Nhóm lợi ích chi phối ngân hàng
Trong quá trình thanh tra, đã phát hiện có cổ đông sở hữu tới 80% cổ phần tại một ngân hàng; có ngân hàng dành 70%-80% vốn phục vụ cho vay doanh nghiệp sân sau.
Đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng (NH) như Việt Nam, hiện tượng đầu tư chéo, sở hữu chéo càng trở nên phức tạp và là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế trong những năm vừa qua. Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo - Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính Việt Nam” do Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tổ chức ngày 31-7 ở Hà Nội.
Đầu tư chéo đang là hiện tượng phổ biến tại nhiều ngân hàng. Trong ảnh: Giao dịch tín dụng tại một ngân hàng ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY |
Chủ yếu ở khối doanh nghiệp nhà nước
Nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho thấy cơ cấu sở hữu chéo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp (DN) nhà nước, NH thương mại cổ phần và các công ty đầu tư tài chính. Hầu hết các DN nhà nước đều có sở hữu tại NH cổ phần.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết nhìn vào quản trị của các NH này thì DN nhà nước mặc dù nắm tỉ trọng sở hữu lớn nhưng không có vai trò chi phối trong kiểm soát. Quyền kiểm soát thực sự đối với NH là nhóm các nhà đầu tư, họ có thể vận dụng vốn góp để làm đòn bẩy trong các hoạt động đầu tư tài chính. Ví dụ, tại NH CP Bưu chính Liên Việt, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nắm 12,5% cổ phần, Tập đoàn Him Lam nắm 10,4% cổ phần, Công ty Chứng khoán Liên Việt nắm 9,5% cổ phần, các cổ đông khác nắm 62,6% cổ phần nhưng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam không phải cổ đông có vai trò kiểm soát. Tương tự, tại NH An Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm 21,3% nhưng không nắm vai trò kiểm soát thật sự...
Đặc biệt, ở Việt Nam có các công ty đầu tư tài chính thực chất hoạt động như một định chế tài chính nhưng không được điều tiết bởi pháp luật chuyên ngành do được coi là một DN bình thường. Bên cạnh đó, có hiện tượng nhóm nhà đầu tư vừa sở hữu DN tài chính vừa sở hữu NH thương mại, lách luật bằng cách thuê người lao động trong DN đứng tên sở hữu cổ phần nên không phải công bố thông tin. Do đó, chủ đầu tư vẫn được vay vốn NH sân sau dẫn đến lũng đoạn, yếu kém trong quản trị hệ thống NH. Vì các quan hệ chằng chịt này, các “chốt” an toàn cho hệ thống NH là giới hạn cho vay, giới hạn đầu tư góp vốn, kiểm soát nợ xấu... đều bị vô hiệu hóa.
Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết trong quá trình thanh tra, NH Nhà nước phát hiện có cổ đông sở hữu tới 80% cổ phần tại một NH, có NH dành 70%-80% vốn phục vụ cho vay DN sân sau nhưng với hình thức lách luật rất tinh vi...
Còn loay hoay giải pháp
Cho rằng sở hữu chéo là hiện tượng tất yếu của nền kinh tế thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng không thể triệt tiêu sở hữu chéo mà cần có hành lang pháp lý để hạn chế tiêu cực, lũng đoạn.
Ông Nguyễn Xuân Thành lo ngại trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống NH hiện nay, NH Nhà nước chưa có nhiều nỗ lực giảm đầu tư chéo, thậm chí còn dùng sở hữu chéo để xử lý 9 NH yếu kém là giải pháp có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề trong tương lai.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng luật không cho phép nhưng hiện tượng các “đại gia” lũng đoạn NH ai cũng biết song chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Cùng quan điểm này, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận định thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH Việt Nam rất phức tạp. Có “đại gia” chi phối mấy NH hoặc nhìn vào một số NH biết ngay ai chi phối nhưng không đủ cơ sở để xử lý vì các ông chủ thực sự nhờ người đứng tên cổ phiếu. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, cơ quan quản lý đang rất quan tâm tìm giải pháp khắc phục.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cần có quy định cấm tổ chức, cá nhân vay tiền NH mua cổ phiếu của NH khác (như cách bầu Kiên đã thao túng NH, tạo dòng vốn ảo - PV), đồng thời chấm dứt cấp phép thành lập NH để phục vụ một số DN, một số người có tiền của mà không phục vụ đại chúng như nguyên tắc hoạt động của NH.
Ông Bùi Huy Thọ, Cơ quan Thanh tra Giám sát NH Nhà nước, cho biết một trong các giải pháp đang được NH Nhà nước thực hiện là xác định người thụ hưởng cuối cùng để bảo đảm tiền đầu tư vào NH là tiền sạch và hạn chế tình trạng nhờ người đứng tên sở hữu. Nhưng theo ông Dương Quốc Anh, giải pháp này không dễ thực hiện. Gần đây, NH Nhà nước nhận được nhiều ý kiến đề nghị truy xét dòng vốn 3 đời nhưng khi gọi các nhà đầu tư lên giải trình chỉ có người đang làm việc trong hệ thống NH chấp hành. Các nhà đầu tư làm việc ngoài ngành không hợp tác, NH Nhà nước không thể ép buộc, chỉ có thể khoanh lại các trường hợp nghi vấn đề nghị cơ quan công an theo dõi các chứng cứ cần thiết.
Đủ dạng sở hữu chéo Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, hiện có nhiều dạng sở hữu chéo trong hệ thống NH tại Việt Nam, bao gồm: Sở hữu của các NH thương mại nhà nước và NH thương mại nước ngoài tại các NH liên doanh (có 6 NH liên doanh); cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NH thương mại (hiện có khoảng 10 NH có đối tác chiến lược là tập đoàn tài chính nước ngoài); cổ đông tại các NH thương mại là các công ty quản lý quỹ (hiện khá phổ biến); NH thương mại nhà nước có cổ phần tại các NH thương mại cổ phần (có khoảng 8 NH cổ phần loại này). Ngoài ra còn có hình thức khá phổ biến là sở hữu lẫn nhau giữa các NH thương mại cổ phần; các tập đoàn có cổ phần tại các NH và NH sở hữu các công ty tài chính, bảo hiểm, bất động sản (các công ty con này có cổ phần hoặc đầu tư vào nhiều doanh nghiệp phi tài chính). |
No comments:
Post a Comment