Friday, August 9, 2013

Vẽ giùm tôi một người Việt Kiều

Vẽ giùm tôi một người Việt Kiều
Cổ Ngư dịch (Dựa theo tác phẩm Cậu Hoàng Con cuả A. de Saint-Exupéry
Cậu Hoàng Con hỏi viên phi công đang bị lạc giưã sa mạc: «Nè, anh ơi, làm ơn vẽ giùm tôi một người Việt Kiều đi... » Lúng ta lúng túng, viên phi công bắt đầu câu chuyện.
1. Vẽ giùm tôi một người Việt Kiều
"Nước mắm", "Nhà quê" là những từ Việt Nam đã được ghi trong tự điển Larousse. Có thể người ta sắp ghi thêm từ "Việt Kiều". Nhưng làm thế nào mà tìm được một định nghiã thâu gồm tất cả những người sống rải rác từ Paris, Los Angeles, Londres, Sydney, Genève, Hồng Kông cho đến Ouagadougou? Và người Việt gốc Hoa, sinh trưởng ở Chợ Lớn, di cư sang Thụy Sĩ thì sao, sẽ được gọi là Việt Kiều, Hoa Kiều hay người Thụy Sĩ đây? Tôi hay nghe người Việt Kiều Pháp nói cái kiểu: «Nhớ ranger cái camembert vào trong frigo» [2] .
Việt Kiều Mỹ cũng chẳng kém: “Phải reheat cái hamburger vào trong microwave, power một” [3] . Thật tình, tôi cảm thấy dễ chiụ hơn khi nghe thằng bạn người Bourgogne léo nhéo: “Passe-moi du nước mắm pour que je m'en mette dans mon phở” [4] .

Như đã thấy, người Việt Kiều này sáng chế ra một thứ ngôn ngữ điạ phương để dễ dàng phân biệt với những người Việt Kiều khác. Vì vậy, phải phân biệt nhiều loại Việt Kiều, dù rằng nhìn bên ngoài thì họ có vẻ hao hao giống nhau.

Sau vấn đề định nghiã, còn có vấn đề bản sắc nưã. Là những kẻ hợp chủng, kết quả cuả sự giao lưu giưã các nền văn hoá, các thế hệ khác nhau,

chúng tôi không thể không tự hỏi: "Chúng tôi là ai?"

Và viên phi công vẽ cho Cậu Hoàng Con xem bức tranh "Việt Kiều số 1". Cậu Hoàng Con hỏi: “Nhưng mà, hai cái trục này có nghiã là gì vậy hả anh?”

Viên phi công trả lời: “Ðơn giản lắm, tôi vẽ cho cậu xem những người Việt Kiều theo từng đặc điểm khác nhau. Tuỳ theo nơi đang sống, họ có những lối suy nghĩ khác nhau. Những lối suy nghĩ này được thành hình từ hai phương diện

Một số Việt Kiều sống trong những xã hội mà, càng lớn tuổi, họ càng được người khác kính trọng. Ðối với những Việt Kiều khác, tuổi tác và sự kính trọng không nhất thiết phải đi đôi với nhau.

Một số vẫn giữ quan niệm sống Đông phương, một số khác lại có quan niệm sống Âu hoá hơn. Người Việt Kiều ở Hồng Kông chẳng hạn, anh ta vẫn sống ở Á châu, do đó, cách suy nghĩ cuả anh ta rất gần với luận lý Á đông. Nền tảng triết lý cuả anh ta là Nho giáo và vì vậy, anh ta thấm nhuần niềm kính trọng những bậc cao niên.

Người Việt Kiều Mỹ châu sống trong một xã hội Tây phương đua chen và rất năng động. Anh ta nói tiếng Anh, gọi ông nội hay cậu em út trong nhà đều là "you" cả và không quan trọng hoá lắm vấn đề phân thứ bậc theo tuổi tác.

Tại Pháp, người Việt Kiều sống trong một xã hội được xây dựng trên nền tảng những giá trị cuả nền cộng hoà Tây phương tiêu biểu. Ða số đã định cư lâu năm và khuôn mẫu gia đình họ khá giống với khuôn mẫu gia đình truyền thống. Cấu trúc gia đình cuả người Việt Kiều Pháp tương đối gần với cấu trúc gia đình ở Việt Nam.

Còn người Việt Kiều trở về Việt Nam sinh sống lại là một trường hợp ngoại lệ: một lần nưã, anh ta bị phương Đông cuốn hút và nhờ đó, tìm về nguồn cội. Tuy nhiên, trong suốt thời gian sống ở Âu Mỹ, anh ta bị gán cho cái nhãn quan cuả kẻ ít tôn trọng những bậc trưởng thượng.

Hình vẽ cuả tôi có nghiã như vậy đó!” Cậu Hoàng Con lắc lắc cái đầu, nhăn nhó: “Tôi không thích hình anh vẽ, gì mà chặt chẽ cứng ngắc hà! Việt Kiều đâu có thể phân loại như vậy được! Gốc gác với cả ngàn năm văn hoá, làm sao mà nhét vô mấy cái vòng tròn tròn này nổi! Vẽ giùm tôi cái hình khác đi!” Viên phi công thở dài, đành tiếp tục câu chuyện.

2. Việt Kiều và ngôi làng toàn cầu

Chàng thi sĩ nói rằng: Mỗi chuyến viễn du là một loạt những vắng mặt không tài nào tránh khỏi

Cứ ra đi và vắng mặt, điều đó sẽ đem nhiều bổ ích đến cho anh. (Michel Tournier) [5]

Lịch sử Việt Nam trải dài qua hàng ngàn năm chinh chiến, và đã gây nên một cuộc ly hương quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Hứng chiụ một định mệnh tàn khốc, dân di tản đành tự ghép mình vào cuộc sống cuả những xứ sở có một nền văn hoá gần như hoàn toàn khác biệt. Cắn răng chiụ đựng, cuối cùng họ đã chứng tỏ một khả năng hội nhập kỳ diệu. Nhìn chung, người Việt Kiều ra đi trong những hoàn cảnh khó khăn. Dù là đất lưu đày hay chốn tạm dung, "sự ra đi và vắng mặt" cuả họ đôi khi lại nảy sinh những vấn đề mới: họ nhận ra rằng, muốn cho con cái hiểu mình, phải nói chuyện với chúng bằng ngôn ngữ cuả Rabelais hay cuả Shakespeare, rằng, con dâu tương lai cuả họ có khả năng mang tên Sophie hay Tracy hơn là Hoàng Lan hoặc Ánh Mây, rằng, hình như Grunge là một kiểu thời trang rất chiụ chơi..., tóm lại, rằng họ không tài nào định đoạt nổi số phận cuả con cái họ nưã.

Tuy nhiên, vượt lên trên những xung khắc giưã các thế hệ, giưã những nền văn hoá, thế hệ Việt Kiều thứ hai không ngờ rằng có thể mình đang gặt hái những thành quả chuyến viễn du cuả cha anh họ. Chúng tôi có thể đi khắp thế giới, và hầu như ở đâu, cũng được một ông Bác hay một bà Cô - nhiều khi chưa biết mặt - đón tiếp.

Ðến xứ lạ mà lại có cảm tưởng mình là khách mời thì quả sướng thật! Việc gặp gỡ những người Việt Kiều khác trên xứ lạ lần đầu tiên thật đáng xếp vào loại kịch bản "Gặp gỡ với người ngoài trái đất"! Vẫn luôn là câu hỏi then chốt: "Tôi phải nói bằng thứ tiếng gì để ông ta hiểu đây?" Tại sao không nói tiếng Việt ? Nhưng lỡ ông ta không nói được tiếng Việt thì sao? Thử nói tiếng Anh xem.

Rồi tôi bắt chuyện. Ông ta trả lời. Chắc ông ta cũng hiểu tôi chút chút. Chừng mười lăm phút sau, ông ta bắt đầu chêm vài từ tiếng Việt vào. Tôi đáp lại và chợt nhận ra rằng đã đột ngột chuyển cách xưng hô từ "you and me" thành ra "bác và cháu". Ðột ngột thiết lập một mối quan hệ có thứ bậc mà trước giờ chưa hề có! Ðiệu này, chỉ để liên lạc với Việt Kiều không thôi, chắc tôi phải làm một luận án xã hội học, ngành UFO [6] quá!

Tôi vui vui khi thấy rằng, cứ sau một chuyến du lịch, tôi lại có thêm một lô một lốc những họ hàng thân thích. Tôi tìm thấy nước Việt Nam không phải chỉ ở Hà Nội, mà còn ở cả Chicago, Londres, Berlin, Montréal hay Paris. Giờ đây, tôi đoan chắc là Việt Kiều đã sáng lập ra Ngôi Làng Toàn Cầu. Viên phi công vẽ bức tranh "Việt Kiều số 2". «Này, hình vẽ cậu muốn đây này!


Thôi để cho tôi yên nhé, tôi bận lắm!» Ngẫm nghĩ một lúc, Cậu Hoàng Con lại hỏi: «Nhưng mà... đây là cái gì vậy?» Viên phi công hết còn kiên nhẫn, gắt lên: «Là nơi mà mấy người Việt Kiều cuả cậu sinh sống đó!» «Tôi nhớ năm 1962, tổng thống Kennedy nói rằng, tất cả chúng ta đều là dân Berlin cả, còn anh, anh phi công ơi, bây giờ, anh lại nói, tất cả chúng ta đều là Việt Kiều hết trơn. Nhìn hình vẽ này, tôi vẫn chưa hiểu được Việt Kiều là cái quái gì cả!»

3. Những người Việt Kiều... đại thụ

Vội chưã cho xong chiếc máy bay, viên phi công nghĩ thầm: "Cái Cậu Hoàng Con này quái thật, tò mò cứ y như một thằng Tây con vậy..." Người Việt Kiều thích ứng nhanh chóng với môi trường chung quanh. Tôi đã từng gặp những người Việt Kiều sống dưới cái lạnh cắt da 40 độ âm ở Canada, và cũng đã gặp những người khác sống trong cái nóng nung người 50 độ dương ở Qatar. Việt Kiều Mỹ mê Filet-O-Fish cuả MacDonald's (dĩ nhiên, với một chút nước mắm) và có những Việt Kiều Anh đã thề sống thề chết với tôi là họ khoái bánh pudding và jelly (cũng ăn với nước mắm, tôi chiụ thua, không biết họ làm thế nào!).

Cái khả năng thích ứng kỳ diệu này, rốt cuộc cũng lại là con dao hai lưỡi: cố gắng hội nhập, che giấu nguồn cội, cuối cùng, người ta gần như muốn quên luôn nó đi. Nhưng kẻ khác, họ không có quên đâu! Có vẻ ngược ngạo khi nói rằng, nhờ kẻ khác mà người Việt Kiều mới chợt nhớ ra gốc gác cuả mình. Tôi mới đi Ấn Ðộ, nơi có khá ít người Ðông Á đến thăm viếng. Ðưá bé nào cũng hỏi tôi: "Anh ở đâu tới vậy? Ở Nhật hả?". "Không, ở Pháp đến. Tôi người Pháp mà!". Nhìn vào những đôi mắt tinh quái cuả chúng, tôi hiểu rằng câu trả lời này chẳng làm chúng ưng chút nào.

Cuối cùng, tôi đành chỉ vào mặt trăng trên trời và xạo với chúng: "Tôi từ cung trăng xuống đó". Trong đám nhóc, có lẽ chưa đưá nào có hân hạnh gặp chị Hằng hay chú Cuội, nên thế nào chúng cũng sẽ kháo nhau là ở trên đó, dân Nguyệt cầu ai ai cũng giống Lý Tiểu Long hết trơn! Cậu Hoàng Con nói với viên phi công: «Ðừng có hòng mà lưà được tôi! Tôi sống ở trển nên biết chắc người Mặt trăng đâu phải là Việt Kiều.» «Ai mà biết được, biết đâu... mai mốt...» Viên phi công xếp giấy bút sang một bên, nhìn Cậu Hoàng Con: «Này cậu bé ơi, bây giờ hãy tưởng tượng ra một cái cây, với mớ rễ thật dài cắm sâu vào lòng đất, với một thân cây sần sùi và đám cành nhánh toả rộng vươn cao, cuối cùng là những chiếc lá xanh tươi ở đầu cành mỗi độ xuân về.» «Nhưng... anh đang tả một cây đại thụ đây mà!» «Ừ, cũng được.

Người Việt Kiều gần giống như một cây đại thụ vậy đó. Họ cùng có chung một cội rễ đã cắm sâu vào mảnh đất phì nhiêu cuả lịch sử Việt Nam. Tất cả Việt Kiều đều có gốc Việt cả. Gốc Việt, hay gốc, trong tiếng Việt, vưà có nghiã là nguồn gốc một dân tộc, cũng vưà có nghiã là gốc cây nưã. Họ đã từng trải qua những cảnh thương khó, đó chính là thân cây sần sùi u nần. Rồi sau khi rời khỏi Việt Nam, họ toả đi khắp nơi như những cành nhánh kia, vươn rộng ra mọi hướng. Rồi thì, ở đầu cành, chồi non lá mới nảy sinh khi xuân đến, đó là những thế hệ Việt Kiều bé con được sinh ra tại hải ngoại. Chính chúng cũng sẽ là tương lai cuả Việt Nam, những thành viên hành động như những người Tây phương, nhưng vẫn mang nặng tâm hồn đông phương Việt tộc.» Cậu Hoàng Con nhắm mắt lại, mơ mộng và mỉm cười.

Cổ Ngư dịch (Dưạ theo tác phẩm Cậu Hoàng Con cuả A. de Saint-Exupéry

[1] ) -----------
[1]A. de Saint-Exupéry: nhà văn kiêm phi công người Pháp. Ông sinh năm 1900 ở Lyon và tử nạn trong một phi vụ năm 1944. Tác phẩm đã xuất bản: Bay đêm (Vol de Nuit - 1931), Ðất người (Terre des Hommes - 1939), Phi công thời chiến (Pilote de Guerre - 1942...). Cậu Hoàng Con (Le Petit Prince - 1943) là một loại truyện ngụ ngôn-triết lý dành cho mọi lứa tuổi (xem bản dịch của Bùi Giáng tong Tủ sách talawas). Các chú thíchtrong bài đều của người dịch.
[2]Nhớ cho miếng phô-mai camembert vào trong tủ lạnh.
[3]Phải hấp cái bánh nhân thịt trong lò vi ba, vặn số một.
[4]Ê, đưa nước mắm để tao rưới vô phở, mày!
[5]Trích trong "Gaspard, Melchior và Balthazar".
[6]UFO, viết tắt từ Unidentified Flying Object: vật bay chưa xác định (loại điã bay).

Nguồn: Nguyên tác tiếng Pháp "S'il-te-plaît, dessine moi un Viêt Kiêu" đăng trên báo Sampan Lychee, bản dịch tiếng Việt đăng trên tạp chí Chủ Đề

http://www.phiem-dam.com/cphiem142.htm

No comments:

Post a Comment