Loài chó ở phương Tây và phương Đông
LÊ ĐÌNH KHẨN
Thịt chó!!!
Chó ở Paris ( Pháp)
Chó ở Paris được xem như là một tầng lớp đặc biệt, có cả một hệ thống phục vụ dành riêng cho chúng. Có đến 50 vạn con chó mỗi ngày phóng uế lên đường phố khoảng 20 tấn phân.
Chính quyền thành phố phải thuê 80 công nhân vệ sinh, xe dọn phân chuyên dụng chạy khắp mọi con đường trong thành phố với tổng chiều dài hàng ngàn km để quyét dọn phân chó. Mỗi năm chi ra ba triệu dolar cho việc này.
Ở những điểm tập trung chó, bên đường còn thiết lập cả “nhà vệ sinh động vật”di động. Tại những phố đông đúc còn có cả cửa hàng thức ăn, cửa tiệm quần áo, nhà tắm, thẫm mỹ viện, bệnh viện dành cho chó phát triển rất phong phú, đa dạng.
Có đến khoảng 550 chuyên gia thú y về chó, “Hiệp hội trung tâm về chó” có cả hồ sơ của từng con chó, sắp xếp quản lý toàn bộ họ nhà chó. Tập san về chó “Ba mươi triệu người bạn” đã phát hành 16 vạn bản mỗi kỳ.
Có một khu lâm viên rất đẹp, bề dài 500m, rộng 100m được thiết lập vào năm 1899 ngay bên bờ con sông Seine thơ mộng. Ít ai nghĩ rằng đó là khu nghĩa địa dành cho loài chó.
Mỗi một cái gò khoảng từ nửa mét đến một mét vuông, được xây nên bằng gạch đá, trên đó là số hiệu, tên chó, ngày sinh, ngày mất, có cái còn nặn cả tượng hình con chó nằm dưới mộ, hay nạm hình con "cẩu" đã “quá cố” .
Không ít những mộ chí còn ghi những lời ai oán bi thương, khiến người nghe cứ nghĩ rằng dưới mộ là những con người: “Công chúa của lòng anh, em còn sống mãi”, “Lulu ơi, trái tim ta đã rỉ máu vì ngươi”, “Con người luôn làm cho ta thấy thất vọng, chỉ có ngươi là mang lại cho ta niềm an ủi”v.v., làm người khác đọc lên thấy thật xúc động, thương cảm.
LOÀI CHÓ Ở VÙNG ĐÔNG Á
Chó ở Trung Quốc
Theo các thư tịch cổ thì loài chó được thuần dưỡng trở thành gia súc rất sớm của người Trung Hoa, hàng ngàn năm trước đây. Đối với họ loài vật nuôi khôn ngoan này có rất nhiều công dụng. Chúng giúp người đi săn, làm cận vệ, giữ nhà, bảo vệ chủ, và làm... thực phẩm. Chúng rất dễ nuôi, ít tốn kém, sinh lợi nhanh.
Ở nông thôn dường như nhà nào cũng nuôi chó. Chúng được thả rông, chủ yếu tự đi tìm kiếm lấy miếng ăn mà sống, thường là những thứ phế thải của con người.
Dân sống ở những đô thị, ngày nay cũng có thú chơi chó cảnh kiểu người phương tây. Giống chó Bắc Kinh bán rất đắt. Tuy nhiên cách hành xử đối với loài vật nuôi này thì nói chung khác người phương tây.
Người Trung Quốc gọi chó là "cẩu"(gou狗), về mặt tu từ, từ này thường được dùng để miệt thị chửi bới người mình căm ghét khinh bỉ, "gou tui zi"(狗腿子:đồ chó săn),"gou x..."(đồ chó x...). Họ cũng gọi chó là "khuyển"(犬), từ "khuyển mã" trong tiếng Hán dùng để miệt thị hạng người tôi tớ làm tay sai.
Thịt chó là một loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, nhất là cư dân các tỉnh phía nam như Quảng Đông, Quảng Tây. Người ta ít khi gọi đích danh thịt chó là cẩu nhục hay khuyển nhục, mà gọi tránh đi là hương nhục(thịt thơm) hoặc địa dương nhục ( thịt dê đất) .
Có lẽ cách gọi ấy là để tránh mặc cảm về việc ăn thịt chó chăng? Hoặc cũng có thể người ta cho rằng thịt dê có giá trị hơn thịt chó. Nên mới có câu tục ngữ là "treo đầu dê bán thịt chó"để chỉ sự tráo trở lừa gạt.
Ở một địa phương thuộc tỉnh Quảng Tây , hàng năm người ta còn tổ chức rầm rộ lễ hội ăn thịt chókéo dài suốt ngày 21 tháng 6 dương lịch. Nghe nói trong ngày lễ hội ấy có không dưới 1000 con cẩu bị sát hại để lấy thịt. Theo báo chí đưa tin thì trong lễ hội năm 2013, một cuộc biểu tình phản đối lễ hội (do các nhà bảo vệ động vật chủ xướng) đã xẩy ra.
Hàng năm ở Trung Quốc có khoảng 10 triệu con "thú cưng" này bị "hành quyết".
Chó ở Việt Nam (và Triều Tiên )
Hai nước láng giềng Trung Hoa này đều nằm trong vùng Hán hóa, chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Quốc. Trong trường hợp này người Việt và người Triều Tiên cũng rất giống người Hán trong cách hành xử đối với loại vật nuôi thân cận này . Ở nông thôn nhà nhà nuôi chó, phố thị không thiếu gì quán thịt chó.
Người Việt miền bắc thường gọi thịt chó là thịt cầy, hàng quán bán thịt chó thì gọi là quán thịt cầy, hoặc quán cầy tơ bảy món. Thậm chí còn gọi theo kiểu chơi chữ : quán mộc tồn. (mộc làcây ,tồn là còn, cây còn làcon cầy) . Cá biệt, vào đầu thập niên sáu mươi của thếkỷ trước có một người gốc miền bắc mở một quán thịt chó ở ngã tư Hàng Xanh, cửa phía bắc của Sài Gòn, để phục vụ đồng bào miền bắc di cư năm 1954, trên biển hiệu không hề có từ chó hay cầy gì cả, mà chỉ có câu: "A đây rồi quê hương". Thực khách nhận biết nhờ hình vẽ củ riềng và mấy chiếc lá mơ lông trên biển hiệu. Có lẽ cũng giống như người Trung Quốc, đó là những cách nói trệch đi để tránh "mặc cảm tội lỗi" hoặc tiếp thị sản phẩm chăng! Vì cầy là loài động vật hoang dã quý hiếm rất ít khi săn bắt được.
Nhập chó cho các nhà hàng
Trong tiếng Việt, từ "chó" ở nhiều trường hơp được dùng với nghĩa miệt thị và phủ định: đồ chó, ngu như chó, khổ như con chó, chẳng ra cái chó gì, có chó đâu, cần chó gì, chó chết, đồ chó săn, đồ chó đẻ v.v..
Quả thật số phận của loài chó ở phương đông thật hẩm hiu và bi thảm.
Khi một người phương tây nhìn thấy người Việt Nam, người Trung Quốc hay người Triều Tiên giết chó để ăn thịt thì họ cảm thâý kinh tởm. Chắc không phải họ chê thịt chó không ngon(vì họ chưa bao giờ dám ăn). Mà chỉ vì họ không thể hình dung nổi cách hành xử có thể nói là rất tàn nhẫn của con người. Con chó( nhất là những con chó được nuôi ở vùng nông thôn) có một phẩm chất rất đáng quý: nó tuyệt đối trung thành với chủ, còn hơn cả người bạn chân chính.
Những năm gần đây, chẳng những "cẩu" bị sát hại bằng đủ mọi cách dã man, mà chính "cẩu tặc"(cách báo chí Việt Nam gọi những người trộm chó)cũng bị giết, bị đốt một cách không thương tiếc ngày càng nhiều.
Không biết, nếu một người phương Tây chứng kiến cảnh hàng trăm người Việt Nam xúm vào đánh hội đồng người trộm chó cho đến chết thảm hại , thì họ sẽ nghĩ gì?!
Có thể xem đó là cấp báo động đỏ về mặt văn hóa ứng xử, không chỉ đối với loài chó./,
No comments:
Post a Comment