếu bớt ăn thịt đi, như vậy sẽ có ích cho sức khỏe và cũng có lợi cho môi trường.”

 
Ông Godfray dự kiến thịt nhân tạo sẽ xuất hiện tại các siêu thị trước tiên dưới hình thức thịt hamburger và xúc xích, là những sản phẩm không cần có cấu tạo chính xác của thịt, và yếu tố này cũng không quan trọng như đối với thịt bò bí tết chẳng hạn.

Ông nói công nghệ để chế tạo thịt nhân tạo sẽ phát triển trong một vài thập niên tới dây, nhưng hiện chưa rõ liệu sản phẩm này có khả thi về mặt thương mại hay không.

 

Ông nói rằng điều đó sẽ tùy thuộc vào chi phí chế tạo món thịt này, và liệu người tiêu thụ có sẵn sàng thử món thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm hay không.

No comments:

Post a Comment