Wednesday, August 7, 2013

Báo Nhân dân: Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô

Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô
Loạt bài trên báo Nhân dân (bấm vào chữ để nói với bài):
Phần 1: Sự tan rã của Đảng CS Liên Xô và Liên bang Xô Viết Phần 2: Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1) (17/08) 
Phần 2: Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2) 
Phần 3: Công tác tư tưởng và tác phong của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1) (17/08)
Phần 3: Công tác tư tưởng và tác phong của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2) (17/08)
Phần 4: Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)
Phần 4: Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)
Phần 5: Những vi phạm về nguyên tắc xây dựng Đảng (kỳ 1)
Phần 5: Những vi phạm về nguyên tắc xây dựng Đảng (kỳ 2)
Phần 6: Chân dung một số nhà lãnh đạo Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)
Phần 6: Chân dung một số nhà lãnh đạo Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)
Phần 7: Các thế lực thù địch tiến công Đảng CS Liên Xô bằng “diễn biến hòa bình” (kỳ cuối)
Tháng 3-1985, Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Đảng CS Liên Xô. Tháng 2-1986, Đảng CS Liên Xô triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ 27. Đây là Đại hội đầu tiên được triệu tập sau khi Gorbachev lên cầm quyền. Sau đó không lâu, Gorbachev chính thức đưa ra khẩu hiệu “Dân chủ hóa tính công khai, dư luận đa nguyên hóa” và lấy đó làm bước đột phá mở ra cơ chế cải cách. Lúc bấy giờ, nhân dân Liên Xô mong muốn cải cách thoát khỏi trì trệ nhưng vẫn chưa rõ, thậm chí, chưa hiểu hàm nghĩa thật sự của khẩu hiệu Gorbachev đưa ra dưới danh nghĩa “perestroika” (cải tổ) là gì.

Tháng 6-1988, Đảng CS Liên Xô họp Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19. Trong báo cáo, Gorbachev có đoạn bộc bạch: “Phương châm chủ yếu của cải tổ thể chế chính trị Liên Xô không chỉ là đề xướng vấn đề dân chủ hóa tính công khai và dư luận đa nguyên hóa. Mà là phải loại bỏ vấn đề Đảng CS Liên Xô là hạt nhân của thể chế chính trị Liên Xô. Là vấn đề phải chuyển trung tâm quyền lực nhà nước từ trong tay Đảng CS sang Xô Viết”.

Tháng 7-1990, Đảng CS Liên Xô tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 28. Đây là Đại hội cuối cùng trong lịch sử Đảng CS Liên Xô trước khi Liên Xô tan rã. Đại hội thông qua tuyên bố có tính cương lĩnh “tiến tới Xã hội chủ nghĩa dân chủ hóa nhân đạo” và một số nghị quyết khác. Từ đây, thể chế đa đảng và thể chế dân chủ nghị viện, ý thức hệ đa nguyên cũng chính thức trở thành phương châm chỉ đạo của Đảng. Các tổ chức chống Cộng thừa cơ được thành lập hàng loạt và phát triển lớn mạnh, triển khai cuộc đấu tranh với Đảng CS Liên Xô.

Kusov, Phó Chủ tịch Trung ương Đảng CS Nga ngày 28-2-1991 nói: “Sửa đổi Hiến pháp chỉ vẻn vẹn một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, có hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa. Hầu hết trong đó trở thành lực lượng chính trị cuối cùng thúc đẩy Đảng CS Liên Xô bị hạ bệ và giải tán”.

Dưới sự cổ vũ của phương châm dân chủ hóa tính công khai và thể chế đa đảng của Gorbachev, tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã không ngừng dâng cao, khuynh hướng ly khai dân tộc hẹp hòi ngày càng trở nên trầm trọng. Tổ chức Đảng của các nước cộng hòa tham gia Liên bang cũng ngày càng xa rời trung ương. Từ năm 1989, Đảng CS của một số nước cộng hòa như Latvia, Lithuania (Lít-va), Estonia... đã đưa ra yêu cầu tách khỏi hoặc độc lập với Đảng CS Liên Xô. Bất chấp sự phản đối của Đảng CS Liên Xô, ngày 20-12-1989, tại Đại hội 20, Đảng CS Lithuania thông qua Tuyên ngôn, quyết định về địa vị của Đảng CS Lithuania, tuyên bố Đảng CS Lithuania tách khỏi Đảng CS Liên Xô, giữ quan hệ đối tác bình đẳng với Đảng CS Liên Xô. Gorbachev liên tục lùi bước trước tình hình này. Cái gọi là “phái dân chủ” trong Đảng đã lợi dụng tình hình để hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ với chủ nghĩa ly khai dân tộc ngoài Đảng, tiến hành hoạt động chia rẽ Đảng CS Liên Xô, từ đó làm tan rã Liên Xô.

Ngày 17-3-1991, Liên Xô tiến hành trưng cầu ý kiến nhân dân toàn Liên bang. Trong đó, số phiếu bảo lưu Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chiếm 76,4%. Số phiếu phản đối chiếm 21,7%. Nhưng sáu nước cộng hòa Gruzia, Lithuania, Moldovia, Latvia, Armenia, Estonia từ chối trưng cầu dân ý.

Ngày 23-4-1991, Gorbachev nhân danh Trung ương Đảng CS và Xô Viết tối cao Liên Xô tiến hành gặp gỡ những người lãnh đạo của chín nước cộng hòa Liên bang (Nga, Ukraine, Belarus, Kazakstan…), ra tuyên bố 9+1 đề xuất nhanh chóng ký kết Hiệp ước Liên bang mới với tên gọi là Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, xóa bỏ khái niệm “xã hội chủ nghĩa”. Sự kiện này về mặt luật pháp đã phá hoại thống nhất quốc gia, đặc biệt là thay đổi tính chất XHCN và phương hướng thống nhất của quốc gia. Cùng lúc, Yeltsin - Chủ tịch Xô Viết Liên bang Nga, cũng cố gắng làm tan rã nước này một cách không thương tiếc nhằm chiếm đoạt quyền lực tối cao.

Ngày 20-8 là ngày ký Hiệp ước Liên bang mới. Ngày 19-8, để giữ lại Liên Xô XHCN đồng thời ngăn chặn cái gọi là “phái dân chủ” lên nắm quyền, một nhóm lãnh đạo cao cấp của Đảng, chính quyền và quân đội Liên Xô đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở một số địa phương trong nước và thành lập Ủy ban tình trạng khẩn cấp do Phó Tổng thống Yanaev đứng đầu. Có thể coi đây là cuộc thử nghiệm cuối cùng của một số nhà lãnh đạo trong Đảng CS Liên Xô cố nhằm cứu vãn Liên Xô XHCN, tránh cho đất nước rơi vào thảm họa. Nhưng do họ không có niềm tin XHCN rõ ràng và kiên định, lại thiếu ý chí chính trị kiên cường trong đấu tranh thực tế, nên họ đã thất bại. Gorbachev đang đi nghỉ mát, có thái độ trước là lừng chừng, sau là phản bội, và đây cũng là điều góp phần đẩy nhanh tiến trình thất bại của sự kiện.

Sự kiện 19-8 kết thúc. Trung ương Đảng CS Liên Xô tự giải tán trước sự thúc ép của Gorbachev. 4.228 tòa nhà làm việc, 180 trung tâm chính trị xã hội, 16 cơ sở nghiên cứu chính trị xã hội,... của Đảng CS Liên Xô đều bị nhà cầm quyền Nga niêm phong và tịch thu. Tổ chức Đảng CS khắp các khu vực Nga và ở các nước cộng hòa Liên Xô nhanh chóng bị giải tán hoặc bị cấm hoạt động. Toàn Đảng tan rã theo. Vậy là một đảng lớn, có gần 20 triệu đảng viên, đã mất địa vị cầm quyền sau 74 năm cầm quyền.

Cho đến hôm nay, trong hồ sơ của Trung ương hay của địa phương, đều không thấy ghi chép gì khi thế lực thù địch xóa bỏ Đảng CS gặp phải sự chống đối của tổ chức các cấp của Đảng. Không hề thấy ghi chép gì về việc đảng viên Đảng CS Liên Xô tập hợp lại một cách có tổ chức để tiến hành bất cứ một hoạt động phản đối quy mô lớn nào nhằm bảo vệ Khu ủy, Thành ủy hoặc Huyện ủy của mình.

Mất Đảng tất yếu đưa tới mất nước. Ngày 25-12-1991 là ngày cuối cùng Gorbachev làm Tổng thống Liên Xô, cũng là ngày tồn tại cuối cùng của Liên Xô. 10 giờ sáng, Gorbachev đến Phủ Tổng thống ở Điện Kremli chuẩn bị đơn từ chức mà ông ta sẽ đọc vào tối hôm đó. 19 giờ, Gorbachev qua máy ghi hình của Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô và Đài Truyền hình CNN (Mỹ) đọc thư gửi nhân dân Liên Xô và toàn thế giới, tuyên bố từ chức, ngừng mọi hoạt động của mình với chức vụ Tổng thống Liên Xô. 19 giờ 32 phút, quốc kỳ Liên Xô hình búa liềm đã in đậm trong lòng nhiều thế hệ người Liên Xô và nhân dân thế giới trên nóc điện Kremli ủ rũ hạ xuống trong gió lạnh. 19 giờ 45 phút, lá cờ ba mầu của Liên bang Nga thay thế.

Buổi sáng 26-12-1991, Viện Cộng hòa Xô Viết tối cao Liên Xô họp hội nghị lần cuối cùng. Hội trường chỏng trơ, vắng ngắt. Trên đoàn Chủ tịch chỉ có một mình Alychanov, Chủ tịch Viện Cộng hòa. Các đại biểu giơ tay biểu quyết thông qua tuyên ngôn tuyên bố “Liên Xô ngừng tồn tại”. Đảng CS Liên Xô, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết - hai cái tên rực rỡ suốt hơn nửa thế kỷ, đã rút khỏi vũ đài lịch sử âm thầm như thế.

Sau khi Liên Xô tan rã, theo “liệu pháp sốc” của người Mỹ, ở nước Nga người ta tiến hành cưỡng chế thực hành cải cách tư hữu hóa trong lĩnh vực kinh tế. Kết quả rất nhanh là đưa đến một nền kinh tế tiêu điều và suy thoái nghiêm trọng. Đất nước nghèo đi nhanh chóng, xã hội rơi vào hỗn loạn. Phạm tội xảy ra tràn lan. Theo tài liệu của Bộ Nội vụ Nga, lúc đó toàn quốc xuất hiện hơn 8.000 băng nhóm tội phạm cỡ lớn có tổ chức. Trong Thông điệp tình hình đất nước năm 1996, Yeltsin cũng thừa nhận: “Nước Nga hiện nay đã vượt Italia, trở thành vương quốc băng đảng mafia lớn nhất thế giới”. Từ năm 1991 đến cuối thế kỷ 20, tổng giá trị sản xuất trong nước của Nga giảm xuống 52% so năm 1990 (trong khi đó, vào thời kỳ chiến tranh từ năm 1941 đến năm 1945 chỉ giảm 22%). Sản xuất công nghiệp cùng thời kỳ giảm 64,5%. Sản xuất nông nghiệp giảm 60,4%. Đồng rúp mất giá. Vật giá tăng cao hơn 5.000 lần. Từ năm 1992 trở đi, dân số nước Nga luôn có xu thế giảm. Tuổi thọ bình quân của người Nga năm 1990 là 69,2 tuổi. Còn năm 2001 là 65,3 tuổi. Thậm chí, tuổi thọ bình quân của nam giới ở một số vùng giảm xuống đến 10 tuổi.

Đảng CS Liên Xô bị diệt vong, Liên Xô tan rã mang lại hậu quả tai hại cho Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Năm 2005 khi đọc Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin nói: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”. Rất nhiều học giả Nga cũng rút ra kết luận rằng, Đảng CS Liên Xô sụp đổ, Liên Xô tan rã làm cho phát triển kinh tế - xã hội thụt lùi mấy chục năm.

Một đảng do Lenin sáng lập. Một Đảng từng lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của nước Nga Sa hoàng, xây dựng thành công Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên. Một đảng từng lãnh đạo nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước, bảo vệ thắng lợi thành quả cách mạng. Một đảng đã lãnh đạo chiến thắng phát-xít Đức trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Một đảng giành được thành tựu rực rỡ trong xây dựng CNXH và đi đầu trong việc đưa vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ. Vì sao lại mất địa vị cầm quyền sau 74 năm cầm quyền?

Một đảng khi có 20 nghìn đảng viên đã lãnh đạo Cách mạng tháng Hai lật đổ ách thống trị chuyên chế Sa hoàng; khi có 35 vạn đảng viên đã giành được thắng lợi của Cách mạng XHCN tháng Mười và nắm chính quyền toàn quốc; khi có hơn 5.540.000 đảng viên lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát-xít Đức hung bạo, lập chiến công bất hủ, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, vậy mà khi có gần 20 triệu đảng viên thì lại mất địa vị cầm quyền, mất Đảng, mất nước. Rốt cuộc, vấn đề là ở chỗ nào?

(Tiếp theo)

No comments:

Post a Comment