Wednesday, August 14, 2013

NHỮNG TRIỆU CHỨNG CẦN LƯU Ý CHO NGƯỜI CAO TUỔI

NHỮNG TRIỆU CHỨNG CẦN LƯU Ý CHO NGƯỜI CAO TUỔI


1- Khi không (bỗng nhiên) thấy tức thở
Lý do: có thể là do nghẽn mạch phổi(pulmonary embolus). Nhận xét: Cảm thấy khó thở sau khi tập thể dục hay đang ngồi có thể là do vận động hay do ưu tư lo lắng. Nhưng nếu đột nhiên bị khó thở có thể là do chứng nghẽn mạch phổi do cục đông máu làm nghẹt mạch máu trong phổi. Bệnh này có thể nguy hiểm tới tính mạng. Một lý do khác là tim lên cơn đau hoặc trụy tim. Cả hai tình huống trên đều làm cho bệnh nhân thở gấp hay khó chịu hoặc cảm thấy thiếu không khí . Cẩn đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Đại gia thích người đẹp nhưng nguy cơ thì nhãn tiền ?
Ảnh minh họa cho đẹp.
2- Tim đập rộn trong khi đang ngồi yên
Lý do: có thể là do lên cơn đau tim (heart attack). Nhận xét: Đánh trống ngực (palpitations) có thể chỉ là vì ưu tư lo lắng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của cơn đau tim hay chứng loạn nhịp tim (arrhythmia) .Nên liên lạc với bác sĩ ngay.

3- Choáng váng chóng mặt khi ra khỏi giường
Lý do: có thể là do huyết áp thấp. Nhận xét: Chóng mặt vào buổi sáng được gọi là "huyết áp thế đứng thấp" (orthostatic hypotension) gây ra bởi sự loại nước (dehydration) , bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson, bệnh trụy tim, hay thuốc men bao gồm cả thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp. Một lý do khác có thể là chứng "chóng mặt tư thế nhẹ " (benign positional vertigo) gây ra bởi sự xáo trộn của các bộ phận cân bằng của tai trong. Nên đi gặp bác sĩ để chẩn đoán.

4- Nước tiểu rò rỉ
Lý do: có thể là do chứng són đái (urinary incontinence) mà nguyên nhân không phải vì lão hoá, nhiểm khuẩn đường tiểu (urinary tract infection-UTI) , bệnh tiền liệt tuyến, dây thẩn kinh bị ép. hoặc tiểu đường Nhận xét: đi gặp bác sĩ để chẩn đóan

5- Đầu đau như búa bổ
Lý do: có thể là do xuất huyết não Nhận xét: Trong phần lớn trường hợp đó là triệu chứng của chứng nhức nửa đầu (migraine) chỉ cần uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi là hết. Nhưng một vài trường hợp hiếm xẩy ra là chứng nhức đầu có thể là dấu hiệu có khối u hay xuất huyết trong não. Cẩn đặc biệt chú ý là khi bị đau nhiều nửa bên đầu một cách đột ngột và kéo dài mà lại kèm theo buồn nôn, ói mửa, và chảy nước mắt. Trong trường hợp sau này phải đi bệnh viện gấp.

6- Mắt bị sưng vù
Lý do: có thể là do viêm dây thần kinh mắt (optic neuritis). Nhận xét: Dây thần kinh mắt có thể bị nhiễm khuẩn hay bị dị ứng. Nếu chữa sớm thì không hại gì cho mắt vì vậy cần đi bác sĩ khẩn cấp.
7- Tai đau và mắt nhìn thấy hai hình (song thị)
Lý do: có thể do tai giữa bị nhiễm khuẩn Nhận xét: Bệnh có thể trở thành nghiêm trọng bất ngờ vì vậy cần đi bác sĩ cấp thời nếu chứng đau không dứt và/hoặc có bị thêm chóng mặt lảo đảo, nhức đầu, ói mửa, song thị, nửa ngủ nửa thức, cổ cứng đơ, sưng ở sau tai, sốt nhiều và liệt mặt.

8- Tự nhiên giảm sút ký
Lý do: có thể là do ung thư. Nhận xét: Nếu ăn uống vẫn bình thường như cũ mà đột nhiên bị sút cân thì có thể là bị bệnh ác tính. Một nguyên nhân khác cũng có thể là do sự bất bình thường nội tiết (endocrinic abnormality) như bệnh tuyến giáp trạng (thyroid disorder), trầm cảm hay tiểu đường. Nên đi gặp bác sĩ ngay để chẩn đoán.
9- Đột nhiên đau háng
Lý do: có thể là do tinh hoàn bị xoắn Nhận xét: Đây là một khuyết tật bẩm sinh khá thông thường. Ống dẫn tinh trùng bị xoắn làm máu không chạy tới tinh hoàn. Cơn đau cũng giống như bị đá vào háng. Đôi khi ngoài cơn đau còn thấy bị sưng nữa. Trong vòng 4 hay 6 tiếng thì còn cứu đươc, chứ trễ từ 12 đến 24 tiếng thì coi như phải cắt bỏ. Một nguyên nhân khác có thể là nhiểm khuẩn mào tinh hoàn (epididymis) tức là bộ phận trữ tinh trùng. Trong trường hợp này có thể dùng trụ sinh để chữa trị.
10 - Đau nhói gan bàn chân
Lý do: có thể là do bệnh thần kinh (neuropathy) . Nhận xét: Đau nhói cứ tái phát ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể có thể là do sự nén ép dây thần kinh, tăng thông khí phổi (hyperventilation) hoặc bệnh thần kinh. Liên lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt.

11- Vết thâm tím mãi không tan Điều gì xẩy ra:
Lý do: bệnh tiểu đường. Nhận xét: Vết đứt hay thâm tím chậm lành có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường (dấu hiệu khác gồm có da bị ngứa hoặc đau nhói bàn tay hay bàn chân). Nên tìm cách giảm cân (giảm 10 phẩn trăm trọng lượng ảnh hưởng đáng kể lên mức đường trong máu), tập thể dục và coi chừng thói quen ăn uống.

12 - Răng đau buốt khi ăn Sô-cô-la Điều gì sẽ xẩy ra:
Lý do: viêm lợi. Nhận xét: Một trong những dấu hiệu đầu tiên của sâu răng là nhạy cảm với đồ ngọt. Dấu hiệu đầu tiên khác là răng mất mầu và có mùi khi cà răng. Kỹ thuật laser có thể phát hiện sớm các ổ răng sâu và tiêu diệt các vi khuẩn trước khi làm sâu răng.
13 - Vòng eo rộng 42 inch Điều gì sẽ xẩy ra:
Lý do: bất lực. Nhận xét: Có thể bây giờ chưa có vấn đề nhưng trong tương lai bạn có thể bị loạn năng cường dương (erectile disfunction) . Nguyên do là vì khi đàn ông quá mập các động mạch thường hay bị nghẹt nên dòng máu không đủ làm cho cương. Hãy tập thể dục đều cho đến khi eo thon lại, thắt vừa dây lưng 34 inch.

14 - Mắt thoáng không thấy gì - chỉ trong một giây
Lý do: có thể là do đột quỵ (stroke). Nhận xét: Các yếu tố rủi ro chính của đột quỵ là cao huyết áp (trên 140/90) và cholesterol toàn phần cao hơn 200. Bị tê một bên người và tạm thời hai mắt không nhìn thấy gì là những dấu hiệu đáng chú ý nhất. Đột nhiên bị tê, nói liú lưỡi, hay mất thăng bằng có thể là bẳng chứng của một cơn đột quỵ nhẹ gọi là đột quỵ thiếu máu cục bộ đoản kỳ (transient ischemic attack- TIA). Đột quỵ nhẹ này thường báo trước một đột quỵ thật sự nên khi có triệu chứng của TIA thì phải gặp bác sĩ ngay.
15 - Có cảm giác như bị ợ nóng (heartburn)
Lý do: có thể là do chứng đau thắt (angina). Nhận xét: Đau ngực cả hàng giờ, lúc có lúc không, được bác sĩ gọi là "hội chứng mạch vành không ổn định" (unstable coronary syndrome). Nguyên nhân là vì các cục đông máu đươc tạo thành bên trong thành động mạch vành ngay tại chỗ mảng (plaque) bị bể vỡ. Khoảng 50 phẩn trăm những người có hội chứng trên đây sẽ bị lên cơn đau tim trong vòng 6 tháng sau. Mỗi khi thấy đau thắt ngực, cần phải đi bệnh viện.

16 - Đau lưng nhiều
Lý do: có thể là do chứng phình mạch (aneurysm). Nhận xét: Đau cũng tương tự như vừa dọn dep xong tủ quẩn áo bề bộn. Thế nhưng chườm nóng, nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau thông thường lại không khỏi. Nếu không phải vì tập thể dục thì đau lưng bất chợt như vậy có thể là dấu hiệu của chứng phình mạch. Chứng đau này chỉ hết khi động mạch chủ bị bể. Một nguyên nhân khác của chứng đau lưng này - kém phần nguy hiểm hơn - là sạn thận. Bác sĩ cho chụp CT scan để xác định vị trí và hình dạng của chỗ mạch phình, sau đó cho uống thuốc huyết áp hay giải phẫu ghép nối nhân tạo.
17- Ngồi lâu trên ghế không yên
Lý do : có thể do các cơ lưng bị căng thẳng. Nhận xét : Nếu cứ phải thay đổi vị thế ngồi luôn tức là có dấu hiệu các cơ lưng bị căng thẳng và điều này có thể dẫn đến đau lưng dưới. Cẩn phải lựa chọn ghế ngồi cho thoải mái, sao cho đầu ở vị trí ngay đối với cột sống để giảm tối thiểu sức căng thẳng trên cổ, vai và lưng dưới.

18 - Bạn mới biết thân phụ bị cao huyết áp
Điều gì sẽ xẩy ra: bạn cũng sẽ bị cao huyết áp luôn. Nhận xét: Vì bệnh cao huyết áp vừa phải không có dấu hiệu bên ngoài nên cẩn phải đo huyếp áp mỗi năm một lần, nhất là nếu trong gia đình có tiền sử bị cao huyết áp. Nghiên cứu cho thấy là những người bị căng thẳng tinh thần vì cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp cũng có nhiểu rủi ro bị bệnh này luôn. Nếu số đo huyết áp cao hơn 140/90, bạn nên tập thể dục nhiều hơn, tìm cách sụt cân, giảm sodium trong chế độ ăn uống, ăn loại cá tốt cho tim, uống nhiều vitamin C.

19 - Tay bị run khi tập thể dục
Lý do: có thể là do cơ bắp bị mỏi mệt. Nhận xét: Nếu bạn đã bỏ tập cả nhiều tháng thì cơ bắp bị run có thể là vì mệt mỏi. Vì vậy khi mới tập trở lại bạn nên tập vừa phải, đừng tập quá mệt. Bạn hãy ngưng tập khi cảm thấy các cơ bắp bắt đầu run.
20 - Trong bàn tiệc bạn thấy mọi thứ đều quay cuồng
Lý do: do bạn đã quá chén. Nhận xét: Rượu làm suy yếu hệ thần kinh trung ương. Vì vậy nếu bạn uống quá nhiều, tất cả những gì trong cơ thể có liên quan tới hệ này sẽ đều bị suy yếu: trí phán đoán, khí sắc, khả năng phối hợp và quân bình, sự nhạy cảm với đau đớn, khả năng sinh dục… Bạn nên tránh đừng uống rươu nhiều. Bạn nên nhớ là nếu nồng độ rượu trong máu hơn 0.06 phần trăm là trên pháp lý bạn đã bị coi như là say rượu.

21- Đau dai dẳng ở bàn chân và cẳng chân
Lý do: nhiều triển vọng là do gẫy xương vì sức nén (stress fracture). Nhận xét: Cũng giống như các mô khác trong cơ thể, xương tự tái tạo. Nhưng nếu bạn tập thể dục quá mạnh, xương không có cơ hội để lành trở lại nên một vết gẫy vì sức nén (stress fracture) sẽ có thể xuất hiện. Vì thế mu bàn chân và phiá trước cẳng chân sẽ đau dai dẳng. Bạn càng tập thể dục thì càng đau và ngay cả khi ngưng nghỉ cũng đau. Uống thuốc ibuprofen hay paracetamol không ăn thua gì. Thuốc mầu phóng xạ cho thấy chỗ xương gẫy qua hình chụp tia X, và bác sĩ sẽ bắt bạn phải nghỉ tập cho đến khi xương lành. Trường hợp xấu nhất là bạn phải bó bột vài tuần.

22 - Đau như cắt ở bụng
Lý do: Vì vùng giữa xương sườn và háng có kẹt đầy các bộ phận nên đau có thể là triệu chứng hoặc của viêm ruột thừa, viêm tụy tạng hoặc của túi mật bị sưng. Cả ba trường hợp đểu có cùng một nguyên nhân : vì một lý do nào đó các bộ phận này đã bị nhiễm khuẩn nguy hại đến tính mạng. Nhận xét : Nếu để bộ phận nói trên bể vỡ ra thì bệnh nhân có thể bị chết, vì vậy cẩn đi bệnh viện cấp thời.

23- Cẳng chân bị đau và sưng to
Lý do: có thể là do chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis –DVT). Nhận xét: Chỉ cẩn ngổi một chỗ liền chừng 6 tiếng hay hơn là máu sẽ tụ ở cẳng chân dưới tạo thành cục đông máu (gọi là chứng huyết khối tĩnh mach sâu). Cục đông máu đủ lớn sẽ làm nghẹt tĩnh mạch bắp chân gây đau và sưng. Xoa cẳng chân là điểu đầu tiên bạn sẽ làm nhưng cũng là điều tệ hại nhất vì cục đông máu lớn có thể chạy ngược lên phổi, điều nầy gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn. Muốn chụp hình tia X để định bệnh DVT bác sĩ phải chích chất mẩu vào tĩnh mach. Bác sĩ sẽ cho thuốc làm tan cục đông máu hoặc đặt cái lọc vào tĩnh mạch để chặn cục đông máu không cho chạy lên phổi.

24 - Tiểu tiện bị đau
Lý do: có thể là do ung thư bàng quang (bọng đái). Nhận xét: Rặn tiểu là cả một cực hình và nước tiểu lại có màu rỉ sắt. Đau và máu trong nước tiểu là hai triệu chứng của ung thư bàng quang. Hút thuốc là yếu tố rủi ro bị bệnh lớn nhất. Nếu khám phá sớm bệnh có 90 phẩn trăm triển vọng được chữa khỏi. Nhiễm khuẩn bàng quang cũng có cùng các triệu chứng như trên (Theo "24 warning signs you cannot afford to ignore").
BK Nguyễn Hữu Thắng sưu tầm

Đưa “người rừng” về: Không thể làm khác!

Đưa “người rừng” về: Không thể làm khác!
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, việc đưa cha con “người rừng” về với cộng đồng xuất phát từ mục tiêu nhân đạo, là việc làm tốt. Còn đánh giá như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người.
“Không có một ai hay lực lượng nào có thời gian thể đưa cuộc sống bên ngoài vào rừng từng ngày một, và ngay cả khi làm được thì “người rừng” cũng đâu có chịu tiếp nhận. Chuyển họ ra ngoài như vậy là giải pháp duy nhất. Ta cần đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để hiểu và thông cảm chứ không nên chỉ ngồi một chỗ để phê phán”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học: Lý luận và ứng dụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) khẳng định.
Đưa “người rừng” về: Không thể làm khác!, Tin tức trong ngày, su that ve nguoi rung, nguoi rung o quang ngai, phat hien nguoi rung, nguoi rung 24h, nguoi rung co that, dua nguoi rung ve nha, nguoi rung, nguoi song trong rung, lac trong rung, lam nha tren cay, song trong rung, tin nhanh, tin moi, tin hay, tin nong, tin hot, tin tuc, tin tức, bao dien tu, xa hoi, bao vn, bao, doc bao, vn
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: "Việc đưa cha con “người rừng” về với cộng đồng xuất phát từ mục tiêu nhân đạo, là việc làm tốt. Còn đánh giá như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người."
Không thể làm khác
Gần đây dư luận đang xôn xao về vụ việc “người rừng” trở về. Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư nhận định như thế nào về trường hợp này?

Hiện tượng một người đang sống trong thế giới bình thường rồi vì một lý do nào đó mà bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài luôn là những trường hợp cá biệt, nhưng đây đó trong lịch sử nhân loại không phải là không có. Những trường hợp kinh điển mà mọi người đều biết có thể kể đến là trường hợp cậu bé Tarzan hoặc Robinson Crusoe.
Có ý kiến cho rằng, việc đột ngột đưa “người rừng” ra khỏi cuộc sống quen thuộc của họ giống với việc bắt cóc hơn là giải cứu. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này?
Theo tôi, việc đưa họ ra khỏi rừng xuất phát từ mục tiêu nhân đạo, là việc làm tốt. Còn đánh giá như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người. Trước một sự việc bao giờ cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Sở dĩ như vậy là vì điều gì cũng có hai mặt: mặt ưu và mặt nhược, mặt tốt và mặt xấu.
Đưa “người rừng” về: Không thể làm khác!, Tin tức trong ngày, su that ve nguoi rung, nguoi rung o quang ngai, phat hien nguoi rung, nguoi rung 24h, nguoi rung co that, dua nguoi rung ve nha, nguoi rung, nguoi song trong rung, lac trong rung, lam nha tren cay, song trong rung, tin nhanh, tin moi, tin hay, tin nong, tin hot, tin tuc, tin tức, bao dien tu, xa hoi, bao vn, bao, doc bao, vn
“Người rừng” Hồ Văn Lang ngày trở về
Nếu xét về nguyện vọng của cha con “người rừng” thì họ sống trong môi trường quen thuộc đã lâu và không muốn thay đổi. Vì thế, việc đưa ra ngoài là không phù hợp với nguyện vọng của họ. Trước đây người thân đã cố gắng đưa ra nhiều lần nhưng không thành công. Thế nhưng, trong trường hợp lần này, người cha đã bị ốm nặng, nếu không đưa ra ngoài để khám chữa bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, ở bên ngoài, hai cha con còn có anh em, họ hàng. Họ có thể sum họp với người thân của mình và sau khi tái thích nghi, họ sẽ hòa nhập được vào cuộc sống bình thường.
Tôi nghĩ, ngoài cách làm vừa rồi, không có một phương án nào khác để chuyển “người rừng” về cuộc sống xã hội. Không có một ai hay lực lượng nào có thời gian để đưa cuộc sống bên ngoài vào rừng từng ngày một, và ngay cả khi làm được thì họ cũng đâu có chịu tiếp nhận. Chuyển người rừng ra một cách đột ngột như vậy là giải pháp duy nhất. Ta cần đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để hiểu và thông cảm chứ không nên chỉ ngồi một chỗ để phê phán.
Theo Giáo sư, việc đưa “người rừng” tái hòa nhập với cộng đồng sẽ dẫn đến những cú sốc nào khi họ đã cách xa với văn minh loài người hơn 40 năm trời?
Tất nhiên họ sẽ sốc vì chuyển từ môi trường này sang môi trường khác cách xa nhau rất nhiều. Họ có thể bị sốc về mọi thứ, trên tất cả lĩnh vực: sốc sinh hoạt, sốc giao tiếp, sốc tâm lý, sốc văn hóa…
Dù nghèo vẫn đỡ hơn sống trong rừng
Ngôn ngữ giao tiếp có thể được coi như là một trong những trở ngại đối với “người rừng”. Không chỉ là nhà văn hóa học, Giáo sư cũng đồng thời còn là nhà ngôn ngữ học, ông nghĩ sao về trở ngại này?
Một số báo viết rằng “người rừng không giao tiếp được” hay “không quen giao tiếp”, tôi cho như vậy là chưa đúng. Vì nếu đứa bé một vài tuổi bị bỏ vào rừng và chỉ có một mình trong vòng 40 năm như vậy thì mới thì mới xảy ra tình trạng không biết nói. Nhưng ở đây có hai bố con, người bố vào rừng khi đã trên dưới 40 tuổi rồi, ngôn ngữ hoàn hảo rồi. Hai bố con ở trong rừng vẫn giao tiếp với nhau. Chỉ có điều ngôn ngữ của họ dừng lại ở thời điểm cách đây 40 năm. Có nghĩa là chỉ có một số từ ngữ mới xuất hiện sau đó của người dân tộc Kor thì họ mới không biết mà thôi. Hiện nay, trong khi người bố nằm viện, người con ở ngoài một mình, ít giao tiếp là vì bị shock chứ không phải là vì không giao tiếp được. 40 năm tuy là khoảng thời gian dài nhưng không đến nỗi khiến họ “không giao tiếp được”, bằng chứng là báo chí đã đưa tin và ảnh về việc hai bố con gặp lại nhau và nói chuyện với nhau.
Đưa “người rừng” về: Không thể làm khác!, Tin tức trong ngày, su that ve nguoi rung, nguoi rung o quang ngai, phat hien nguoi rung, nguoi rung 24h, nguoi rung co that, dua nguoi rung ve nha, nguoi rung, nguoi song trong rung, lac trong rung, lam nha tren cay, song trong rung, tin nhanh, tin moi, tin hay, tin nong, tin hot, tin tuc, tin tức, bao dien tu, xa hoi, bao vn, bao, doc bao, vn
Chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà cho cha con "người rừng”
Theo Giáo sư, liệu cuộc sống hiện đại có phải là một cuộc sống ưu việt đối với “người rừng”?
Thứ nhất, cuộc sống bên ngoài đa dạng và phong phú hơn. Trong khi đó, cuộc sống trong rừng rất nghèo nàn, chỉ dừng lại ở mức tồn tại, hết ngày này đến ngày khác chỉ vật lộn để kiếm ăn, để không bị đói khát, bệnh tật... Còn khi trở về làng thì dù có là người nghèo nhất thì sự lo lắng vật chất cũng đỡ hơn trong rừng rất nhiều. Các công cụ lao động cũng phong phú và tiện lợi hơn. Thứ hai, trong rừng chỉ có hai bố con, còn về làng thì mỗi khi khó khăn còn có cộng đồng giúp đỡ. Thứ ba, không chỉ đời sống vật chất đỡ lo lắng hơn mà đời sống tinh thần cũng phong phú hơn. Không những được tiếp xúc với TV, phim ảnh, báo chí mà bản thân sự giao tiếp với mọi người cũng là một trường học. Việc học hỏi sẽ giúp cho cuộc sống nội tâm phong phú hơn. Một ngày ở ngoài này có thể bằng nhiều năm trong rừng.
Theo Giáo sư, làm sao để có thể giúp "người rừng" hội nhập với cuộc sống văn minh một cách hiệu quả nhất?
Thứ nhất, người thân phải hết lòng thương yêu, giúp đỡ về vật chất và chăm sóc về tinh thần, luôn quan sát để giúp họ tránh mọi nguy hiểm. Thứ hai, điều quan trọng là phải hạn chế họ tiếp xúc với những người lạ hiếu kỳ, để cho họ sống một cuộc sống yên ổn bình thường. Ngay cả lãnh đạo nếu có quan tâm thì cũng nên quan tâm gián tiếp qua người thân của họ, không cần phải rùm beng.
Ngoài ra, người bố từng là lính thì ông ấy có quyền được hưởng những quyền lợi phù hợp với những gì đã đóng góp cho đất nước.
Liệu chúng ta có thành công hay không để đưa họ trở về từ một cuộc sống cách xa với văn minh loài người đến gần 40 năm?
Với những gì đã nói bên trên, tôi nghĩ chắc chắn sẽ thành công.
Kết thúc câu chuyện, Giáo sư muốn chia sẻ gì với những người đang quan tâm đến vấn đề của “người rừng”?
Trước tất cả mọi sự kiện, tôi mong mọi người nên bình tĩnh và xem xét nó từ nhiều góc độ. Đừng nên gây ồn ào, có những suy nghĩ và những lời tuyên bố cực đoan. Chính sự ồn ào cực đoan ấy sẽ tác động rất xấu đến người trong cuộc. Nó có thể còn gây sốc hơn cả những cú sốc khác mà “người rừng” phải tiếp nhận khi hòa nhập với cuộc sống mới.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Thương cho trót!
Ở một giác độ khác, xung quanh câu chuyện “người rừng”, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Qua vụ việc này, tôi thấy có ba vấn đề được rút ra đó là: sự tàn khốc của chiến tranh, nghị lực phi thường của hai cha con và tình phụ tử, không quản ngại khó khăn, điều kiện khắc nghiệt để nuôi con của người cha. Còn về việc giúp họ hòa nhập cuộc sống mới, tôi thấy mọi người quan niệm đơn giản quá, cứ nghĩ cho cái nhà, cho ít gạo là được. Không thể quá đơn giản như thế được! Nhưng nhân đạo cũng phải có quá trình, đầu tư, phải có người gần gũi quan tâm giúp họ không quên tiếng nói, và hiểu vấn đề của mình”.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một hiện tượng mà thế giới quan tâm như vậy, mình càng phải lưu tâm hơn. “Không dễ gì mà nhiều báo nước ngoài đưa tin về Việt Nam như thế. Về dinh dưỡng cũng phải lưu ý như thế nào, chứ không thể để họ ăn như người thường vì họ sẽ không quen. Tóm lại là phải có chuyên gia, một hội đồng góp ý làm gì, không thể đơn giản, qua loa”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Minh Vương (thực hiện) (Khampha.vn)

Lũ lượt kéo đến bệnh viện Hoài Đức sau scandal

Lũ lượt kéo đến bệnh viện Hoài Đức xét nghiệm sau scandal
Sáng nay, hàng trăm bệnh nhân từng bị nhân bản kết quả xét nghiệm đã trở lại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) để khám lại. Khác với sự nhanh gọn trước đây, lần này họ phải chờ nhiều tiếng đồng hồ mới lấy được kết quả.
Sau vụ việc "Nhân bản kết quả xét nghiệm máu" được đưa ra ánh sáng, Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức vẫn tiếp tục làm việc tiếp đón người dân khám chữa bệnh.

Ước tính có tới hàng trăm lượt người đến đăng ký khám chữa tại bệnh viện sáng ngày 13/8. Trong số này, phần lớn là các bệnh nhân từng bị nhận phải kết quả giả trước đây.


Khắp từ trong ra ngoài phòng xét nghiệm đều chật kín người ngồi chờ đợi.

Khu vực khoa xét nghiệm chật chội ngay từ 7h30 sáng. Trong số này có nhiều người già và trẻ em. 

Rất nhiều lời bàn tán sôi nổi quanh vụ việc 'nhân bản' kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện. Khi được hỏi mọi người đều cho rằng có nhu cầu khám chữa bệnh thì họ vẫn phải tới đây. Họ tin rằng ê kíp y bác sĩ mới sẽ làm tốt, làm đúng nhiệm vụ của người thầy thuốc.

Phần lớn bệnh nhân tới đây đều là những người dân quanh vùng. Họ không còn nơi nào khác để trị bệnh khi không muốn đi xa.

Chị Phạm Thị Liên (ngồi hàng ghế thứ 2) đến khám và xét nghiệm lại máu. Chị và hàng chục người ngồi chờ từ 9h tới 11h vẫn chưa đến lượt lấy máu.

Ê kíp bác sĩ, y tá mới làm việc liên tục từ sáng đến trưa không được nghỉ tay.

Chỉ mới thời gian ngắn trước đây, người bệnh chỉ cần chờ khoảng 15 đến 30 phút đã nhận được bản kết quả nhưng là giả. Còn lần này sau khi ngồi chờ vài giờ lấy mẫu máu, rồi thêm 3 tiếng sau mới có được kết quả. Phần lớn phải ra về buổi chiều quay lại nhận lại phiếu xét nghiệm của mình.

Dự kiến, trong vài ngày tới, bệnh viện vẫn đông đúc cảnh khám chữa bệnh và xét nghiệm lại.

Tuấn Mark
Theo Tri Thức

Ni cô 'thay nâu sồng mặc quân phục'

Ni cô 'thay nâu sồng mặc quân phục'

Chính quyền yêu cầu các ni cô diễn văn nghệ nhân ngày kỷ niệm chính trị
Dư luận trong nước đang ồn ào về một buổi văn nghệ ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, trong đó các ni cô xuất hiện trong trang phục bộ đội và cầm súng.
Trên mạng xã hội Việt Nam đang lan truyền hình ảnh các ni cô mặc trang phục đời thường trình diễn văn nghệ trên sân khấu mà nhiều người cho là ‘phản cảm’ và ‘báng bổ Phật giáo’.
Tuy nhiên, một vị ni trưởng có liên quan lại nói rằng chương trình này diễn ra ‘hoàn toàn theo ý của chính quyền’ và các ni cô đã trình diễn ‘một cách vô tư’ mà không nghĩ gì đến hậu quả.

Sự việc xảy ra hôm thứ Sáu ngày 9/8 tại chùa Pháp Hải, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, chỉ vài ngày trước khi chư tăng ni ở Việt Nam chấm dứt ba tháng cấm túc tu tập kéo dài từ tháng Tư đến tháng Bảy âm lịch vốn được gọi là An cư kiết hạ.

‘Ngày hội nữ tu’



Theo giới luật nhà Phật, trong ba tháng mùa hạ, chư tăng ni phải tập trung tu tập và hành thiền để tinh tấn về cả giáo pháp và đạo hạnh, hạn chế đi ra ngoài để tránh giẫm đạp sinh linh cũng như tiếp xúc với bên ngoài.
Chùa Pháp Hải là một điểm an cư cho các ni cô và ni sinh trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Sự việc đã thu hút sự chú ý của dư luận sau khi trang mạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vốn thường được gọi là ‘giáo hội nhà nước’, đăng tải phóng sự ảnh về ‘Ngày hội nữ tu’.
Những bức ảnh được đăng tải cho thấy các ni cô không còn vận nâu sồng mà thay vào đó là áo tứ thân, áo dài khăn đóng và những trang phục cách điệu sặc sỡ đang múa hát.
Thậm chí, trong một tiết mục, các vị nữ tu này còn vận vào trang phục bộ đội thời chiến, đội mũ tai bèo và cầm súng giả lên sân khấu.


Hiện giờ bức ảnh gây tranh cãi này đã được dỡ ra khỏi phóng sự ảnh.
Phông nền của sân khấu ghi rõ đây là sự kiện do ‘Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh’ chủ trì.
Trang mạng của Giáo hội còn cho biết đây là sự kiện này được tổ chức nhân ‘kỷ niệm 65 ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc’ nhằm ‘đẩy mạnh phong trào rèn luyện của nữ tu’ nhưng không thấy đề cập buổi trình diễn này có liên quan gì đến đợt an cư kiết hạ hay không.
Theo phóng sự ảnh này thì đây là ‘lần đầu tiên’ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh tổ chức trình diễn văn nghệ nhân dịp kết thúc ba tháng mùa hạ.



Thượng tọa Thích Huệ Minh, phó Ban trị sự Phật giáo huyện Bình Chánh, được dẫn lời nói đây là ‘mô hình thật hay.. .cần phải mở rộng trong mùa An cư kiết hạ những năm sau’.
Tuy nhiên, nhiều người không có cùng suy nghĩ với Thượng tọa Thích Huệ Minh.
Cũng chính trên trang nhà của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phóng sự ảnh này đã nhận nhiều lời chỉ trích.


Một người ký tên là Phật tử bình luận: “Xưa chỉ có người diễn vai tu sỹ để tỏ lòng ca ngợi chánh pháp, đạo lý. Sao giờ lại có chuyện người tu hành cởi áo cà sa, giả trang trần tục để diễn vai chiến tranh?”
“Ngày nay tu giống đời thường quá. Buổi văn nghệ không khác chi ngày hội tòng quân. Chả trách đạo đức thời nay xuống cấp trầm trọng,” một người tên Kiên viết.
Một người khác ký tên là Hoàng Khôi bức xúc: “Đạo Phật mong cầu thoát khỏi thất tình lục dục. Thi thố ăn thua, đàn ca hát xướng, cởi áo nầu sồng khoác áo lính. Các vị có thuộc các giới mà Phật đã dạy cho ni chúng không?”

‘Rất phiền lòng’


Đây là hoạt động vào cuối mùa An cư kiết hạ khi các ni cô chuẩn bị trở về tu viện của mình
Cũng trong phóng sự ảnh này, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Ngọc, viện chủ Chùa Pháp Hải, được mô tả là ‘vô cùng hoan hỷ’ về ngày ‘Ngày hội nữ tu’ này.
Tuy nhiên, trao đổi với BBC, Ni trưởng Huệ Ngọc nói bà cảm thấy ‘rất phiền’ khi sự việc để lại dư luận không tốt như thế.


Bà cho biết đây là sự kiện do hội phụ nữ chứ không phải nhà chùa đứng ra tổ chức.
“Họ đề xuất mình có năng khiếu sáng tạo gì nhân ngày 60 năm Bác Hồ kêu gọi,” bà nói, “Nhà chùa chỉ là nơi mượn địa điểm để tổ chức”.

“Bên phụ nữ yêu cầu chủ để ca ngợi đất nước và người phụ nữ nên làm như vậy thôi”.
“Họ nói là chủ đề 60 năm lời kêu gọi của Bác Hồ gì đó. Tôi không rành đâu, tự vì mình tu mình cũng hổng rành các việc đó,” bà nói.

Khi được hỏi các tiết mục trình diễn có liên quan gì đến Phật giáo không, ni trưởng trả lời ‘họ (chính quyền) chỉ yêu cầu cái đó thôi’.


Bà cũng giải thích là các hành giả an cư ‘chỉ vô tình’ nhưng để xảy ra hậu quả như thế là ‘ngoài ý muốn’.
“Họ không nghĩ gì hết (khi tham gia trình diễn),” bà nói.

“Đúng là ra người xuất gia không làm như vậy, không bận những đồ thế (thế gian) như vậy,” ni trưởng phân trần, “Nhưng chỉ còn hai ngày nữa là ra hạ, là ngày chư Phật hoan hỷ nên các vị bên Ban trị sự muốn có một ngày chia tay cho các hành giả nên mới đồng ý.”

Bà cho biết sau khi sự việc xảy ra các hành giả có nói lại cho bà biết những phản ứng của dư luận là ‘rất nặng’ và các vị ni cô ‘cảm thấy rất buồn’.

Royal Cyti và nhóm lợi ích, nhóm thân hữu

Royal Cyti và nhóm lợi ích, nhóm thân hữu
Lại Trần Mai: Tôi đã vào thăm Royal Cyti. Theo các báo, khu trung tâm thương mại - nhà ở này có 4000 hay 4400 căn hộ; có lẽ số dân sống ở đó tương đương với một phường nội thành (trong bài dưới đây là 3000). Có hai băn khoăn tôi vẫn hay trao đổi với mọi người: 
Khung cảnh bên ngoài khu thương mại Vincom Mega Mall Royal City của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
1) Tại sao thành phố cho phép xây dựng một tụ điểm dân cư lớn như thế chỉ trong một khu đất quá chật hẹp ? Băn khoăn này cũng giống như chuyện mỗi lần về Hà Nội là lại thấy có thêm nhiều tòa nhà cao ngất ngưởng mọc lên ngay trung tâm Hà Nội. Câu trả lời được nhiều người dùng là: Vì đám lãnh đạo cao nhất hiện nay của Hà Nội đều có gốc từ nhà quê, nên không hiểu gì về xã hội và cuộc sống đô thị. Hành xử của họ y hệt như thời ở thôn quê. 
Tôi đã từng viết nhận xét luận án tiến sĩ cho bác Nguyễn Thế Thảo nên cũng chia sẻ đôi chút về cách trả lời này. Đề tài luận án của bác Thảo là: "Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh từ năm 1986 đến nay: Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp". Ai tò mò muốn biết trình độ khoa học của bác ấy thì có thể vào xem ở đây.
Tuy nhiên tôi không tin vì gốc nhà quê mà đám lãnh đạo cao nhất hiện nay của Hà Nội đã hành xử như vậy. 


2) Trung tâm thương mại Royal Cyti sẽ sống bằng gì vì đầu tư quá hoành tráng, tốn kém song chắc chắn khách hàng đến mua sắm sẽ không nhiều. Ngay cả 4000 hộ dân cư sống ở đây cũng chưa chắc đã có nhu cầu vào mua sắm. Tất nhiên, ông chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã tính toán cẩn thận trước khi đầu tư, nhưng đúng là đến giờ tôi vẫn chưa nghĩ ra được cách tính của ông.

Bài dưới đây cũng cho một cách trả lời: Chắc chắn khi duyệt dự án với quy mô lớn như thế này , lãnh đạo thành phố Hà Nội phải biết điều đó (chuyện tắc đường vì mật độ dân cư quá cao) nhưng sao họ vẫn quyết . Rồi mai này tắc đường kẹt xe, thành phố lại phải bỏ tiền ra đền bù giải tỏa để mở con đường mới ra đường Lê Văn Lương trong khi chủ đầu tư ung dung cho thuê các kiot, bán các căn hộ với giá cao ngất ngưởng.

Khi nhóm lợi ích, nhóm thân hữu thao túng tất cả


Tối qua, bà trưởng tầng nhà chung cư tôi ở đưa tôi một tờ giấy gọi là giấy ủy quyền cho người đại diện tầng nhà đi họp bầu Ban quản trị khu chung cư kiểu như “đại cử tri”. Tôi vốn ngại họp nên kí ngay .
Như thế , khu tôi ở sẽ có một Ban quản trị do người dân bầu ra, họ sẽ cùng với Công ty quản lý dịch vụ nhà do Chủ đầu tư là một Tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng điều hành dưới sự “lãnh đạo “ của chính quyền Phường, Quận . Mới nghe thì tưởng như thế là tốt quá chứ còn gì. Mọi tranh chấp như ở Keangnam, như ở 93 Lò Đúc ( Hà Nội) như ở Phú Mỹ Hưng hay Saigon Pearl (Sài Gòn )sẽ không xảy ra

Sự thực không phải như vậy .

Nếu Ủy ban nhân dân Phường, quận là trung gian cầm chịch theo đúng nghĩa của nó để hai bên người làm dịch vụ và người chủ nhà thống nhất được với nhau làm cho cuộc sống tốt hơn lên thì có gì phải nói nữa nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy . Nhưng có vẻ như chính quyền Phường đang lấn sân. Họ muốn quản lý thay cho công ty dịch vụ . Và người dân lo lắng rằng khi ông Phường đứng ra làm dâu trăm họ thì dịch vụ thì chất lượng cuộc sống chắc chắn sẽ kém đi. Liệu hàng ngày lao công có thường xuyên lau nhà cửa hành lang sạch sẽ không, liệu cây cối có được chăm bẵm không, liệu rác có được dọn đi hàng ngày không, liệu điện nước khi hỏng hóc thì kêu ai ….

Đấy ! Tự nhiên công an Phường đến bắt các chủ xe ô tô không được đỗ trên vỉa hè mà phải đỗ xuống lòng đường, trong khi Công ty dịch vụ ngang nhiên chiếm bãi tập thể dục sân chơi của mọi người làm chỗ đỗ xe thu tiền 800.000 xe/tháng . Nếu ông Phường không có phần hụi chết hàng tháng thì ông có tích cực như thế không ? có phân biệt đối xử như thế không ?

Khi viết bài này, tôi có đọc lại bài trên báo công an nhân dân “Nhà giầu cũng khóc” phản ánh những bức xúc của bà con khu chung cư cao cấp Saigon Pearl khi Chủ đầu tư thuê công ty dịch vụ quản lý nhà đã tăng phí vô tội vạ bất chấp phản đối của cư dân là chủ sở hữu các căn hộ có giá từ nửa triệu đến cả triệu đô la . Theo họ, khi mua nhà , họ yên chí là đã góp vốn cho chủ đầu tư nên tất cả các dịch vụ như bể bơi, hầm để xe, tầng một cho siêu thị …họ đều được hưởng lợi .Nhưng họ đã bị lừa khi trong hợp đồng có tới 60 điều khoản mà khi mua ( khó lắm mới đăng kí mua được khi đó) họ đã không để ý . Nên bây giờ là chủ sở hữu căn hộ nhưng mỗi tháng vẫn mất từ ba đến bốn triệu tiền dịch vụ đủ thứ chẳng khác gì đi thuê nhà .

Và họ còn điều tra cho biết Công ty dịch vụ thu được của dân 600 triệu đồng mỗi tháng và giám đốc tự trả lương cho mình tới 185 triệu /tháng ! Dân kiện lên Quận, Quận Bình Thạnh làm ngơ , thậm chí còn ra quyết định không công nhận ban quản trị ngôi nhà Topaz do cư dân bầu ra . Thật dễ hiểu Công ty dịch vụ đã biết bôi trơn như thế nào nên mới ngon lành như thế . Và cũng dễ hiểu sau báo Công an nhân dân chả thấy các báo của thành phố như Thanh niên, Tuổi trẻ, Pháp luật… lên tiếng ủng hộ bà con gì cả . Tất cả đều rơi vào im lặng một cách khó hiểu và dễ hiểu

Hiện tượng này cũng tương tự như ở Keangnam và chung cư 93 Lò Đúc

Trong các nhà đầu tư địa ốc nổi lên một đại gia hàng đầu đó là Tập đoàn Wincom. Anh này sờ vào đâu thắng đấy . Mà toàn khu đất vàng không phải đền bù giải tỏa . Mà toàn là chỉ định thầu chứ không có đấu điếc gì sất . Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, ở Hà Nội cũng vậy . Tài thật ! Ngẫm ra cái điều thiên hạ nói cấm có sai : Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền

Tôi vừa thăm khu Royal Cyti mới khai trương trên mảnh đất xưa là nhà máy cơ khí Trung quy mô, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Việt Nam , mà khi đó định hướng công nghiệp hóa là mũi nhọn chỉ đạo trên con đường hiện đại hóa tiến lên chủ nghĩa xã hội

Mới chỉ khai trương khu siêu thị và vui chơi mà đã tắc đường rồi. Không biết khi ba ngàn hộ dân vào sống ở đây , ba ngàn xe ô tô , hàng vạn chiếc xe máy ra vào các tầng hầm thì trên đường Nguyễn Trãi –lối ra duy nhất cho khu dân cư cao cấp này- người ta sẽ trèo lên đầu nhau mà đi ? Chắc chắn khi duyệt dự án với quy mô lớn như thế này , lãnh đạo thành phố Hà Nội phải biết điều đó nhưng sao họ vẫn quyết . Rồi mai này tắc đường kẹt xe, thành phố lại phải bỏ tiền ra đền bù giải tỏa để mở con đường mới ra đường Lê Văn Lương trong khi chủ đầu tư ung dung cho thuê các kiot, bán các căn hộ với giá cao ngất ngưởng.

Điều này ai cũng biết nhưng lấy làm lạ chả thấy một tờ báo nào lên tiếng ? Hỏi ra mới biết , một nguồn thạo tin cho hay , nhà tài phiệt hạng 100 thế giới đã vi thiềng các Tổng biên tập các báo bằng món hụi chết tới 50 triệu/tháng nên tất cả bài do phóng viên phản ánh có dính dáng đến Tập đoàn này đều không được duyệt . Chứng cứ đâu ? Nó cũng khó như hỏi cảnh sát giao thông ăn mãi lộ ấy : chứng cứ đâu !Trong khi Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai …do không có tiền nên không biết điều thì bị báo chí xăm xoi thăm hỏi liên tục .

Khi nhóm lợi ích , nhóm thân hữu thao túng thì dự án nào cũng qua và khi có tiền , có rất nhiều tiền thì việc bịt mồm các Tổng biên tập dễ ợt . Họ cũng là con người cả , mà bản tính con người ai chả tham lam .

“Người giàu cũng khóc” trong căn hộ 5 sao

Các cư dân sống trong những tòa nhà đắt tiền nhất nhì TP Hồ Chí Minh SaiGon Pearl (92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM) đang trong tâm trạng bị mắc lừa chủ đầu tư. Nhiều cư dân sống ở đây bức xúc kiểu sống ở căn hộ 5 sao mà cứ như… không sao.

Chuyện như đùa nhưng những cư dân sống tại khu dân cư SaiGon Pearl đang sống trong cảnh “người giàu cũng khóc”. Bởi bắt đầu từ hợp đồng hứa mua hứa bán cho đến hợp đồng chính thức mua những căn hộ giá gần nửa triệu đô này đã bị chủ đầu tư làm sai lệch nên không được hưởng các tiện ích mà trước khi mua được hứa hẹn…

Căn hộ Saigon Pearl giáp ranh với quận 1 nằm dọc sông Sài Gòn được xây dựng trên diện tích 10,37ha với tiêu chuẩn 5 sao, tiêu chuẩn quốc tế về tiện nghi ngoài tổ hợp 3 tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire (mỗi tòa nhà có 2 cao ốc cao 37 tầng) còn có 126 căn nhà mang sắc thái riêng biệt. Ngoài hệ thống tòa nhà trên, Saigon Pearl còn có trường quốc tế, hồ bơi, bến du thuyền khách sạn, khu thương mại… Khi cư dân đến sống tại những căn hộ này sẽ được hưởng những tiện ích mà chủ đầu tư đưa ra. Năm 2004 và 2005, người dân tiến hành ký hợp đồng “Hứa mua Hứa bán” với Công ty TNHH Vietnam Land SSG với niềm tin sẽ được chủ đầu tư, một liên doanh của đối tác Tập đoàn SSG và Công ty TNHH Vietnam Land (Hong Kong) cung cấp cho mình một căn hộ tiêu chuẩn 5 sao…

Chị V, sống ở căn hộ tòa nhà Ruby1 bức xúc: Sau nhiều lần trì hoãn giao nhà (trong vòng 2 năm) người mua nhà có nhu cầu nhận nhà nên chủ đầu tư (Công ty TNHH Việt Nam Land SSG) đã ép người dân ký hợp đồng trong thời gian ngắn nhất trước khi nhận nhà. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán chủ đầu tư đã tự động thay đổi và bổ sung một số nội dung có lợi cho chủ đầu tư, đặc biệt là thay đổi quyền sở hữu một số khu vực thuộc tiện ích chung nhưng không hề thông báo.

Khu căn hộ 5 sao mà người dân sống như chẳng có sao nào.

Hợp đồng ghi rõ tầng hầm bãi đậu xe của ba tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire thuộc sở hữu chung của cư dân và mức phí mỗi tháng các hộ dân phải đóng là 40 USD (tương đương 800.000đ/tháng/xe. Tuy nhiên khi đưa vào vận hành, phí giữ xe tăng lên 1,6 triệu/tháng/xe. Xe gắn máy là 5 USD (tương đương 100.000đ)/tháng/xe nay tăng lên 160 ngàn đồng/xe. “Chỗ đậu xe trong các tòa nhà rất thiếu so với nhu cầu của các hộ dân nhưng chủ đầu tư tự nhận khu hầm đỗ xe là sở hữu riêng nên ngăn khu hầm ra để cho thuê kinh doanh” – ông An Giang – quyền Trưởng ban tòa nhà Topaz cho biết. Các khu vực giao thông nội bộ trong tòa nhà bị chiếm dụng kinh doanh giữ xe với mức 20.000đ/giờ/xe ôtô, giờ sau tăng thêm 10.000đ. Ngoài việc tầng hầm giữ xe bị chiếm dụng, phí quản lý của các tòa nhà này cũng cao hơn so với dự kiến ban đầu: 17.000đ/m2/tháng.

Công viên trung tâm là nơi hoạt động vui chơi của cộng đồng cư dân, đặc biệt là các trẻ nhỏ, việc cho thuê dịch vụ nhạy cảm “SPA” tại khu này, nhiều hộ dân cho rằng không phù hợp với qui định hiện hành cũng như tập quán của người Việt. Về việc sử dụng hồ bơi phải là thành viên của CLB Saigon River đang làm những hộ dân sống trong Saigon Pearl bức xúc. Nếu tham gia làm thành viên của CLB Saigon River biểu phí hội viên hàng tháng là 87USD, một năm là 800USD. Lứa tuổi từ 16-20 tuổi là 44USD/tháng và 400USD/năm. Gia đình là hội viên (bao gồm 2 người lớn, một trẻ em) 167USD/tháng và 1.560USD/năm. Nhiều người có con nhỏ muốn đi bơi nhưng không muốn tham gia vào CLB Saigon River thì coi như… con khỏi xuống tắm.

Ngoài những chuyện về phí dịch vụ những tiện ích mà người dân sống trong ba tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire trong Saigon Pearl không được hưởng tiện ích mà mình đã được hứa thì còn có chuyện nhập nhằng trong tổ chức ban quản trị (BQT) của các tòa nhà. Có những bất cập đến vô lý mà những cư dân sống ở đây phải gánh chịu như không thành lập ra BQT tòa nhà theo đúng quy định để cư dân phải khiếu nại lên UBND phường 22, quận Bình Thạnh và khiếu nại lên đến UBND TP Hồ Chí Minh mới tổ chức hội nghị bầu ra BQT.

Còn một vấn đề nữa mà các cư dân ở đây bức xúc, đó là phía Công ty Dịch vụ quản lý nhà Savills (một công ty thứ 3 được phía chủ đầu tư và cộng đồng cư dân chung cư thuê) trong việc quản lý các tòa nhà đáng lẽ chỉ truyền đạt ý kiến giữa chủ đầu tư và cộng đồng dân cư thì lại tự ra “thông báo” điều chỉnh quản lý phí cũng như phí dự phòng của chung cư. Chủ đầu tư và công ty quản lý đưa ra các nội dung quy chế dành cho những người sống trong nhà chung cư bao hàm những điều khoản bất lợi và trái pháp luật. Chi phí mà người dân đóng cho ban điều hành chung cư rất lớn nhưng lại được chi một cách khó hiểu. Ví dụ như chi phí lương cho giám đốc điều hành lên trên 185 triệu/tháng nhưng người quản lý lại không có năng lực điều hành thực sự.

Dân cư sống trong những căn hộ tại Saigon Pearl đang chờ những động thái tích cực của chủ đầu tư để người dân sống trong những căn hộ 5 sao này được đúng như giá trị thật của nó (Theo công an nhân dân online)

Lương Kháu Lão
(Blog Lương Kháu Lão)

Hoàng Anh Gia Lai lại khó khăn vì vụ bị Global Witness tố cáo

Kêu gọi Arsenal 'tuyệt giao với HAGL'
Global Witness nói hai công ty của Việt Nam đang 'tàn phá môi trường
Một số cổ động viên Arsenal đang kêu gọi câu lạc bộ chấm dứt liên hệ với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Việt Nam vì cáo buộc vi phạm nhân quyền và môi trường.
Nhóm vận động Global Witness cáo buộc HAGL – và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) – đã gây thiệt hại môi trường và xã hội ở Campuchia và Lào.
Một cổ động viên Arsenal đã lập kiến nghị thư trên mạng, đến nay thu hút được hơn 1,600 chữ ký.
Đội bóng Arsenal phản hồi: “Chúng tôi không có quan hệ đối tác chính thức về học viện bóng đá với HAGL". "[HAGL] không phải là nhà tài trợ cho trận đấu gần đây của chúng tôi ở Hà Nội và họ không có quyền dùng tên chúng tôi cho mục đích thương mại.”

Báo cáo của Global Witness, ra hồi tháng Năm, nói HAGL được cấp đất để khai thác cao su ở Campuchia và Lào.

Global Witness cáo buộc HAGL và VRG “thường xuyên san phẳng các nông trại và hủy hoại cuộc sống con người”.
Một thông cáo của tổ chức này hôm 12/8 cáo buộc thêm rằng ông Đoàn Nguyên Đức, chủ của HAGL, “quan tâm việc dùng tên tuổi Arsenal để rửa thanh danh cho công ty trên truyền thông, trong khi câu lạc bộ cũng có vẻ đồng ý để ông ta làm thế.”

Ông Đoàn Nguyên Đức xuất hiện bên cạnh huấn luyện viên Arsene Wenger
HAGL luôn nói rằng hoạt động của họ ở nước ngoài “hoàn toàn tuân thủ luật pháp sở tại”.
Đội bóng phía bắc London mới đây lần đầu tiên có chuyến du đấu ở Việt Nam, và các đại diện của HAGL có mặt trong suốt chuyến thăm.
Ông Đoàn Nguyên Đức được quay phim cùng với huấn luyện viên Arsene Wenger và giám đốc tiếp thị Angus Kinnear.
Logo của Arsenal cũng xuất hiện trên trang web của HAGL.

Lá đơn trên mạng của ông Nic Schlagman viết: “Tiếp tục quan hệ với HAGL... làm xấu hổ cho câu lạc bộ và lịch sử của đội bóng.”
Hồi tháng Năm, ông Đoàn Nguyên Đức nói cáo buộc của Global Witness “hoàn toàn không chính xác, vô căn cứ”.

“Global Witness chưa chỉ ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào, HAGL sẵn sàng đối chất từng vấn đề cụ thể mà tổ chức này đưa ra,” ông Đức nói.
VRG cũng bác bỏ báo cáo của Global Witness, gọi đây là “vô căn cứ”.

(BBC)

Khi nào Việt Nam có thay đổi?

Khi nào Việt Nam có thay đổi?
Mai AnhĐó là câu hỏi mà tôi mang theo trong suốt chuyến đi về thăm Việt Nam tháng 07/2013 vừa qua. Là một người rất quan tâm đến tình hình ở quê hương, tôi cũng biết được Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn: khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội, nguy cơ bị thôn tính đang đe dọa. Và để giải quyết được tận gốc rễ thì việc thay đổi thể chế chính trị theo hướng dân chủ chính là giải pháp cho các vấn đề. Nhưng khi nào thì sự thay đổi sẽ xảy ra?

Thay đổi là một tiến trình, không phải là một biến cố.
Trước khi về Việt Nam tôi hình dung ra một bức tranh ảm đạm về kinh tế khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người và đó là một động cơ tốt cho sự thay đổi sẽ sớm diễn ra. 
Nhưng thực tế ở Việt Nam thì không phải đơn giản như vậy. Tầng lớp trung lưu, thị dân ở những thành phố chính vẫn sống rất sung túc, cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn. Điều đó không chỉ đúng với giới quan chức lắm tiền nhiều của, xài tiền như nước khi có thể đốt hàng chục triệu đồng cho một bữa ăn. Mà với giới kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, nhân viên và cả giáo viên cũng vậy, việc sở hữu xe hơi, xe tay ga đắt tiền không còn là hiếm. Bạn bè tôi khoe về những chuyến đi du lịch xa xỉ trong và ngoài nước, xài hàng hiệu và các thiết bị điện tử đắt tiền. 


Điều đó làm tôi thật ngạc nhiên khi hỏi đến thì ai cũng than là tình hình khủng hoảng kinh tế nên làm ăn ngày càng khó khăn hơn và giá cả sinh hoạt thì ngày càng đắt đỏ. Thế nhưng nhiều người tiết lộ với tôi rằng vẫn có nhiều cách kiếm tiền trong thời buổi nhiễu nhương này, miễn là mình thích nghi với tình thế. 

Quả thật người Việt Nam rất giỏi thích nghi với hoàn cảnh. Nhìn vào tình trạng giao thông ở Sài Gòn cũng có thể thấy một điều tương tự. Giao thông chật chội, bát nháo, nguy hiểm nhưng mọi người vẫn đi lại thoải mái vì đã quen với tình cảnh này chứ một người đã quen đi theo luật như tôi thì sợ chết khiếp, không dám băng qua đường chứ đừng nói là tự lái xe. Khi xảy ra kẹt xe thì mọi người đều tìm mọi cách len lỏi, lấn tuyến, leo lên vỉa hè, chui vào hẻm chứ chẳng chịu đứng yên. 

Vì vậy mà kinh tế khó khăn làm nảy sinh ra nhiều kiểu làm ăn bất lương. Những người bán hàng rong bỏ hóa chất để bắp luộc nhanh mềm, quán cơm bình dân bỏ hóa chất vào gạo mốc để cơm trắng và nở,… Những người lao động có cuộc sống khó khăn hơn nhưng bên cạnh những người siêng năng xoay xở làm thêm nhiều việc thì tệ nạn đánh đề, cờ bạc lại có nhiều người tìm tới để kiếm thêm thu nhập. 

Nhiều người nói với tôi rằng tuy kinh tế khó khăn nhưng “vẫn sống được” và cho rằng tình hình kinh tế năm nay đã được cải thiện hơn năm ngoái. Thực tế là bộ mặt hạ tầng của Việt Nam vẫn thay đổi rất nhanh, các thành phố lớn ngày càng đẹp hơn, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp vẫn đang mọc lên. Nói chung vì là một nền kinh tế mở cửa, đang phát triển nên tình trạng tệ hại đến mức mất đi “nồi cơm” của đa số mọi người dẫn đến vùng lên thay đổi như kịch bản của nhiều cuộc cách mạng ở các nước nghèo trên thế giới là khó xảy ra ở Việt Nam.Nếu khủng hoảng kinh tế chưa thể hiện rõ nét để nhìn thấy được thì những bất ổn về xã hội lại cảm nhận được rất rõ ràng. Khó khăn kinh tế đã tạo điều kiện cho bất ổn của xã hội bộc lộ ra. Mọi người dù giàu hay nghèo đều cảm thấy bất an. Đồ ăn gì cũng lo bị bỏ hóa chất độc, ra đường lo bị cướp giật, đi đường sợ bị tai nạn giao thông. Tình trạng côn đồ tăng cao, chỉ vì những xô xát nhỏ cũng xảy ra giết người. 

Và mọi người rơi vào khủng hoảng niềm tin vì đạo đức suy đồi, tham nhũng, hối lộ hoành hành, công lý phụ thuộc vào tiền bạc và quan hệ. Nhiều người dù giàu có nhưng họ nói với tôi rằng họ không muốn con cái họ sống ở Việt Nam. Việc cho con cái du học nước ngoài trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người. Nhiều doanh nhân nói với tôi rằng họ muốn đầu tư mở trường học khi thấy tình trạng giáo dục xuống cấp như hiện nay là rất nguy hiểm cho hiện trạng xã hội cũng như tương lai của đất nước. Rõ ràng nhiều người đã nhận ra tiền bạc không thể giải quyết được tất cả, nếu không có những cải cách, thay đổi thì Việt Nam không còn là nơi tốt để sống.

Không cần ai tuyên truyền thì đa số mọi người ở Việt Nam đều chán ngán, bất mãn, đều mong muốn thay đổi. Nhưng một thực tế đáng ngạc nhiên là đa số những người tôi hỏi về sự thay đổi ở Việt Nam đều có tâm trạng bi quan. Một số người thẳng thắn nói rằng nước Việt Nam chúng ta quá xui xẻo khi ở cạnh Trung Quốc và thừa nhận sự chi phối ngày càng lớn của Trung Quốc với Việt Nam. Họ cho rằng chỉ khi nào Trung Quốc có thay đổi thì Việt Nam mới có thay đổi. 

(.......)

Tâm trạng bi quan của những người có quan tâm đến tình hình đất nước dẫn đến tình trạng họ cho rằng họ cũng chẳng thể làm gì cho sự thay đổi diễn ra cả. Nhưng những người quan tâm đến chính trị đa số là những người lớn tuổi, trong khi giới trẻ thì rất ít người quan tâm đến chính trị mà mải đuổi theo sự hưởng thụ vật chất và các câu chuyện phiếm trên mạng internet.

Sau một thời gian ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng thay đổi chưa thể sớm xảy ra ở Việt Nam. Dù rằng những yếu tố thúc đẩy cho sự thay đổi là rất nhiều, kinh tế ngày càng khó khăn hơn, xã hội ngày càng bất ổn hơn, chính quyền ngày càng bệ rạc và mất uy tín hơn nhưng thế giằng co giữa những cái tốt và cái xấu là rất lớn dẫn đến không dễ để đạt được những tình trạng tệ hại đưa đến những điều kiện sống còn phải thay đổi. 

(.....)

Cách còn lại duy nhất mà hiệu quả dù không đến tức thời nhưng chắc chắn và bền vững. Đó chính là cách “chấn dân khí” làm giảm sức ỳ của xã hội trước thay đổi, tăng cường tinh thần của người dân phản kháng với những điều xấu xa trong xã hội và phản đối lại những sai trái của chính quyền. 

Một nguyên nhân sâu xa mà thay đổi chưa xảy ra tại Việt Nam chính là do thái độ chấp nhận, hợp tác với cái sai, cái xấu hoặc khoanh tay đứng nhìn của người dân. Đó cũng là do họ chưa ý thức được quyền của mình vì những khái niệm về “quyền con người” còn rất xa lạ. 

Nhưng rõ ràng những phản kháng dân sự của cá nhân cũng rất ảnh hưởng đến chính quyền. Khi ra gặp công an phường nếu vâng dạ sợ sệt thì sẽ bị hoạch họe nhưng nếu dõng dạc phản đối thái độ tắc trách thì họ không dám gây khó dễ. Những qui định của chính quyền gần đây gặp phải sự phản đối của người dân đều phải bãi bỏ. Những sự bộc phát phản ứng lại với CSGT, với chính quyền cưỡng chế đất đang diễn ra ngày càng nhiều báo hiệu sự bất tuân dân sự sẽ diễn ra rộng khắp. 

Nhưng để người dân có thái độ bất tuân dân sự đúng đắn để đòi hỏi các quyền của mình để dẫn tới chính quyền mở rộng quyền của người dân, tiệm cận tiến đến mục tiêu thay đổi thể chế theo hướng dân chủ vẫn cần có sự đầu tư, dấn thân vào việc “Khai dân trí, chấn dân khí” của nhiều người, nhiều tổ chức tiếp cận được với quần chúng khi chính quyền vẫn khống chế hệ thống truyền thông và báo mạng (...) chỉ mới tiếp cận với một thiểu số dân chúng.

California, tháng 8/2013

© Mai Anh