Học và thực học bắt đầu từ đâu?
NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, Thứ sáu, 26 Tháng 7 2013
Fukuzawa Yukichi - Nhà tư tưởng - giáo dục vĩ đại của Nhật Bản
Học với mục đích và khát vọng gì?Câu hỏi này có lẽ chưa bao giờ lớp người đi học tìm câu trả lời sát sao để mà có được câu trả lời thỏa đáng. Bởi sự trọng quan và trọng bằng cấp vẫn là mục đích cao nhất của phần đa người học, và nguyên do sâu xa nhất của sự trọng đó cũng chỉ là mong có được một chỗ ấm thân bằng mọi giá, chứ không phải đúng nghĩa của từ trọng.
Xưa, thời học từ chương khoa cử thì chỗ ấm thân là một chức quan nho nhỏ trong triều. Nay, với số đông vẫn là chức quan nho nhỏ “trong triều”, một suất biên chế lương ít bổng lộc nhiều hay một cái nghề đang “hot”. Trong khi đó, sự học đích thực là nuôi dưỡng sáng tạo lẫn khát vọng dân tộc, và xa hơn nữa là đóng góp cho văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, những chỉ dấu tích cực đang có chiều hướng tăng khi số người dám dấn thân theo đuổi đam mê khoa học, hay dấn thân vào chốn thương trường. Nhưng ngay cả trong số này, mục đích của việc học cũng chỉ dừng lại ở cái mức có một mảnh bằng đỏ như một sự đảm bảo, một tờ giấy thông hành, có được mấy chân tài có thái độ học với khát vọng cống hiến khi họ bắt đầu việc học, học bằng tư duy và học với trách nhiệm làm người? Nói đến đây, chợt nhớ cái slogan của IPL (chương trình Hạt giống Lãnh đạo Doanh Nghiệp) “Nhân tài - Thực học – Sánh vai”, một ngôi trường không cấp bằng như một tuyên ngôn học không vì bằng cấp mà vì đẳng cấp. Vậy đẳng cấp mà dân IPL nói đến là gì? Liệu họ đã chạm tới khát vọng của việc học? Tôi tin là có, trong cách họ truyền lửa về những con đại bàng với khát vọng đưa doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn. Tất nhiên ở đây chúng ta chỉ bàn tới khát vọng, còn khả thi hay khả năng là chủ đề của những cuộc trao đổi khác.
Xuyên suốt cuốn “Khuyến học” nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản, ông Fukuzawa Yukichi đã truyền khát vọng học tập cho thanh niên, cho lớp người cả đời họ và muôn đời trước đã coi thân phận thấp hèn của mình như là sự mặc định tự nhiên. Học trước tiên để làm người độc lập, tự do. Học để hiểu mỗi cá nhân là một mắt xích trong xã hội, sự tự do độc lập ấy tức là biết vị trí của mình trong xã hội, quyền được làm người, làm một quốc dân có tinh thần dân tộc. Đó là thực học.
Tinh thần thực học đã từng được du nhập vào Việt Nam bởi phong trào Duy Tân. Vào thời kỳ này, một số trường tư thục được mở ra với mục đích khơi gợi và nuôi dưỡng việc học tập để có nghề, có nghiệp trên cơ sở thúc đẩy tự do cá nhân, khát vọng dân tộc. Nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng đánh giá phong trào Duy Tân “Thiết lập nền học mới vì một tương lai dân tộc Việt thoát khỏi thân phận nhược tiểu bị khinh khi, ức hiếp không phải chỉ là tâm huyết của những người mở trường và đội ngũ sư phạm, còn là sự đồng tâm của xã hội”. Dù chỉ tồn tại trong vòng 9 tháng nhưng ảnh hưởng của phong trào Duy Tân đã lan rộng đến nhiều nơi trên đất nước, như những con sóng liên tiếp nối nhau, những dư âm và hồn cốt của phong trào còn lưu lại đến ngày nay.
Học cái gì?
Ngay từ trang đầu của “Khuyến học”, Fukuzawa Yukichi đã đưa ra câu trả lời cho việc học cái gì? Rất cụ thể, ông gọi Nho học là cách học “dẫn đến tán gia bại sản”, ông thẳng thắn và cụ thể đưa ra các môn học hữu dụng cho đời sống từ kinh tế đến đạo đức. Vậy những nội dung học mà ông đưa ra cách đây 150 năm cho xã hội Nhật Bản có còn hữu dụng ở thế giới hiện tại và xã hội Việt Nam hiện tại?
Đã ở thế kỷ 21, khi nhiều quốc gia đã bước qua giai đoạn thành công mỹ mãn của thời kì cách mạng công nghiệp, cách mạng công nghệ và tương ứng với nó là các mô hình đào tạo thực dụng, theo nghĩa chỉ đào tạo các ngành nghề mà xã hội tại thời điểm đó đang thiếu và cần. Ngay cả với Mỹ đã được cảnh báo về xu hướng đào tạo này (từ trước cuộc khủng hoảng kinh tế), nay trăn trở với sự phát triển bền vững trong giáo dục, quay trở lại đặt câu hỏi: liệu các môn học thuộc khoa học cơ bản, khoa học xã hội đã được quan tâm đúng mức? Nghĩa thực dụng của giáo dục khai phóng là giáo dục hướng tới mục tiêu con người tự do, con người trưởng thành có tư duy và trách nhiệm và do đó sẽ có khả năng phát triển mọi ngành nghề mà họ đam mê, chứ không chỉ dừng lại ở mục đích cung cấp các kỹ năng thực dụng cho một nghề đang thiếu tại thời điểm ngay lúc đó của nền kinh tế thị trường, như một cách gián tiếp biến con người thành nô lệ của vật chất mà không khơi gợi được đam mê của một con người tự do. Vậy với Việt nam, mặc dù chưa chạm tới sự thành công của nền công nghiệp hay công nghệ, chúng ta có nên phớt lờ các cảnh báo này? Chúng ta nên cổ súy cho nền giáo dục theo hướng thực dụng của kinh tế tiêu dùng hay thực dụng của nền giáo dục khai phóng?
Tôi ủng hộ quan điểm giáo dục khai phóng đào tạo con người tự do, có trách nhiệm. Có tự do mới khơi gợi đam mê, có đam mê mới có thành công và đóng góp, không biến mình thành nô lệ vật chất hay bất cứ hệ tư tưởng nào. Khi đã đủ trưởng thành và tự do, đủ đam mê và trách nhiệm thì một hay vài năm đủ để trang bị các kỹ năng cơ bản cho các ngành nghề và chuyên môn hẹp.
Vừa qua sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đã phần nào cho thấy sự thiếu hụt niềm tin và mục đích sống của thanh niên khi những cơ thể khỏe mạnh thông qua Nick để được an ủi, được thắp lửa. Đó là hệ quả tất yếu của sự thiếu hụt mục đích học tập, khát vọng học tập. Vậy do đâu mà họ thiếu? Câu trả lời do một nền giáo dục bừa bộn đã quá rõ ràng.
Vậy thì liệu một cuộc cách mạng giáo dục có khả năng cứu vãn niềm tin và thắp sáng khát vọng này không? Và học cái gì để đạt được mục đích đó?
Theo Hannah Arendt, học là để hiểu thế giới khách quan, bao gồm cả thế giới vật chất và con người. Tôi mạn phép bổ sung, học còn là để khám phá thế giới chủ quan, khám phá cái nội tâm của mỗi con người trong chúng ta để trả lời cho câu hỏi: chúng ta là ai trong thế giới này và khát vọng sống của mỗi chúng ta là gì? Tôi dùng chữ khát vọng không chỉ gồm những khát vọng to lớn thay đổi đất nước hay trở thành một nhà tư tưởng, một nhà khoa học, khát vọng để hiểu rõ cái nội tâm, cái mục đích làm người tự do của mỗi cá nhân cũng không kém phần quan trọng, dù đó là một người làm vườn hay một chính khách.
Vậy chúng ta có đi xa quá đến thành hư vô khi bàn tới đây cả mục đích làm người hay việc thấu hiểu nội tâm? Và phạm trù này có nằm ngoài việc học gì, cụ thể là học gì trong trường phổ thông và đại học hiện nay?
Rõ ràng không cần bàn cãi rằng việc có mặt các môn học từ khoa học cơ bản, đến các môn xã hội, các môn nghệ thuật, các môn chuyên ngành hẹp là các môn thực dụng của một nền giáo dục khai phóng trong nhà trường là tất yếu và cần thiết. Nhưng chúng ta học gì ở các môn này? Việc lựa chọn giảng dạy các môn học thực dụng nhưng theo lối Nho học, một lối đọc - ghi, hay cao hơn là truyền đạt – ghi nhớ, như một sự nhồi nhét kiến thức và hoàn toàn vắng bóng phản biện hay đối thoại ở đây (tôi muốn nói ở đây là ngay từ lớp vỡ lòng) có ích gì chăng? Tôi cho là không nhiều nếu không nói là vô ích, nhất là trong thời đại mà một chiếc điện thoại bé xíu có khả năng ghi nhớ bằng hàng trăm nghìn lần khả năng ghi nhớ kiến thức cả đời đi học của một học sinh, sinh viên trung bình. Nếu tiếp tục giảng dạy theo lối này không khác gì bình mới rượu cũ, với lối thi cử trả bài như một cách cổ súy cho cung cách học tầm chương trích cú, không tư duy, thiếu tự do.
Học và dạy như thế nào?
Từ cách đây nửa thế kỷ đã tồn tại các lý thuyết về giáo dục như: Tư tưởng giáo dục dân chủ của John Dewey, trẻ em học trong lúc chúng tự thực hành và trong lúc chúng được tự mình sống cuộc sống thực và cuộc sống diễn ra ngay hôm nay; Tâm lý giáo dục lứa tuổi của Jean Piget (Piaget’s Gennetic Epistemology) và công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại, đưa ra một cách tiếp cận giáo dục hiện đại với bậc phổ thông. Và trước đó, hồi đầu thế TK XX, bất chấp lối thi cử và sách giáo khoa lúc đó, phong trào Duy Tân ở nước ta đã chú trọng đến vai trò chủ động của người học bên cạnh người thầy vẫn là nhân tố quyết định có khả năng định hướng cho người học tại các trường tư thục. Gần đây, ở nước ta, nhóm Cánh Buồm đã tiếp thu và vận dụng các lý thuyết và kinh nghiệm này thông qua cách học “learning by doing/ học tự nghiệm”, học thông qua hệ thống các việc làm cụ thể mà giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh trong từng giờ học để học sinh được tự làm, từ đó tự học, tự giáo dục. Người thầy chỉ làm nhiệm vụ định hướng chuỗi việc làm, học sinh tự trải nghiệm, hoàn toàn phủ nhận lối giảng dạy đọc - ghi, hay truyền đạt - ghi nhớ.
Giáo dục đại học lại càng cần đến tinh thần tự chủ và tự do của thầy và trò. Nếu chúng ta tham khảo các trường học Torah của người Do Thái sẽ thấy các hội trường chật như nêm và ở đó sinh viên hào hứng say mê đối thoại, tranh luận với nhau và với thầy. Không có cách học nào hiệu quả và khai phóng như cách biến mỗi sinh viên thành một người thầy, một nhà diễn thuyết, ngay cả với những môn tưởng như không liên quan gì tới nghệ thuật tranh biện như khoa học cơ bản.
Cần mặc nhận rằng chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, giáo dục thế giới không còn loay hoay với phương pháp dạy hay bộ sách giáo khoa nữa. Giáo dục trong thế giới phẳng đã giúp người học ngụp lặn kiếm tìm trong thế giới công nghệ, nguồn học liệu đã không biên giới, không giới hạn. Khi mà ở bất cứ đâu bạn cũng có thể tham gia một giờ học như sinh viên Harvard, khi mà một ý tưởng của bạn có thể được hàng triệu người chia sẻ, một đóng góp nhỏ của bạn cũng có thể cho hàng triệu triệu người hưởng lợi. Chẳng hạn, một thanh niên Ấn Độ khởi sự một mình với Khanacademy nay đã là một nguồn học liệu mở và phong phú cho khắp thế giới. Vậy, nếu chúng ta biết cách dạy trẻ con một cách học chủ động, biết nâng niu cái động cơ hướng thiện, hướng thượng của việc học trong mỗi đứa trẻ thì với thời đại mà chúng sống, với môi trường mà chúng đang có, chúng hoàn toàn sẽ sớm biết sử dụng và tận dụng kho báu quý giá này, và như một sự đương nhiên một đứa trẻ biết học chủ động sẽ không thể là một thanh niên thiếu mục đích sống, thiếu khát vọng sống.
Từ những cứ liệu trên, kỳ vọng rằng một cú hích cho cả thầy và trò, để bắt đầu cho một cách học chủ động, học với tư duy và trách nhiệm làm người, học với sự trung thực cao độ. Chúng ta khuyến khích học sinh đem sách vở, tài liệu vào phòng thi, thậm chí có thể kết nối internet, như một nguồn tham khảo để giảm bớt việc cần phải thuộc lòng ghi nhớ.
Fukuzawa Yukichi đã từng khuyên các bạn sinh viên cách đây 150 năm nên đọc các sách của phương Tây, và nếu đọc được bằng văn bản gốc thì càng tốt. Chắc chắn rằng, lời khuyên vẫn luôn hữu dụng cho sinh viên Việt Nam hiện tại bởi tiếp cận giá trị phương Tây đồng nghĩa với sự tiếp cận tri thức khai phóng và sáng tạo, đặc biệt, việc tiếp cận nguồn tri thức bằng ngôn ngữ của các quốc gia kiến tạo ra nó sẽ giúp sự hiểu biết sâu và rộng hơn.
Học suốt đời
Một thực trạng đã và đang diễn ra trong xã hội chúng ta là sự tự mãn của số đông khi họ đã sở hữu tấm bằng trong tay. Họ tự đóng cửa giam mình lại trong cái mớ kiến thức nghèo nàn đến bần cùng trong quá trình học thụ động, thiếu tư duy, không khát vọng, chỉ để dành được tờ giấy thông hành; và rồi khi đã bước qua cánh cửa để có một chỗ ấm thân, họ rung đùi với sự “thành công” tột bậc ấy, bao nhiêu năng lượng có được chỉ nhằm để bày mưu tính kế leo cao, cao mãi. Không mấy ai trong số họ trăn trở và rèn rũa năng lực người, phẩm cách người.
Xét ngay khu vực giáo dục công, nơi được kì vọng và mặc định cao nhất về việc học tập suốt đời. Có vị giáo sư đã đưa ra con số thống kê: chưa đến 10% giáo viên, giảng viên biên chế tiếp tục đọc sách, học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Đó mới chỉ là nói đến chuyên môn, một thứ tất yếu phải nâng cao, mà chưa tính đến việc học tập vô vàn các lĩnh vực khác của cuộc sống để nâng mình lên. Liệu con số trung thực về việc các giảng viên, giáo viên đọc sách ngoài chuyên môn là bao nhiêu cuốn/năm?
Khi người thầy không đọc, không học đương nhiên không kích thích được tinh thần tự học, học suốt đời của học sinh. Có hai câu chuyện nhỏ mà nỗi buồn lớn: câu chuyện thứ nhất về việc không quản được thì cấm của Bộ giáo dục (về việc in và phát hành sách tham khảo), họ có luật cấm giáo viên giới thiệu tài liệu tham khảo tới học sinh dưới bất cứ hình thức nào? Có gì khôi hài hơn luật này không?!
Câu chuyện thứ hai, với cương vị là người thầy, tôi đưa sách đến học sinh để khuyến khích thói quen đọc và đọc rộng của các em thì gặp phải lời từ chối của hơn một học sinh giỏi rằng “bố mẹ em không cho đọc gì ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo để học các môn trên lớp”, không biết các ông bố bà mẹ đó có hiểu được sách tham khảo để học tốt, để làm người tốt không phải chỉ là những cuốn sách có gắn mác “sách tham khảo”?
Liệu có giải pháp nào để hình thành thói quen và nhu cầu học suốt đời? Chưa bao giờ việc tự học và học suốt đời lại thuận tiện như bây giờ khi mà nguồn học liệu miễn phí trở nên vô tận và phong phú đến thế. Một xã hội bình đẳng, coi trọng dân chủ, tri thức và tri thức được đánh giá đúng đắn, được trả công xứng đáng sẽ tự nó là một xã hội học tập suốt đời. Sẽ không thể có sự manh nha của xã hội học tập nếu giá trị vật chất được đặt lên tối thượng, nếu mục đích sống cao nhất của mọi thanh niên là có xe Lexus, của mọi cô gái là có túi Louis Vuitton! Vậy giải pháp duy nhất cho xã hội học tập lại quay trở về vấn đề quả trứng và con gà, chỉ khi các hệ giá trị được tạo dựng đúng đắn chúng ta mới dần tạo ra mội xã hội học tập suốt đời, và ngược lại chỉ khi xã hội học tập suốt đời chúng ta mới tạo dựng lại được hệ giá trị đúng đắn cho mọi tấng lớp trong xã hội.r
.................................................................................
Tài liệu tham khảo:
1. Khuyến học, Fukuzawa
2. Trí Tuệ Do Thái, Eran Katz.
3.http://bantingiaoduc.hoasen.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=192:tinh-thn-thc-hc-s-thc-tnh-ca-tng-lp-tri-thc-vit-nam-u-th-k-20&catid=35:chuyen-&Itemid=27
4.http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=6199
5.shttp://huynhmai.org/2013/04/28/day-ky-nang-hay-truyen-kien-thuc/
6.http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-05-27-su-kien-nick-vujicic-gioi-tre-vn-thieu-nhung-cu-hich-
No comments:
Post a Comment