“Giữ gìn sự trong sáng” hay triệt tiêu?
Tiếng nói/ ngôn ngữ của mỗi quốc gia dân tộc, bất kể quốc gia dân tộc nào, đều là một thứ tài sản vô giá, trước hết, với chính quốc gia dân tộc ấy. Nó là căn cước văn hóa của dân tộc. Mất căn cước văn hóa, dân tộc không là gì, không còn gì cả.Chẳng thế mà trước đây ngót một thế kỷ, ông chủ bút Nam Phong tạp chí, nhân một dịp diễn thuyết về thi hào Nguyễn Du và danh tác Truyện Kiều, đã khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Và về sau này, với tình yêu tiếng Việt vô hạn, thi sỹ Lưu Quang Vũ đã viết những câu thơ dào dạt đắm đuối: “Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ/ Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay/ Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay/ Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt/ Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…” (Tiếng Việt).
Vậy nên, ở bình diện lý trí, việc giữ gìn tiếng nói/ ngôn ngữ dân tộc mặc nhiên đã trở nên một yêu cầu mang tính bắt buộc và thường trực. Trong trường hợp Việt Nam, yêu cầu ấy từng được một nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước - cố thủ tướng Phạm Văn Đồng – nhấn mạnh, cụ thể hơn, như một chân lý: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Nhưng trong bối cảnh xã hội nước ta hiện nay, khi trình độ dân trí rõ ràng đã được nâng lên rất nhiều so với trước, và sự hội nhập với thế giới đang diễn ra hằng ngày, lại nảy sinh một câu hỏi: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như thế nào? Câu hỏi không hề là ngẫu nhiên, chỉ cần chúng ta nhìn thực tế đời sống của văn học dịch thời gian gần đây sẽ thấy: cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt” luôn được dẫn ra như một chuẩn mực để định giá chất lượng bản dịch tiếng Việt của những tác phẩm văn học nước ngoài. Hơn thế, như một lời răn đe trước những bản dịch bị coi là luộm thuộm, lủng củng, xa lạ, tối nghĩa về hành ngôn tiếng Việt. Quả đúng là đã có không ít bản dịch như vậy, và không gì khác hơn, chúng là sản phẩm tồi của những người dịch kém. Nhưng ngược lại, oái oăm thay, cũng có nhiều trường hợp bị kết án oan, và ở những trường hợp ấy, cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt” nhiều khi chỉ đơn giản là một thứ vũ khí sẵn có, được người ta sử dụng cũng chính bởi sự sẵn có ấy, như một quán tính.
Bản dịch tiểu thuyết Lolita của Dương Tường là một ví dụ. Khỏi phải nói, dịch Lolita, nghĩa là dịch giả chấp nhận đối mặt với thách thức cực lớn. Bởi nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov vốn khét tiếng thế giới như một phù thủy về ngôn ngữ. Tiểu thuyết Lolita của ông trùng điệp những ẩn dụ, những trò chơi ngôn từ, những cấu trúc câu, những liên văn bản và xuyên văn bản bất tận, cực kỳ… quái đản! Tóm lại, theo nghĩa nào đó, Lolita là một mê cung ngôn ngữ mà người viết bày ra với mục đích, không gì khác, để tạo sự mờ đục làm rối trí người đọc. (Thứ văn chương làm rối trí người đọc cũng cần thiết, ít nhất, ở mức ngang bằng với thứ văn chương khiến người đọc được thư giãn). Trước một tác phẩm như vậy – một tác phẩm đã được chúng khẩu đồng từ xếp vào hàng kinh điển của tiểu thuyết hiện đại – mà dịch ra tiếng Việt sao cho đơn giản, dễ hiểu, “trong sáng”, thì cũng chính là cách xuyên tạc tác giả hiệu quả nhất. Một dịch giả lão thực như Dương Tường không chọn cách này. Ông trung thành với phong cách ngôn ngữ của Nabokov. DịchLolita, đến chỗ nào văn bản trở nên đa nghĩa hoặc quá tối nghĩa với người đọc, Dương Tường dùng chú thích. (Có tất thảy gần năm trăm chú thích trong bản dịch Lolita, được dịch giả khảo cứu từ nhiều nguồn, một sự nỗ lực và thận trọng hiếm thấy trong hoạt động dịch văn học ở ta hiện nay – không nên quên rằng trong bản dịch Lolita tiếng Pháp của Eric Kahane, bản dịch được chính Nabokov đánh giá rất cao, thậm chí chẳng có lấy một chú thích nào. Và do vậy, câu văn dịch “trên dòng kẻ có những dấu chấm” cùng lắm chỉ là một điều gây tranh cãi nho nhỏ của Dương Tường, người chủ ý không chịu diễn nôm hình ảnh mà tác giả sử dụng thành ý trực tiếp – chủ ý này không đáng để thiên hạ đổ xô vào đay đi nghiến lại như thể trời sắp sập). Nhưng những người đọc thụ động thì không đủ hứng thú và lòng kiên nhẫn để đi theo một trò chơi ngôn ngữ quá rắc rối. Họ khó chịu, và đó là dịp quá tốt để cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt”, luôn sẵn đấy, lại được dẫn ra như một lời răn đe.
Ví dụ này gợi nhớ đến cố dịch giả Cao Xuân Hạo. Sinh thời, ông Cao Xuân Hạo từng phàn nàn về chuyện có tác phẩm nào đó của F. M. Dostoievsky (xin miễn cho người viết việc phải nêu tên) được dịch ra tiếng Việt bằng một văn phong hết sức “trong sáng”, mềm mại, uyển chuyển, dễ đọc, và đọc rất “dễ chịu”. Trong khi trong nguyên tác tiếng Nga thì đó là một cách hành văn với tiết tấu giật cục, gấp gáp, tác giả cố ý sử dụng kiểu ngôn từ tạo cảm giác u ám, nặng nề đến tức thở, nhiều chỗ lại là sự thống ngự của những lớp ngôn từ thô thiển. Tác phẩm gốc như thế và tác phẩm dịch như thế, thì dịch đích thị là diệt, và cái quan niệm cứng nhắc về “sự trong sáng của tiếng Việt” chính là thứ vũ khí quá tốt để tiêu diệt phong cách của thiên tài văn học Nga. (Dịch giả Cao Xuân Hạo, vốn dĩ là người rất dị ứng với hệ tiêu chí “Tín, Đạt, Nhã” do dịch giả Trung Quốc Nghiêm Phục đưa ra, từng kêu lên đầy bực tức, rằng nếu như ở tác phẩm gốc, tác giả cố tình viết một cách thô tục, mà người ta lại cứ chăm chăm phải dịch ra tiếng Việt sao cho được Nhã, thì phải dịch cách gì đây để bảo đảm trung thành với nguyên tác?)
Từ hai ví dụ trên, ít nhất, có thể rút ra một điều: nên có quan niệm và ứng xử cởi mở hơn trước yêu cầu “phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ngôn ngữ không phải là một hệ thống nhất thành bất biến. Nó như một sinh thể, thường xuyên vận động, thêm vào và mất đi, liên tục được làm mới. Mà một trong những con đường làm mới ngôn ngữ hiệu quả nhất, chính là việc dịch văn học. Lịch sử văn học dịch Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX đã cho thấy: thông qua sự tiếp xúc và chuyển hóa những tác phẩm văn học thuộc các ngôn ngữ khác, tiếng Việt đã hấp thụ vào mình nhiều lớp ngôn từ mới, nhiều cấu trúc câu văn mới, nhiều mô hình tư duy ngôn ngữ mới, và đã trở nên giàu có hơn từ đó. Hãy cứ hình dung: nếu trước năm 1945 mà không có những bản dịch các tiểu thuyết chương hồi của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục (Tam quốc chí diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc), không có những bản dịch An Na Kha Lệ Ninh (Anna Karenina) của Vũ Ngọc Phan, Những kẻ khốn nạn (Những người khốn khổ) của Nguyễn Văn Vĩnh, và nhiều nhiều dịch phẩm văn học khác nữa, tiếng Việt của chúng ta chưa chắc đã đạt tới sự đa dạng và thanh thoát như bây giờ. Bởi vậy, nếu cứ khăng khăng “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” với mặc định rằng đó là một di sản ngôn ngữ đông cứng, thì hậu quả sẽ không chỉ là sự triệt tiêu phẩm tính đặc dị trong phong cách nghệ thuật của các tác giả văn học nước ngoài, mà còn là sự triệt tiêu khả năng phong phú hóa của bản thân tiếng Việt.
Với văn học dịch là thế. Còn với sáng tác văn học trong nước thì sao? Có lẽ chỉ cần nói ngắn gọn: chúng ta không ủng hộ những sự làm xấu tiếng Việt, nhưng cũng không nên bám chặt vào một sự “trong sáng” mơ hồ nào đó của tiếng Việt để đóng sập cửa trước những nỗ lực cách tân ngôn ngữ văn chương. Xét cho cùng, “sự trong sáng của tiếng Việt”không ngưng đọng vào chỉ duy nhất một hình thái nào đó. Lối viết văn tiếng Việt với dày đặc những câu biền ngữ, đăng đối như trong các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh hay trongNho Phong của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, là biểu hiện của một thứ tiếng Việt “trong sáng”. Nhưng cũng “trong sáng” không kém là câu văn tiếng Việt của chính Nhất Linh ở giai đoạn sau, trong các tiểu thuyết như Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng… cho dù câu văn tiếng Việt ở đây đã rất khác với ở Nho Phong. Hoặc giả, nếu cứ thuận theo ý kiến (không hề sai) của đa số độc giả, rằng các truyện ngắn và tùy bút của Thạch Lam là một mẫu mực về “sự trong sáng của tiếng Việt”, thì cũng không vì thế mà bảo những câu văn tiếng Việt của Nguyễn Tuân – ngôn ngữ được đẽo gọt rất cầu kỳ, sử dụng những kết hợp từ đầy bất thường và bất ngờ, những cú pháp bị vặn xoắn theo kiểu… chẳng giống ai – là không “trong sáng”. Nó là thứ tiếng Việt “trong sáng” theo cách khác. Tóm lại, nói khác đi, ở đây chúng ta buộc phải có một cái nhìn dân chủ hóa trước cụm từ “sự trong sáng của tiếng Việt”. Nó không giống như chân lý tối thượng của Chúa Trời, đơn nghĩa. Nó là một tập hợp của những chân lý tương đối, luôn mở ra, mời gọi sự sáng tạo của tất cả.
Không nên quên rằng trong lĩnh vực đặc thù như văn chương, ngôn ngữ đã không còn là ngôn ngữ tiêu dùng nữa, mà là ngôn ngữ của nghệ thuật. Xuất phát từ ngôn ngữ đời sống, nhưng nó đã được mã hóa. Và do vậy, nó mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của người sử dụng, không loại trừ cả sự đánh đố, khiêu khích, gây hấn bằng ngôn ngữ. Vấn đề còn lại là thái độ của người tiếp nhận. Nếu ta cứ đòi hỏi ngôn ngữ văn chương phải hiền lành, đơn nghĩa, dễ hiểu, “trong sáng” theo cách của ngôn ngữ tiêu dùng, thì tốt nhất là chẳng cần có văn chương làm gì.
Không nên quên rằng lời kêu gọi “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” được nói ra trong bối cảnh một nước Việt Nam với trình độ dân trí nhìn chung rất thấp, tỷ lệ người mới thoát nạn mù chữ cao ngang với tỷ lệ người còn mù chữ. Để tuyên truyền, để vận động đối tượng này một cách hiệu quả nhất, không gì khác, cần phải sử dụng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhất có thể.
Nhưng không nên quên rằng bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại đã rất khác. Tốt nghiệp đại học đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Và không nên quên rằng tiếng Việt là một sinh ngữ. Nó cần liên tục sống. Và liên tục vận động.
Hoài Nam
No comments:
Post a Comment