Saturday, August 10, 2013

Lý do Càn Long không thể xa Hòa Thân

Lý do Càn Long không thể xa Hòa Thân
Hòa Thân được cho là lanh lợi khéo léo, lời nói dễ nghe, tính nết hòa nhã nên rất vừa ý Càn Long. Hòa Thân cũng là người có tài ngoại giao và kinh doanh xuất chúng với nhiều cửa hàng, xe cộ, nhà cho thuê.Khi nhắc đến Hòa Thân, ai cũng biết đây là một một nhân vật khét tiếng với danh xưng “đệ nhất quan tham” trong lịch sử Trung Hoa. Của cải mà Hòa Thân đã tham ô, nhận hối lộ thì không có bất kỳ một vị quan tham nhũng nào trong lịch sử Trung Quốc cổ đại và hiện đại vượt qua được. Có người ví rằng: Lòng tham vô đáy của Hòa Thân tựa nạn đại dịch hoành hành khắp nơi khiến không ít quan lớn, quan bé đều bị “lây nhiễm” và ra sức tham nhũng.

Vua Càn Long (trái) và Hòa Thân. 
Sở dĩ Hòa Thân có thể vươn lên đỉnh cao của quyền lực rồi làm mưa làm gió như vậy là nhờ sự sủng ái đặc biệt của Hoàng đế Trung Hoa khi đó là Càn Long. Đối với Càn Long, Hòa Thân quan trọng đến mức ngày nào không gặp được Hòa Thân là Càn Long không chịu được. Sự sủng ái thậm chí còn hơn cả Hán Ai Đế đối với Đổng Hiền xưa. Vậy tại sao Hòa Thân lại có được sự ưu ái đặc biệt này?

Theo lời đồn đại, ngay từ cái nhìn đầu tiên, Càn Long đã có ấn tượng rất đặc biệt với vẻ ngoài của Hòa Thân. Bởi vẻ ngoài ấy hao hao với một người tỳ thiếp đã bị thất sủng và qua đời do lỗi của Càn Long khi ông còn nhỏ. Năm Hương phi (tên người tỳ thiếp trên) chết cũng là năm Hòa Thân chào đời. Chiếc bớt trên trán của Hòa Thân rất giống chiếc bớt của Hương phi nên Càn Long cho rằng, nàng đã đầu thai sang kiếp khác thành Hòa Thân.

Với niềm tin như vậy, Càn Long vô cùng cảm mến và quyết định sẽ dành nhiều ưu ái cho Hòa Thân để bù đắp cho sự oan uổng, thiệt thòi trong kiếp trước. Đây chính là xuất phát điểm vô cùng thuận lợi của Hòa Thân. Tuy nhiên, sự hiển đạt sau này của ông ta lại chính là nhờ vào tài năng phi phàm của bản thân.

Hòa Thân tuy nhà nghèo nhưng là người chịu khó học hành, tinh thông 4 loại văn tự là: Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng. Càn Long bèn thăng Hòa Thân từ một chân khiêng kiệu lên đến chức tổng quản trong cung. Về sau, các loại công việc soạn thảo, phiên dịch khiến cho cái thiên phú ngoại ngữ của Hòa Thân càng được phát huy cao độ. Nhờ vậy, y được hoàng đế trọng dụng và khen ngợi hết lời.

Ngoài ra, Hòa Thân lanh lợi khéo léo, lời nói dễ nghe, tính nết hòa nhã... rất vừa ý Càn Long. Tự lập, tự tin, tự cường, cẩn thận, tâm kế lanh lợi cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho Hòa Thân được Càn Long sủng ái.

Trên thực tế, có thể xem Hòa Thân là một chính trị gia, một nhà kinh tế, một nhà thơ, một người am hiểu nghệ thuật... Thời Càn Long, ông ta trong các lĩnh vực ngoại giao, quản lý văn hóa, đặc biệt là phương diện chỉnh đốn hệ thống tài chính quốc gia đều có nhiều cống hiến nổi trội. Chính ông là người chủ biên đại hình tùng thư: “Tú khố toàn thư”, “Đại Thanh nhất thống chí”, “Tam thông”. “Hồng Lâu Mộng” có thể lưu hành phổ biến trên thế giới cũng chủ yếu nhờ công lao của ông ta (Hòa Thân chính là người đã phát hiện và bảo lưu bản thảo của Hồng Lâu Mộng).

Ngoài ra, cũng nhờ tinh thông nhiều loại ngoại ngữ, cho nên trên thực tế, Hòa Thân đã đóng vai trò một Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó. Ông từng nhiều lần trực tiếp tiếp đón sứ thần các đoàn Triều Tiên, Anh và nhiều nước khác. Sứ thần của Anh Maccartney đã nhận xét về Hòa Thân rằng: Trong cuộc đàm phán ông luôn thể hiện là người “am hiểu sâu sắc, thái độ nhã nhặn, xứng đáng là một chính trị gia giỏi”.

Mới chỉ với bấy nhiêu tài năng thôi cũng đã đủ khiến cho Càn Long không thể rời xa ông, huống hồ Hòa Thân lại còn có một biệt tài rất cần thiết cho hoàng đế, đó là quản lý tài chính.

Sau khi trở thành trợ lý riêng của vua Càn Long, sở trường kinh doanh của Hòa Thân nhanh chóng bộc lộ và được Càn Long rất chú ý, coi trọng. Càn Long năm thứ 41 (năm 1776), ông đảm nhiệm chức Đại thần Nội vụ phủ. Trước đó, cơ quan phụ trách vấn đề tài chính của triều đình luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Sử cũ còn chép rằng: “Khi những khoản thu nhập từ bản phủ không đủ dùng, phải lấy thêm khoản viện trợ từ ngân khố của Bộ Hộ”.

Nhưng sau khi Hòa Thân nhậm chức không lâu, vấn đề tài chính đã được cải thiện rõ rệt, không những bù đắp được những thâm hụt trước đó mà còn xuất hiện thặng dư. Với tài kinh doanh của ông ta, thuế thu nhập chẳng mấy chốc tăng nhanh. Càn Long rất hài lòng về bản lĩnh quản lý tài chính của Hòa Thân. Các cơ quan liên quan đến tài chính và sở hữu dần dần đều nằm dưới quyền kiểm soát của Hòa Thân.

Các đại sĩ phu truyền thống thường vụng về trong xử lý tài chính, nhưng riêng Hòa Thân thì lại có đầu óc kinh doanh bẩm sinh. Đối với những người có tiền, sự lựa chọn đầu tiên luôn luôn là để mua đất, đem tài sản không cố định biến thành tài sản cố định theo quan niệm “nhập thổ vi an”. Còn với Hòa Thân, trước bất động sản và tiền mặt, ông ta hiển nhiên có hứng thú với tiền mặt. Tiền hối lộ và tham nhũng của ông, một phần dùng vào mở rộng bất động sản còn phần lớn dùng vào đầu tư công nghiệp và thương mại (bao gồm nhiều ngành nghề như tài chính, bất động sản, khai thác mỏ, hậu cần, y học, kinh doanh...).

Hòa Thân có 12 hiệu cầm đồ ở nội thành Bắc Kinh. Ngoài ra, ông còn điều hành nhiều cửa hàng đồ sứ, dược phẩm, đồ cổ, cung tên, hộp tủ, thảm yên, thực phẩm, nhà trọ, tiệm rượu, lò nung vôi... Gia đình ông có 80 xe ngựa lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo thống kê của các quan viên làm nhiệm vụ giám sát và tịch thu gia sản sau này, Hòa Thân còn có 35 nhà cho thuê ở Bắc Kinh. Mỗi năm tiền cho thuê nhà thu được là 1.268 lượng bạc. Viện bảo tàng Cố Cung cho biết: Miễn nó là ngành kinh doanh thu lợi nhuận nhanh thì nó sẽ có sự hiện diện của Hòa Thân.

Hòa Thân còn là người dám mạo hiểm. Công nghiệp khai khoáng là ngành có nguy cơ rất lớn, quản lý phức tạp, đầu tư nhiều, thu hồi chậm. Khi hầu hết mọi người không dám đầu tư thì Hòa Thân lại dám thử. Ông xem ngành công nghiệp khai thác than là một ngành công nghiệp mới nên đầu tư rất nhiều vào các mỏ than ở Môn Đầu Câu và Hương Sơn.

Hòa Thân tích lũy được tài sản cực lớn từ việc kinh doanh nhưng vẫn chưa bằng tiền thu được từ tham nhũng. Sau khi Càn Long qua đời, Hoàng đế Gia Khánh mới có thể truy cứu Hòa Thân. Tham quan này bị bắt. Sau khi hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ.

No comments:

Post a Comment