Friday, August 2, 2013

Hiểu khái niệm “Trang thông tin điện tử cá nhân” thế nào cho đúng ?

Hiểu khái niệm “Trang thông tin điện tử cá nhân” thế nào cho đúng ?
Hồ Trung Tú 
Câu trong Nghị định 72: “trang thông tin điện tử cá nhân… không cung cấp thông tin tổng hợp” nhiều người đã tham gia định nghĩa khái niệm thế nào là “cung cấp thông tin tổng hợp” và chỉ ra việc cần phải xác định rõ đâu là ranh giới của việc dẫn link, khác nhau giữa trích dẫn và toàn văn để bảo vệ quyền tác giả... không nói nữa, ở đây chỉ xin bàn đến các cách hiểu về “trang thông tin điện tử cá nhân”.
Quản lý thế giới mạng là điều tất nhiên, nhà nước nào cũng phải làm. Hẳn nhiều tác giả cũng đã thấy phiền lòng khi bài viết của mình được xử dụng ở nhiều nơi mà người ta không thèm thông báo lại một tiếng, Nghị định 72 hướng đến lập lại trật tự ở lĩnh vực này là điều nên làm từ lâu rồi. Thế nhưng khi nó ra vẫn cứ gây phản ứng gay gắt. Tạo sao vậy ? Theo chúng tôi đây chính là do các nhà soạn thảo Nghị định đã không xác định rõ thế nào là khái niệm “trang thông tin điện tử cá nhân” mặc dù đó là một nội dung rất nhỏ, chỉ chiếm vài dòng trong toàn văn 34 trang A4 của Nghị định này.

Mặc dù Nghị định 72 đã xác định rõ nhiều dạng trang thông tin điện tử, từ cá nhân đến tổ chức, thế nhưng trong thực tế ranh giới phân biệt các trang này lại rất không rõ ràng. Một trang cá nhân, dùng mạng công cộng, không đăng ký nhưng lại hoạt động như một đơn vị kinh tế hay tổ chức xã hội. Hay như nó vốn là một trang cá nhân, thậm chí nặc danh, nhưng sau khi có nhiều người xem nó đã biến thành một địa chỉ có nguồn thu và dĩ nhiên là đã trở thành một doanh nghiệp, không còn là “trang thông tin điện tử cá nhân” nữa. Sự phân biệt này trong Nghị định 72 là hầu như không đề cập đến.

Như ở đời sống thực, mỗi cá nhân đều phải tuân theo các mối quan hệ xã hội đã được luật định trong toàn bộ hệ thống luật nói chung. Lẽ ra ở thế giới mạng, các mối quan hệ của cá nhân cũng phải được khép vào hệ thống luật này, vấn đề chỉ là xác định “trang thông tin điện tử cá nhân” lúc nào thì được xem là cá nhân, lúc nào thì được xem là một doanh nghiệp, lúc nào thì cần được xem là một tổ chức chính trị xã hội.

Nói cho dễ hiểu. Một “trang thông tin điện tử cá nhân” cố gắng thu hút người xem (câu view) thì là chuyện tất nhiên. Hàng triệu, hàng trăm triệu người vào xem đi nữa thì nó cũng vẫn cứ là “trang thông tin điện tử cá nhân” một khi người chủ nó không thu lợi từ trang đó. Và luật chi phối “trang thông tin điện tử cá nhân” này là luật Dân sự. Có nghĩa là “trang thông tin điện tử cá nhân” vi phạm ở đâu thì nó phải bị kiện ở đó; xúc phạm danh dự cá nhân thì dùng luật dân sự, trích dẫn không phép thì dùng luật bản quyền.v.v...
Và nếu “trang thông tin điện tử cá nhân” tiến đến “cung cấp thông tin tổng hợp” nhằm mục đích thu lợi thì lúc này “cung cấp thông tin tổng hợp” đã trở thành một hành vi thương mại và đã có thể khép chủ nhân của nó vào các mối quan hệ thuộc về các luật doanh nghiệp, luật thuế (thu nhập cá nhân, đăng ký doanh nghiệp...) và các loại quy định về kinh tế thương mại khác.

Như vậy,

Lẽ ra Nghị định 72 cần khẳng định rõ thế giới mạng cũng chính là thế giới thực và các “trang thông tin điện tử cá nhân” cũng chính là các cá nhân và chịu sự chi phối của toàn bộ hệ thống luật của nhà nước đã đặt ra.

Lẽ ra Nghị định 72 cần xác định một địa chỉ trên mạng Internet lúc nào là “trang thông tin điện tử cá nhân” và lúc nào không còn là một “trang thông tin điện tử cá nhân” nữa mà đã là một doanh nghiệp hoặc là một tổ chức xã hội. Ví dụ như các trang Báo Mới hoặc CafeF thì việc dẫn tin đã nhằm mục đích thương mại thì chắc chắn nó không còn là “trang thông tin điện tử cá nhân” nữa mà đã là một doanh nghiệp. Còn như nó không thu lợi, chỉ là cá nhân đưa cho vui, cho nổi tiếng, thì muôn thuở nó là một trang cá nhân và nó chịu chi phối bởi luật dân sự cũng như chịu sự phê phán của nền đạo đức xã hội.

Lẽ ra Nghị định 72 nên xác định đâu là chỗ người ta có thể kiện các “trang thông tin điện tử cá nhân” một khi nó vi phạm các mối quan hệ dân sự, thậm chí là vi phạm đạo đức, hoặc thu lợi bất chính từ trang đó.
Lẽ ra Nghị định 72 có hướng dẫn để Tòa án và hệ thống Tư pháp cùng các luật sư biết cơ sở để quy các mối quan hệ trên thế giới mạng ồn ào phức tạp thành các mối quan hệ trong đời sống thực được luật pháp quy định.
Lẽ ra Nghị định 72 nên có hẳn một chương về các “trang thông tin điện tử cá nhân” vì đây là nội dung tác động đến số đông người sử dụng internet nhất chứ không nên để lẫn nó trong những nội dung như quy định hệ thống công nghệ nhà mạng, quản lý tên miền, quản lý trò chơi, thúc đẩy ứng dụnh công nghẹ IPv6 (vài bữa nó lên IPv7 không biết có phải sửa Nghị định không hay vẫn phải dùng IPv6 hay các nhà soạn thảo tin rằng IPv6 là công nghệ tối cao rồi, không thay đổi được nữa )...
Lẽ ra Nghị định 72 nên dần xác lập các mối quan hệ dân sự trên “trang thông tin điện tử cá nhân”, ví dụ như việc công nhận bản quyền của một comment, một note, một entry trên trang các cá nhân là đến đâu, việc trích dẫn đưa lại các nội dung này tuân theo điều gì hay chỉ là vấn đề của đạo đức xã hội (nhiều nhà báo vẫn dùng cách khai thác này để dùng trên báo chính thức) và ví như bài này nó nằm ở đây thì trách nhiệm dân sự đến đâu còn như nó lưu lạc đến một trang nào đó thì trách nhiệm dân sự của người viết đến đâu rõ ràng là những điều nên bàn đến hơn là tập trung quá nhiều vào việc quản lý nó hoạt động sao cho đúng.
Tóm lại, lẽ ra Nghị định 72 nên xác định đâu là chỗ “trang thông tin điện tử cá nhân” không được vượt qua, còn lại đó là đời sống, nó phát triển muôn hình vạn trạng, thì sao có thể quy định là nó được làm gì và không được làm gì được ?

Và mọi dư luận ồn ào vừa qua rõ ràng là xuất phát từ chỗ này.

Theo blog Hồ Trung Tú
Bài viết thể hiện về văn phong và quan điểm riêng của tác giả

No comments:

Post a Comment