Nhật ký “đường sông” và tiếng loa phường Hà Nội!
GiadinhNet - Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đã được đổ xuống đường phố Hà Nội nhưng cứ tháng 8 về, mọi con đường đều hoá thành sông. Người dân mất việc, mất sức, mất tiền của thậm chí là cả mất con nhỏ, mất người thân còn Thủ đô văn minh thì “được” muôn lời… trách móc!7h30 sáng 9/8 con gái tôi lếch thếch dắt xe đạp về trước cửa nhà. Áo mưa vứt chỏng chơ trong giỏ xe, mũ lá treo hờ bên ghi-đông, cặp sách đeo tòng teng sau lưng và người thì ướt lướt thướt chuột như vừa chui dưới cống lên vậy. Kỳ lạ, trời đã hết mưa mà nó vẫn ướt nửa người, từ thắt lưng trở xuống. Vừa gỡ cặp sách khỏi người để lôi đống sách vở đã thấm ướt gần hết ra để lên bàn, nó vừa ấm ức: “Con lội ra đến lớp thì cô giáo bảo nghỉ. Nhiều bạn nhà ở phố Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn, Gia Quất, Bồ Đề… bị ngập sâu không đến học được, lớp chỉ có 3-4 bạn leo nghoeo nên cô bảo thôi không học nữa”. Tham gia chương trình học hè ở trường từ đầu tháng 8 đến nay, tuần có 3 buổi học thì cả 3 buổi con bé đều phải nghỉ vì dính phải cơn bão số 5 và số 6.
Mọi hoạt động đều dừng lại trước con đường ngập ngụa nước-
8h thì mẹ tôi đi chợ về. Cũng ướt chẳng khác gì con gái. Bà lôi 2 quả đu đủ xanh và một miếng thịt lợn quắt queo từ túi ni lon ở xe đạp ra mà nước cứ chảy ròng ròng ròng ra nhà. “May mà còn có hàng thịt ế từ hôm qua đấy chứ không thì ăn muối vừng nhé. Hôm nay chợ vắng tanh không người mua bán, lội bì bõm như ruộng chiêm. Mớ rau muống úa vàng tới 12 ngàn, mớ mùng tơi 10 ngàn, gấp 4 lần ngày thường mà cướp nhau như có giặc. Mẹ không “cướp” nổi, may mà bà bán hàng gần nhà có mấy quả đu đủ xanh. Thôi thì ăn tạm!” – Mẹ tôi than thở. Bà bảo, cái chợ Gia Lâm ngày thường đông là vậy mà nay vắng hiu hắt vì chẳng có ai bán mua khi nước các ngả đường chung quanh ngập tới đùi. Bà phàn nàn, cứ mưa thế này thêm vài ngày nữa thì đu đủ xanh với thịt lợn ế hay rau củ giá cắt cổ cũng chẳng có mà mua.Mới được cải tạo chưa đầy năm nhưng vừa mưa lớn đường này đã thành sông.
8h30 sáng, vợ chồng tôi dong xe ra đường. Đến ngay gốc đa giữa phố Gia Quất thì đụng phải đám đông túm tụm như kiến. Tai nạn hay sao? Không phải! Người ta đang lúi húi sửa xe, lúi húi lau bu-gi và thay nhau đạp lấy đạp để cái cần khởi động. Gần 2 chục con ngựa sắt sau khi dũng cảm vượt qua đoạn đường ngập ngụa nước trước mặt đã trở thành đống sắt vô dụng thật sự. Vài chiếc ô tô đang nổi lềnh bềnh trên đường Ngọc Lâm và được đám thanh niên hè nhau đẩy lên… bờ (là cái vỉa hè đường phố). Đâu đó trong đám đông những cuốc điện thoại vang vang lời cầu cứu người nhà chen lẫn lời xin lỗi vì nhỡ một cuộc hẹn. Thi thoảng lại nghe tiếng trần tình giải thích đầy “hoàn cảnh” của một cô nhân viên ì ạch đẩy “cục sắt” với một ông sếp khó tính hay bà sếp đỏng đảnh nào đấy! Vợ chồng tôi ngán ngẩm lắc đầu, huỷ cuộc hẹn với đối tác và xin phép vắng trong cuộc họp cơ quan quan trọng.
Nhà mặt phố "bơi" trong nước
9h30. Loa phường vang vang. Trên loa là một giọng đọc đều đều như bị cảm lạnh vì mưa vậy: “Hồi… giờ ngày 8/8/ một tai nạn thương tâm đã xảy ra. Bé trai T.A ở phường Bồ Đề trong lúc đi qua một đoạn đường ngập đã sa chân vào cống bị nước cuốn trôi và tử nạn. Đề nghị bà con nhân dân trong phường ta chú ý, cảnh giác khi cho trẻ ra đường”. Than ôi, cái tiếng loa nghe mà cắt ruột. Nó cứ như mũi khoan nhói vào óc những người thân thuộc của cháu bé và cả những người dân khác, bởi ai không có trẻ con để không biết đau nỗi đau đồng loại chứ? Năm nào Hà Nội cũng mưa, cũng ngập. Năm nào cũng có người lớn, trẻ con chết vì mưa bão, vì nước. Không bị cây đổ, gỗ đè thì cũng nhỡ chân sa người xuống cống. Chuyện nghe mà cứ như ở một vùng quê heo hút nào vậy!
Đường Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) thành ao nước, ảnh chụp lúc 15h 20' ngày 9/8/2013
Ai đó nói trong tiếng thở dài: Chúng ta đóng phí đường bộ để được đi đường sông ngay giữa lòng Hà Nội! Tiếng loa phường thì vẫn ám ảnh không nguôi. Cầu trời, ngày mai đừng mưa nữa. Cầu trời, cái loa phường kia sau trận mưa này sẽ lăn quay ra… hỏng!Mưa như trút nước suốt ngày, Hà Nội ngập khắp nơi và cái “vẩy rồng” Long Biên cũng không là ngoại lệ khi trở thành “sông” ở khắp mọi con đường, tuyến phố. Mọi hoạt động dường như “tê liệt”! Đầu phố Nguyễn Sơn, đoạn dẫn vào phố Ngọc Lâm là ba tấm biển ngăn đường to tướng của ngành giao thông. Đầu con phố Ngọc Lâm, đoạn gần ga Gia Lâm là một chốt trực của công an phường và dân phòng. Họ quây cái xe bán tải nhỏ chắn ngang đường để ngăn người dân đi vào “giao thông hào” ngập sâu toàn nước là nước tới rốn ở trong con phố này.
Thường Sơ
No comments:
Post a Comment