Tin vui:
Nhà thờ tộc nhóm Tự lực Văn đoàn mở cửa đón khách
Nguyễn Đôn
Nhà thờ tọa lạc tại địa chỉ 8/2 NTMK, gần Chùa Cầu (Hội An) với kiến trúc cổ kính, uy nghi được mở cửa đón khách tham quan vào tháng 7 này. Tiền nhân khởi dựng ngôi nhà vào năm 1806 là cụ Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822). Năm Minh Mạng thứ 1 (1820), cụ được thăng chức Binh Bộ Thượng Thư (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay).
Cửa sổ của ngôi nhà thờ tộc này được thiết kế hình quả lựu, liên tưởng đến sự đông đúc, phồn thịnh và khả năng sinh sản.
Có hai bậc tâm cấp bên nam, bên nữ, dẫn lên lối nhà thờ. Ngăn cách phần hiên với nội thất công trình là ba bộ cửa "thượng son hạ bản", mỗi bộ có bốn cánh.
Bên trong của phủ thờ. Toàn bộ công trình gồm 3 gian 2 chái. Ngoài thờ Binh Bộ Thượng Thư, phủ còn thờ người con thứ là ông Nguyễn Tường Phổ, đỗ tiến sĩ năm Thiệu Trị, hậu duệ của các cụ sau này có các nhà văn trong nhóm Tự lực Văn đoàn là nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long).
Nhiều di vật có giá trị được trưng bày tại đây. Trong đó có hai bình hoa bằng gỗ được chạm nổi hình rồng có niên đại hơn 100 năm.
Nhiều cổ vật từ bàn ghế, tượng gỗ, đài... đến bức tranh đang được đấu giá tại nước ngoài của nhà văn Nhất Linh được trưng bày.
Hệ thống cột kèo của phủ thờ có sự kết hợp khá hài hòa độc đáo của nhiều kiến trúc ở cả hai mái trước, sau. Giá đỡ mái vỏ cua được tạo dáng chạm thủng hình hoa cúc cách điệu mang ý nghĩa vĩnh cửu, trường thọ, bền bỉ kết nối với cây dưa theo đề tài Cát Tường... thể hiện ước vọng sự nối tiếp vô cùng, vô tận.
Gian chính là bàn thờ Binh Bộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân. Những người lo hương khói hiện tại là hậu duệ thứ 9, 10 của cụ. Theo hậu duệ cụ Nguyễn Tường Vân, bức ảnh thờ của cụ được họa trong một lần cụ đi sứ bên Trung Quốc.
Phía sau di ảnh là bài vị cùng chiếc ghế chạm hai đầu rồng quan Binh Bộ Thượng Thư sử dụng lúc sinh thời.
Nhiều chiếu chỉ, sắc phong của cụ Nguyễn Tường Vân và người con trưởng Nguyễn Tường Vĩnh qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vẫn được gia đình lưu giữ, cất cẩn thận trong tủ sau bàn thờ.
Khi mở cửa phục vụ khách tham quan, các chiếu chỉ, sắc phong vua ban của gia tộc được scan lại, treo hai bên hông phủ thờ.
Phủ thờ cũng đặt ba tủ sách của ba nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo với các cuốn sách vào hàng "hiếm" như tiểu thuyếtĐoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh phần bìa chưa được in chữ, hay cuốn Mười điều tâm niệm của nhà văn Hoàng Đạo... Hậu duệ phủ thờ cũng mong muốn nhận sách hiến tặng từ các độc giả xa gần yêu quý ba nhà văn này để làm phong phú thêm cho tủ sách và phục vụ đông đảo du khách.
No comments:
Post a Comment